Những người mắc bệnh nào không được uống nước mía?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 20:09, 06/08/2024
Người đang sử dụng thuốc
Báo Vietnamnet dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa Y học cổ truyền - trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, không uống nước mía khi đang dùng những loại thuốc bổ hay thuốc chống đông máu để tránh gây tương tác thuốc.
Người có hệ tiêu hoá
Theo bác sĩ Vũ cho biết, do tính hàn lương và hàm lượng đường cao nên những người tỳ vị hư hàn có đường tiêu hóa kém, hay bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, lạnh bụng thì không nên uống nước mía thường xuyên. Trường hợp cần thiết thì phối hợp với gừng để giảm tính lạnh của mía.
Người bị bệnh tiểu đường
Nước mía chứa hàm lượng đường tự nhiên cao, chủ yếu là sucrose, fructose và glucose. Khi uống nước mía, các loại đường này nhanh chóng được hấp thụ vào máu, có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, gây nguy hiểm cho người bị tiểu đường.
Lượng đường trong máu cao không kiểm soát cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường như bệnh tim mạch, đột quỵ, tổn thương thần kinh, suy thận, mù lòa... Do đó, bệnh nhân tiểu đường tuyệt đối không nên uống nước mía.
Phụ nữ mang thai
Bác sĩ Vũ cho rằng, phụ nữ mang thai cũng không nên uống quá nhiều nước mía, dễ gây nhiễm trùng hoặc tiểu đường thai kỳ, nên ăn uống đa dạng các loại thực phẩm.
Người bị bệnh thận
Nước mía chứa nhiều đường và các chất khác, khi vào cơ thể sẽ tạo gánh nặng cho thận trong quá trình lọc và đào thải. Điều này có thể làm suy giảm chức năng thận và làm bệnh tiến triển nặng hơn.
Ngoài ra, nước mía chứa một lượng lớn kali. Đối với người bị bệnh thận, đặc biệt là suy thận, khả năng lọc và đào thải kali của thận bị suy giảm. Việc tiêu thụ quá nhiều kali có thể dẫn đến tình trạng tăng kali máu, gây ra các triệu chứng như yếu cơ, rối loạn nhịp tim, thậm chí là ngừng tim.