Mỹ có thể ép Google chia tách hay không?
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:18, 08/08/2024
Ngày 5/8, thẩm phán Amit Mehta của Tòa án quận Columbia tuyên bố, số tiền 26 tỷ USD mà Google thanh toán cho những công ty khác để trở thành tùy chọn tìm kiếm mặc định trên smartphone và trình duyệt web là bất hợp pháp. Hành động của Google về cơ bản đã chặn đường thành công của mọi đối thủ khác trên thị trường.
Phán quyết được thẩm phán Mehta đưa ra sau phiên tòa kéo dài 10 tuần năm 2023. Vụ kiện với Google chỉ là một trong vài vụ kiện chống độc quyền đối với các hãng công nghệ lớn mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo. Thúc đẩy cạnh tranh trong thương mại là trung tâm trong chính sách kinh tế của Mỹ.
1. Vụ kiện chống độc quyền Google
Bộ Tư pháp Mỹ và tổng chưởng lý các bang cáo buộc Google đã trả hàng chục tỷ USD để duy trì độc quyền trên thị trường tìm kiếm thông qua các thỏa thuận với các công ty khác. Để đổi lấy một phần doanh thu quảng cáo, những hãng này – bao gồm Apple, Samsung – đồng ý để Google làm mặc định trên trình duyệt và thiết bị di động. Theo các nguyên đơn, những giao dịch đó đã chặn đường các điểm truy cập quan trọng, khiến những đối thủ như DuckDuckGo hay Microsoft Bing không thể có đủ lượng dữ liệu mà họ cần để cải thiện sản phẩm và thách thức Google.
Phán quyết của thẩm phán Mehta chỉ ra Google đã độc quyền thị trường dịch vụ tìm kiếm chung và quảng cáo tìm kiếm bằng văn bản một cách bất hợp pháp. Nhờ độc quyền, Google có thể tăng giá quảng cáo mà không gặp trở ngại nào.
2. Điều gì sẽ xảy ra?
Theo Bloomberg, quyết định của thẩm phán Mehta chỉ tập trung vào việc Google có vi phạm luật chống độc quyền hay không. Ông dự định tổ chức một phiên xử riêng liên quan đến việc khắc phục hành vi bất hợp pháp của hãng tìm kiếm Internet.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng chưa lên tiếng về những thay đổi mà bộ mong muốn. Cơ quan này có thể yêu cầu chia tách mảng tìm kiếm của Alphabet – công ty mẹ Google – khỏi các sản phẩm khác như Android hoặc Chrome. Nếu thẩm phán ra lệnh như vậy, nó sẽ đánh dấu màn bắt buộc chia tách lớn nhất của một công ty Mỹ kể từ AT&T năm 1984.
Thẩm phán cũng có thể chỉ yêu cầu Google hủy bỏ các thương vụ độc quyền thay vì ép chia tách. Một lựa chọn khác là yêu cầu Google cấp phép sử dụng chỉ mục tìm kiếm – dữ liệu dùng để phát triển kết quả tìm kiếm của mình.
3. Google nói gì về phán quyết của tòa án?
Google cho biết, có kế hoạch kháng cáo. Công ty lưu ý trong phán quyết, thẩm phán Mehta gọi Google là “công cụ tìm kiếm tốt nhất tại Mỹ” và sở hữu “chất lượng sản phẩm ưu việt” nhờ đầu tư vào đổi mới sáng tạo.
Dù thừa nhận trả tiền để công cụ tìm kiếm được cài sẵn trên thiết bị di động và trình duyệt, Google cho rằng đây là các giao dịch “lành tính”, tương tự các giao dịch mà công ty ngũ cốc thực hiện với các cửa hàng tạp hóa để được trưng bày chỗ đẹp.
4. Luật chống độc quyền của Mỹ
Luật chống độc quyền của Mỹ nhằm mục đích bảo vệ cạnh tranh trong thương mại. Tại Mỹ, lớn mạnh không phải bất hợp pháp; đạt vị trí thống trị nhờ sản phẩm ưu việt hay quản lý tốt được xem là phần thưởng trên thị trường. Tuy nhiên, sẽ là bất hợp pháp nếu một người thống trị thị trường lại sử dụng các biện pháp ngăn chặn đối thủ đe dọa vị trí của mình. Mọi nỗ lực nhằm duy trì bất hợp pháp sự thống trị có thể dẫn đến án phạt hoặc bắt buộc chia tách.
5. Các vụ kiện chống độc quyền khác mà Google đang đối mặt
Do bang Texas dẫn đầu, 16 bang cùng đảo Puerto Rico khởi kiện Google năm 2020, cáo buộc công ty độc quyền công nghệ nền tảng của quảng cáo trực tuyến. Một phiên tòa đã được lên kế hoạch vào tháng 3/2025.
Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện Google liên quan đến hoạt động kinh doanh công nghệ quảng cáo vào tháng 1/2023. Vụ án sẽ được đưa ra xét xử tháng 9 này.
Một bồi thẩm đoàn liên bang phát hiện Google tìm cách duy trì thống trị phân phối ứng dụng bất hợp pháp thông qua chợ Google Play trên thiết bị di động. Epic Games – nhà sản xuất game Fortnite – khởi xướng vụ kiện, đề nghị tòa án ra lệnh cho Google cho phép người dùng tải ứng dụng từ bất cứ đâu mà họ chọn và nhà phát triển có quyền tự do lựa chọn cách chấp nhận thanh toán.
Hàng chục tổng chưởng lý bang đã kiện Google vào tháng 7/2021 với lý do lạm dụng sức mạnh bán hàng và phân phối ứng dụng thông qua Google Play trên thiết bị di động. Google muốn dàn xếp vụ kiện bằng 700 triệu USD nhưng một thẩm phán liên bang vẫn chưa phê duyệt do lo ngại sẽ không giải quyết được hành vi phản cạnh tranh bị cáo buộc.
6. Google đang gặp rắc rối tại đâu?
Từ năm 2010, khi Ủy ban châu Âu nhận được khiếu nại chính thức đầu tiên chống lại các hành vi của Google, hãng tìm kiếm đã nhận tổng cộng 3 án phạt trị giá 8,6 tỷ USD. Google đang kháng cáo.
Hồi tháng 6, Liên minh châu Âu đưa ra các cáo buộc bổ sung chống lại Google, cáo buộc ưu tiên bộ phận kinh doanh công nghệ quảng cáo (adtech) của riêng mình để gây bất lợi cho đối thủ, nhà quảng cáo và nhà xuất bản trực tuyến, đồng thời yêu cầu thoái vốn hoàn toàn khỏi bộ phận này.
Vào tháng 3, Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) của châu Âu chính thức có hiệu lực đối với Google và những công ty được chỉ định là “người gác cổng” kinh tế số. Theo luật mới, họ bị cấm ưu tiên dịch vụ riêng trên các nền tảng của mình, bị cấm kết hợp dữ liệu cá nhân của các dịch vụ khác nhau của mình, bị cấm sử dụng dữ liệu thu thập từ người bán hàng bên thứ ba để cạnh tranh với họ. Ủy ban châu Âu đã mở cuộc điều tra để xem Google có chấp hành quy định mới hay không.
(Theo Bloomberg, CNBC)