Các cường quốc sắc đẹp ngày càng 'hờ hững' với thi hoa hậu
Showbiz - Ngày đăng : 08:21, 08/08/2024
Ấn Độ, Venezuela, Mỹ vốn được xem là cường quốc sắc đẹp thế giới khi sở hữu nhiều vương miện Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, nhưng giờ đây họ cũng không còn mặn mà với những cuộc thi nhan sắc.
Hàng năm, trên thế giới, rất nhiều cuộc thi nhan sắc quốc gia và quốc tế được tổ chức nhằm tìm kiếm những người đẹp đại diện cho tổ chức, theo đuổi sứ mệnh hòa bình, tích cực hoạt động từ thiện, đại diện cho tiếng nói của phụ nữ hiện đại. Tuy nhiên, việc tràn lan các cuộc thi nhan sắc khiến người xem dần trở nên "bão hòa".
Hiện tại, chỉ có 6 cuộc thi sắc đẹp quốc tế vẫn được khán giả theo dõi. Đó là Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Hòa bình (Miss Grand International), Hoa hậu Trái đất (Miss Earth), Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Quốc tế (Miss International), Hoa hậu Siêu Quốc gia (Miss Supranational).
Tranh cãi về chất lượng của các cuộc thi nhan sắc quốc tế
Năm 2022, thí sinh của cuộc thi Miss Planet International 2022 (Hoa hậu Hành tinh Quốc tế) đã đăng đàn tố Ban Tổ chức lừa đảo, bỏ rơi 35 thí sinh tại Uganda. Thí sinh của cuộc thi đã đăng đàn kêu cứu trên trang cá nhân và nhờ cơ quan chức năng vào cuộc.
Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 (Miss Grand International) đối mặt với khủng hoảng truyền thông lớn khi thí sinh tố Ban Tổ chức bào mòn sức khỏe, miệt thị ngoại hình thí sinh, dàn xếp kết quả…
Người đẹp Lu Juan Mzyk - thí sinh của Nam Phi tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 (Miss Grand International) - đã lên tiếng tố cáo Ban Tổ chức cuộc thi bào mòn sức khỏe và không bảo vệ thí sinh. Được biết, 4 ngày trước đêm chung kết, người đẹp Lu Juan Mzyk đã phải nhập viện vì kiệt sức.
Sau chung kết năm 2022, fanpage cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 mất 2,4 triệu fan và bị khán giả chê trách. Hậu cuộc thi, Top 10 của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 không có các hoạt động xã hội ý nghĩa mà chỉ tổ chức livestream (phát sóng trực tiếp) bán hàng, tổ chức các sự kiện nhỏ lẻ.
Cuộc thi Hoa hậu Trái đất (Miss Earth) bị khán giả quay lưng sau gần 20 năm tổ chức. Phóng viên tờ Komsomolskaya Pravda từng giả danh khách hàng để thương lượng với Lorraine Schuck - chủ tịch Hoa hậu Trái đất, về chuyện "đi cửa sau", và cái giá bà này đưa ra cho vương miện là 4 triệu USD.
Theo Manila Times, các cô gái tham dự Hoa hậu Trái đất phải chi 2.000 USD phí tham gia nhưng chỉ được ở khách sạn 3 sao, đứng chen nhau trên tàu điện ngầm để di chuyển đến địa điểm ghi hình. Họ phải chụp ảnh trước backdrop nhàu nát, catwalk trên sân khấu ọp ẹp, các bữa ăn dành cho thí sinh bị tố không đảm bảo dinh dưỡng.
Từ một cuộc thi nhan sắc được đánh giá cao về chất lượng và lượng thí sinh tham dự lớn, cuộc thi Hoa hậu Trái đất đang dần mất khán giả. Nhiều người dùng mạng từng kêu gọi tẩy chay cuộc thi khi cho rằng ban giám khảo ưu ái "gà nhà", các đại diện của Philippines. Bằng chứng là trong lịch sử hơn 20 năm của Hoa hậu Trái đất, Philippines giữ kỷ lục cả về số lần đăng cai cuộc thi và số vương miện (4 lần đăng quang vào 2008, 2014, 2015 và 2017).
Hoa hậu Mỹ bị khán giả quay lưng vì bê bối mua giải, ồn ào tình dục
Hoa hậu Mỹ, một cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia, có sức hút lớn và uy tín cũng không tránh khỏi những bê bối, thị phi suốt thời gian qua. Sau 71 năm tồn tại và phát triển, cuộc thi Hoa hậu Mỹ được xếp ngang hàng với cuộc thi quốc tế lớn như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ.
Mỹ cũng là quốc gia có nhiều người đẹp đăng quang tại Hoa hậu Hoàn vũ nhất hiện nay với 9 lần chiến thắng. Mỹ cũng nằm trong Top các quốc gia nhiều hoa hậu nhất thế giới hiện nay với 3 lần chiến thắng tại đấu trường Hoa hậu Thế giới.
2 năm gần đây, cuộc thi liên tục đối mặt với những chỉ trích từ công chúng. Năm 2002, người đẹp R'Bonney Gabriel đăng quang Hoa hậu Mỹ 2022. Tuy nhiên, nhiều thí sinh đã lên tiếng tố cáo ban tổ chức và người điều hành tổ chức Hoa hậu Mỹ Crystle Stewart, thiên vị R'Bonney Gabriel.