Lo mất thêm tiền tỷ, người dân TPHCM hối hả đi làm thủ tục đất đai
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:42, 07/08/2024
Tính giá đất nào với các hồ sơ nộp sau ngày 1/8?
Dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất năm 2020 do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM soạn thảo đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân.
Theo Sở TN-MT, giá đất mới sau điều chỉnh sẽ tăng phổ biến từ 3-7 lần so với giá hiện hành, dự kiến áp dụng từ ngày 1/8 nhưng đến nay Sở vẫn đang hoàn tất quy trình lấy ý kiến trước khi trình UBND TP xem xét.
Trước thông tin giá đất sẽ tăng đột biến, người dân TPHCM đã đổ xô đi làm thủ tục đất đai. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TP Thủ Đức sáng 6/8, theo ghi nhận của PV VietNamNet, dù đã cuối giờ làm việc buổi sáng nhưng còn hàng chục người đang chờ đến lượt nộp hồ sơ.
Theo bà T.T.C. (ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức), bà đến xin cấp giấy chứng nhận cho căn nhà xây dựng đã lâu trên thửa đất 100m2 tại đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B.
Bà C. cho biết, thửa đất có nguồn gốc là đất trồng cây hàng năm, thuộc vị trí 1, khu vực 1 theo bảng giá đất năm 2020. Tính theo giá đất hiện hành với hệ số điều chỉnh giá là 2,5 lần, tiền sử dụng đất bà C. phải nộp để được cấp giấy chứng nhận cho thửa đất trên là 600 triệu đồng.
Còn với bảng giá đất dự kiến điều chỉnh, giá thửa đất của bà C. tăng vọt, từ 2,4 triệu đồng/m2 lên 43 triệu. Lúc này tiền sử dụng đất bà phải nộp lên đến 3,75 tỷ đồng.
“Biết tin TPHCM sắp điều chỉnh bảng giá đất, tôi phải xin nghỉ việc để đi làm thủ tục. Trước đây tôi cứ chần chừ, nghĩ rằng căn nhà để ở, không mua bán gì nên không vội làm giấy tờ. Nếu không được tính tiền sử dụng đất theo bảng giá hiện hành, tôi không biết xoay sở ra sao với gần 4 tỷ đồng kia", bà C. chia sẻ.
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Bình Chánh vào đầu giờ làm việc buổi chiều, khá nhiều người dân chờ nộp hồ sơ đất đai.
Cầm xấp hồ sơ trên tay, ông N.V.H. (ngụ xã Bình Hưng) cho biết gia đình ông có 400m2 đất nông nghiệp thuộc khu dân cư hiện hữu nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh.
Cách đây 4 năm, ông H. đã có ý định xin chuyển mục đích sử dụng 400m2 đất này sang đất ở nhưng chưa đủ tiền. Khi biết tin giá đất sắp tăng, ông vội vàng đi làm thủ tục.
Tính theo giá hiện hành, ông H. chỉ phải nộp 1,32 tỷ đồng tiền sử dụng đất trong hạn mức và 3,3 tỷ đồng tiền sử dụng đất ngoài hạn mức, tổng cộng phải nộp hơn 4,6 tỷ. Nhưng với giá điều chỉnh, tiền sử dụng đất của ông H. lên tới 24,7 tỷ.
“Nếu biết tiền sử dụng đất phải nộp chênh khủng khiếp như vậy thì tôi đã đi làm thủ tục sớm hơn rồi. Giờ nước đã đến chân, không biết cơ quan chức năng có giải quyết hồ sơ theo bảng giá đất hiện hành hay không”, ông H. nói trong lo lắng.
Trả lời tại buổi họp báo mới đây về dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết cơ quan chức năng sẽ áp dụng giá đất tại thời điểm nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ từ người dân.
Văn phòng đăng ký đất đai làm việc xuyên trưa
Về trình tự xử lý hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân xin cấp giấy chứng nhận hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, sau khi chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ sẽ chuyển sang cơ quan thuế. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan thuế sẽ ra thông báo nộp tiền...
Hiện nay, các chi cục Thuế tại TPHCM chỉ tính tiền sử dụng đất cho những hồ sơ nhận trước ngày 31/7. Đối với các hồ sơ sau ngày 1/8, tức ngày Luật Đất đai năm 2024 bắt đầu có hiệu lực, cơ quan thuế vẫn đang chờ hướng dẫn.
Theo một cán bộ Chi cục Thuế TP Thủ Đức, Luật Đất đai năm 2024 đã bãi bỏ khung giá đất và hệ số điều chỉnh giá, tức hệ số K, chỉ căn cứ duy nhất vào bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất.
“Vì không còn hệ số K nên cơ quan thuế không thể căn cứ bảng giá đất năm 2020 để tính tiền sử dụng đất. Trong khi đó, Nghị định 103 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai mới đã có hiệu lực từ ngày 1/8 nhưng bảng giá điều chỉnh lại chưa ban hành. Do vậy, các chi cục Thuế vẫn đang chờ Cục Thuế TPHCM hướng dẫn cụ thể”, cán bộ này nói.
Theo ông Trịnh Lê Khánh - Phó giám đốc Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai huyện Củ Chi, trước ngày 1/8, người dân nộp hồ sơ đất đai tại chi nhánh rất đông. Nhiều người trong số này lo ngại sẽ phải nộp tiền sử dụng đất bị đội lên khi áp dụng bảng giá mới.
“Trung bình, mỗi tháng chúng tôi tiếp nhận khoảng 5.000 hồ sơ. Dù chưa thống kê chính thức nhưng thời gian gần đây, số lượng hồ sơ tăng đột biến. Để xử lý hồ sơ, cán bộ phải làm thêm giờ, thậm chí không nghỉ trưa”, ông Khánh nói.
Nói về việc điều chỉnh bảng giá đất, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng chịu thiệt thòi nhất là những hộ dân có nhà đất thuộc các khu vực “quy hoạch treo”.
Nhiều năm qua, các hộ dân này không được tách thửa, không được chuyển mục đích sử dụng đất và nộp tiền sử dụng đất theo giá thấp. Nếu sắp tới được xoá quy hoạch, họ lại chịu thiệt thòi lần hai vì sẽ phải nộp tiền sử dụng đất rất cao.
“Hiện nay, chưa thật cần thiết để điều chỉnh bảng giá đất. TPHCM nên tiếp tục áp dụng bảng giá đất năm 2020 và hệ số điều chỉnh giá từ ngày 1/8 đến hết năm nay để người dân có đủ thời gian thực hiện thủ tục cũng như chuẩn bị tài chính”, ông Châu kiến nghị.