ASEAN - Hành trình gắn kết và tự cường khu vực
Tin đối ngoại - Ngày đăng : 17:31, 07/08/2024
Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ, Đại biện các nước ASEAN và Timor-Leste tại Hà Nội đến chào và chúc mừng nhân dịp được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Hà Nội ngày 30/5/2024. (Nguồn: VOV) |
Sự ra đời của ASEAN cùng những bước chuyển mình lịch sử của khu vực đã đưa Đông Nam Á vượt qua những chia rẽ của quá khứ, để trở thành điểm sáng trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương về sự đoàn kết và hợp tác, với tầm vóc chiến lược về chính trị và kinh tế. Sứ mệnh chung về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển đã gắn kết các nước thành viên ASEAN và đến lượt mình, một ASEAN gắn kết và tự cường luôn nỗ lực để hoàn thành sứ mệnh đó ở những tầm cao mới.
Gắn kết trong sứ mệnh và tầm nhìn chung
“Sông núi không ngăn cách, mà gắn kết chúng ta trong hữu nghị, hợp tác và chia sẻ” [1]. Những hình dung được phác họa cách đây gần 30 năm là nền tảng và động lực cho sự gắn kết của ASEAN theo cả ba chiều cạnh thời gian, không gian và chiến lược.
Xây dựng Cộng đồng ASEAN là tiến trình liên tục, được bồi đắp qua từng năm. Một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội là mục tiêu bao quát được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN. Giữa “vạn biến” của thời cuộc, mục tiêu này là bất biến, nhưng ở những thời điểm khác nhau, với những ưu tiên khác nhau, ASEAN sẽ cụ thể hóa thành các định hướng phù hợp theo xu hướng và chuyển động của từng giai đoạn.
Năm 2015, cũng vào thời điểm Cộng đồng ASEAN ra đời, các nước thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với chủ đề “ASEAN: Cùng vững vàng tiến bước”, đặt trọng tâm vào củng cố liên kết ở các tầng nấc khác nhau từ khu vực vươn tầm ra thế giới.
Chưa đầy một thập kỷ sau, trong bối cảnh tình hình ngày càng khó lường, khó đoán định và khó dự báo, Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2023 đã quyết định xây dựng một tầm nhìn dài hạn hơn, chiến lược hơn cho ASEAN. Theo đó, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 đã xác định hướng đi cho ASEAN, đó là “tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”. Những từ khóa này sẽ là “kim chỉ nam” cho tư duy và hành động của ASEAN trong những thập kỷ tiếp theo, bảo đảm khả năng ứng phó chủ động, linh hoạt với mọi biến động.
Tự cường trong thế giới biến động
Trưởng thành và lớn mạnh qua gian nan, thử thách, ASEAN là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, nỗ lực bền bỉ và tinh thần tự cường. Tình hình thế giới, khu vực đang chuyển biến nhanh với nhiều xu hướng mới và cùng với đó là tác động đa chiều, thuận nghịch đan xen. Bối cảnh đó đòi hỏi ASEAN nỗ lực nhiều hơn nữa, giữ vững và phát huy thành quả của gần 60 năm hợp tác.
Vững vàng trong liên kết kinh tế. Trong bức tranh kinh tế thế giới còn nhiều gam màu xám, ASEAN tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng. Với GDP 3.800 tỷ USD năm 2023, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và dự báo vươn lên thứ tư vào năm 2030 với đà tăng trưởng như hiện nay. ASEAN hiện là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với tổng FDI đạt 229 tỷ USD năm 2023, vượt qua mọi nền kinh tế đang phát triển khác. [2]
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Lãnh đạo các nước ASEAN tham dự Lễ khai mạc và Phiên toàn thể Cấp cao ASEAN-43, ngày 5/9/2023, tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Anh Sơn) |
Trước các xu thế phát triển mới, ASEAN dành nhiều nỗ lực và quyết tâm theo đuổi các sáng kiến mang tính đột phá. Hiệp định Khung kinh tế số ASEAN, hiệp định đầu tiên trên toàn cầu, sẽ mang lại cho ASEAN động lực tăng trưởng mới và lợi thế cạnh tranh lớn hơn. ASEAN cũng nổi lên là tâm điểm trong xu thế chuyển dịch và đa dạng chuỗi cung ứng, với dòng đầu tư tăng mạnh trong các lĩnh vực công nghệ và phát triển bền vững như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xe điện, năng lượng tái tạo, mạng lưới điện, hạ tầng bền vững...
Vững mạnh trong hợp tác chính trị - an ninh. Là “kiến trúc sư” của cấu trúc khu vực, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, đặc biệt trong phát huy các chuẩn mực ứng xử như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)..., cũng như nâng cao hiệu quả và sức hấp dẫn của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 và nhiều Tuyên bố chung trước đó như Tuyên bố ngày 30/12/2023 về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á khẳng định đoàn kết, lập trường nguyên tắc và tiếng nói chung của ASEAN về các vấn đề quốc tế, khu vực, đề cao thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, mong muốn các đối tác ủng hộ nỗ lực của ASEAN xây dựng Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Vững tin trong bản sắc Cộng đồng. Hiện thực hóa một ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm là sợi dây xuyên suốt tất cả các lộ trình và chiến lược của ASEAN. Hàng loạt sáng kiến của ASEAN thời gian qua như Hệ thống điều phối y tế công cộng khẩn cấp, Trung tâm Biến đổi khí hậu, Trung tâm kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới... cho thấy ASEAN vẫn miệt mài tìm kiếm giải pháp cho tất cả những vấn đề đang tác động đến cuộc sống người dân.
Dù còn nhiều việc cần phải làm, nhưng chắc chắn những thành quả ngày hôm nay sẽ được lan tỏa rộng rãi, để người dân cảm nhận được nỗ lực tận tâm của ASEAN ở tất cả các cấp độ hợp tác, dành thêm tình cảm, gắn bó, ủng hộ và đóng góp tích cực cho Cộng đồng ngày càng vững mạnh. Đó cũng chính là những giá trị nền tảng xây đắp nên bản sắc của Cộng đồng ASEAN.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) tại Indonesia, tháng 7/2023. (Ảnh: Tuấn Anh) |