Điểm mặt kho tên lửa đạn đạo của Iran và Israel giữa 'chảo lửa' Trung Đông

Tin thế giới - Ngày đăng : 05:50, 08/08/2024

Nhiều khả năng Iran sẽ dùng kho tên lửa để tấn công vào Israel nhằm đáp trả vụ thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở thủ đô Tehran.

Tờ Times of Israel dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho hay, quân đội nước này đang tìm cách tăng cường khả năng tấn công, và cải thiện năng lực sẵn sàng phòng thủ trong bối cảnh có thể xảy ra một cuộc tấn công từ phía Iran và các lực lượng đồng minh.

Phát biểu tại căn cứ không quân Tel Hanof hôm 6/8, Bộ trưởng Gallant nhấn mạnh, “mỗi ngày, các bạn đều phải nâng cao khả năng sẵn sàng phòng thủ, cũng như mài giũa khả năng tấn công”.

ten lua dan dao iran israel.jpg
Tên lửa Kheibar Shekan của Iran. Ảnh: Tasnim

Ông nói thêm, bản thân đang có những nỗ lực "phối hợp" để chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng từ Iran trong những ngày gần đây. Ông đã nhắc tới các cuộc gặp với Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ, Tướng John C. Michael Kurilla, và thường xuyên điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

“Họ rất mong muốn được giúp đỡ. Sự hợp tác này là một thành phần quan trọng”, ông Gallant cho hay.

Iran hiện được cho là có khả năng tấn công Israel, sau khi Israel bị cáo buộc là thủ phạm ám sát chỉ huy quân đội Hezbollah Fuad Shukr ở Beirut, và thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran. Iran đã thề sẽ trả đũa Israel liên quan tới cái chết của ông Haniyeh.

Theo Sputnik, nhiều khả năng Iran sẽ triển khai tấn công bằng tên lửa vào Israel. Trước đó, hồi tháng 4, Iran từng phóng hơn 300 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa vào Israel trong đòn tấn công trực tiếp quy mô lớn. Đây là đòn đáp trả sau vụ Israel tập kích vào tòa lãnh sự trong đại sứ quán Iran ở Syria khiến 13 người thiệt mạng, trong đó có 7 quan chức thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Dưới đây là danh sách kho tên lửa đạn đạo mà Iran và Israel sở hữu:

Iran

Kheiber là thế hệ thứ 4 của tên lửa đạn đạo Khorramshahr (còn gọi là Khorramshahr-4). Tên lửa này có tầm bắn 2.000km, và có thể mang đầu đạn nặng khoảng 1.500kg.

Kheiber-Shekan (hay Kheibar Shekan) có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.450km, và có thể mang đầu đạn khoảng 600kg.

Emad là tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 1.700km, và có thể mang đầu đạn 750kg.

Tên lửa siêu vượt âm Fattah-2 được ra mắt vào tháng 11/2023. Nó có tầm bắn 1.500km. Khả năng siêu thanh giúp tên lửa mang đầu đạn nặng 450kg này có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ của đối phương.

Haj Qassem được đặt theo tên của cố Tướng Qassem Soleimani là tên lửa đạn đạo có tầm bắn 1.400km. Nó có thể mang đầu đạn nặng 500kg, và được cho có khả năng tránh radar đối phương.

Tên lửa đạn đạo Sejjil có tầm bắn khoảng 4.000km, và có thể gắn đầu đạn nặng khoảng 700kg.

Tên lửa đạn đạo Shahab-3 được Iran trình làng vào năm 2003, có tầm bắn lên tới 1.300km, và có thể mang đầu đạn 1.200kg.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Ghadr-110 có thể mang đầu đạn 800kg, và có tầm bắn lên tới gần 2.000km.

Dezful là tên lửa đạn đạo có tầm bắn khoảng 1.000km, và mang đầu đạn nặng 600-700kg.

ten lua dan dao iran israel 2.jpg
Tên lửa LORA của Israel. Ảnh minh họa

Israel

Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Israel được giữ bí mật, nên phần lớn dữ liệu được công bố đều dựa trên ước tính.

Jericho-2 là tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Nó có thể mang đầu đạn nặng 1.000kg, và tầm bắn khoảng 1.500km.

Jericho-3 là tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 4.800 - 6.500km, và mang theo đầu đạn nặng 1.300kg.

LORA là tên lửa đạn đạo chiến thuật có tầm bắn 430km, có khả năng mang đầu đạn nặng 570kg.