Lưỡng Hà cổ đại: Cái nôi của nền văn minh nhân loại
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 17:23, 06/08/2024
Trong khi nền văn minh của con người phát triển ở nhiều nơi trên thế giới, nó xuất hiện sớm nhất tại vùng Trung Đông cổ đại cách đây hàng nghìn năm. “Chúng ta biết rằng những thành phố đầu tiên, chữ viết đầu tiên và những công nghệ đầu tiên bắt nguồn từ khu vực Lưỡng Hà (Mesopotamia)”, Kelly-Anne Diamond, chuyên gia khảo cổ và lịch sử tại Đại học Villanova (Mỹ), cho biết.
Tên gọi “Lưỡng Hà” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là “vùng đất giữa các con sông”, cụ thể là sông Tigris và sông Euphrates – hai nguồn nước sinh hoạt chủ yếu cho các cư dân sống ở khu vực biên giới Iraq ngày nay và một phần lãnh thổ của Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran.
Sự hiện diện của sông Tigris và sông Euphrates liên quan rất nhiều đến lý do tại sao Lưỡng Hà phát triển các xã hội phức tạp. Lũ lụt thường xuyên xảy ra dọc theo hai con sông làm cho vùng đất xung quanh chúng trở nên màu mỡ để trồng cây lương thực. Đây là nguyên nhân khiến Lưỡng Hà trở thành địa điểm chính diễn ra cuộc Cách mạng Đồ đá mới, hay còn gọi là cuộc Cách mạng Nông nghiệp, cách đây gần 12.000 năm.
Vùng đất Lưỡng Hà thời cổ đại. (Ảnh: History).
“Cuộc Cách mạng nông nghiệp đã biến đổi cuộc sống con người trên khắp hành tinh, và vùng đất Lưỡng Hà là nơi khởi nguồn quá trình này”, Diamond nhận định.
Khi người cổ đại bắt đầu trồng trọt và thuần hóa động vật, họ có thể sống tại một địa điểm cố định và dần hình thành các ngôi làng. Cuối cùng, những khu định cư nhỏ đó đã phát triển thành các thành phố sơ khai, nơi có rất nhiều đặc điểm của nền văn minh chẳng hạn như dân cư tập trung đông đúc, những công trình kiến trúc đồ sộ, có sự phân công lao động, các tầng lớp xã hội và kinh tế khác nhau.
Tuy nhiên, sự xuất hiện và phát triển nền văn minh ở Lưỡng Hà cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác, đặc biệt là sự thay đổi về khí hậu và môi trường tự nhiên. Những yếu tố này đã buộc các cư dân sống trong khu vực phải sống gắn kết với nhau nhiều hơn để đối phó và thích ứng.
Môi trường tự nhiên nuôi dưỡng nền văn minh
“Nền văn minh không phát triển theo cùng một cách trong toàn bộ khu vực”, Hervé Reculeau, chuyên gia lịch sử về Lưỡng Hà cổ đại tại Đại học Chicago (Mỹ), cho biết. “Các xã hội đô thị phát triển một cách độc lập ở Nam Lưỡng Hà (khu vực ngày nay là miền Nam Iraq, nơi phát sinh nền văn minh của người Sumer) và Bắc Lưỡng Hà (bao gồm phía Bắc Iraq và một phần miền Tây Syria)”.
Một trong những yếu tố thuận lợi giúp nền văn minh nhân loại phát triển ở cả hai địa điểm là khí hậu của khu vực Lưỡng Hà cổ đại cách đây khoảng 6.000 năm đến 7.000 năm ẩm ướt hơn nhiều so với Trung Đông ngày nay.
“Các khu dân cư sớm nhất ở vùng Nam Lưỡng Hà phát triển gần một đầm lầy lớn, nơi cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào cho xây dựng (cây sậy), thức ăn (động vật hoang dã, cá), cùng nguồn nước dễ tiếp cận cho việc tưới tiêu”, Reculeau nói. “Ngoài ra, đầm lầy cũng đóng vai trò kết nối với các tuyến đường biển trên Vịnh Ba Tư, giúp những người sống ở Nam Lưỡng Hà giao thương đường dài với các nơi khác”.
Ở vùng phía Bắc Lưỡng Hà, lượng mưa đủ lớn để người dân không cần phải tưới nhiều cho cây trồng, theo Reculeau. Họ cũng có thể đi đến những ngọn núi hoặc rừng rậm để chặt cây lấy gỗ và săn thú rừng.
Theo Bảo tàng Anh, cây trồng chính của nông dân Lưỡng Hà cổ đại là lúa mạch và lúa mì. Họ cũng tạo ra những khu vườn trồng nhiều loại cây khác nhau bao gồm đậu, dưa chuột, tỏi, rau diếp, nho, táo, sung. Họ vắt sữa cừu, dê, bò để làm bơ, và giết mổ chúng để lấy thịt.
Cuối cùng, cuộc Cách mạng nông nghiệp ở Lưỡng Hà đã dẫn đến thứ mà Diamond mô tả là bước tiến lớn tiếp theo trong tiến trình phát triển của nhân loại, đó là cuộc Cách mạng Đô thị (Urban Revolution).
Khoảng 5.000 đến 6.000 năm trước, các ngôi làng của người Sumer ở phía Nam Lưỡng Hà đã phát triển thành thành phố. Một trong những thành phố sớm nhất và nổi bật nhất là Uruk, một cộng đồng có tường bao quanh với 40.000 đến 50.000 cư dân. Những thành phố khác bao gồm Eridu, Bad-tibira, Sippar và Shuruppak, theo Ancient History Encyclopedia (Từ điển Bách khoa Lịch sử Cổ đại).
Người Sumer đã phát triển hệ thống chữ viết sớm nhất cũng như tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc phức tạp và bộ máy cai trị để giám sát hoạt động nông nghiệp, thương mại và tôn giáo. Người Sumer mang trong mình tinh thần ham học hỏi và đổi mới, khi họ tiếp thu những thành tựu và phát minh của các dân tộc cổ đại khác [ví dụ làm đồ gốm, dệt vải] và tìm cách thực hiện chúng trên quy mô lớn.
Trong khi đó, khu vực Bắc Lưỡng Hà đã phát triển các khu đô thị của riêng mình như Tepe Gawra, nơi các nhà nghiên cứu phát hiện những ngôi đền bằng gạch với những hốc và rãnh phức tạp, và tìm thấy các bằng chứng khác về một nền văn hóa phong phú và độc đáo.
Môi trường sống thay đổi
Theo Reculeau, sự thay đổi khí hậu có thể đã đóng một vai trò trong sự phát triển của nền văn minh Lưỡng Hà. “Vào khoảng 4.000 năm trước Công nguyên, khí hậu trở nên khô hơn và dòng chảy của các con sông mất ổn định”, Reculeau giải thích.
Các đầm lầy ở phía Nam Lưỡng Hà biến mất, để lại những khu định cư với đất đai canh tác cần được tưới tiêu thường xuyên. Điều này đòi hỏi người dân phải làm việc tích cực và hợp tác chặt chẽ với nhau để tồn tại. Từ đó, họ dần phát triển một bộ máy cai trị và cấu trúc xã hội phức tạp hơn, trong đó giới tinh hoa sử dụng các bữa ăn hoặc trả tiền công để đổi lấy sức lao động của người khác.
Ngược lại, ở phía Bắc Lưỡng Hà, con người đối phó với khí hậu khô hạn bằng cách phát triển cấu trúc xã hội theo chiều hướng ngược lại. “Khu vực này có sự chuyển đổi thành một tổ chức xã hội ít phức tạp hơn. Người sân sống chủ yếu dựa vào các làng và sự đoàn kết trên quy mô nhỏ”, Reculeau cho biết.
Vùng đất Lưỡng Hà cuối cùng chứng kiến sự trỗi dậy của các đế chế như Akkad và Babylon. Đây là hai trong số những đế chế được xem là lớn nhất và mạnh nhất thời cổ đại.
Theo KHPT