Đánh bóng bàn bằng một tay, VĐV khuyết tật ghi dấu ấn lịch sử ở Olympic
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 12:14, 06/08/2024
Trong rất nhiều hình ảnh ấn tượng sau 10 ngày thi đấu của Olympic Paris 2024, chi tiết để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả là VĐV Bruna Alexandre, một VĐV bóng bàn người khuyết tật của Brazil, thi đấu ở vòng tứ kết đồng đội nữ với Hàn Quốc ngày hôm qua (5/8).
Là VĐV từng nhiều lần tham dự Paralympic cho đoàn thể thao người khuyết tật Brazil, nhưng đây là lần đầu tiên nữ VĐV 29 tuổi thi đấu ở Olympic. Cùng với VĐV bóng bàn Melissa Tapper của Australia, Bruna Alexandre ghi dấu ấn lịch sử khi trở thành những nữ VĐV thi đấu ở Olympic và Paralympic ở mùa hè này.
Bruna Alexandre bị cắt cụt cánh tay phải do xuất huyết não khi cô mới vài tháng tuổi. Còn Melisa Tapper, 34 tuổi, bị liệt đám rối thần kinh cánh tay, một loại liệt ở cánh tay phải xảy ra khi cô mới sinh.
Tuy nhiên hình ảnh của Bruna Alexandre khiến nhiều người ngưỡng mộ hơn khi cô thi đấu với những VĐV đẳng cấp và hoàn toàn khỏe mạnh của Hàn Quốc chỉ với một cánh tay.
Tay vợt 29 tuổi thực hiện những cú đập và cắt bóng giống như những VĐV bóng bàn khác tại Thế vận hội Paris nhưng khi giao bóng, cô sử dụng vợt ở tay trái để ném bóng lên cao.
Dù vậy đội tuyển nữ bóng bàn Brazil đã sớm dừng bước ở Olympic khi để thua Hàn Quốc với tỷ số 1-3. Dù rất cố gắng nhưng Bruna Alexandre để thua ở cả trận đánh đơn và đánh đôi của mình.
"Đó không phải là kết quả mà tôi mong đợi, nhưng chúng tôi rất hài lòng với những gì đã đạt được. Chúng tôi không bỏ cuộc cho đến phút cuối cùng. Hàn Quốc là một trong những đội mạnh nhất.
Tôi đã ghi được một số điểm, điều đó khiến tôi rất vui, và tôi rất tự hào về đội của mình vì đã chiến đấu đến phút cuối cùng", Alexandre nói.
Tay vợt nữ người Brazil khẳng định chiến thắng của cô chính là việc được tham dự Olympic như một VĐV khỏe mạnh bình thường khác, bởi ngay cả những VĐV khỏe mạnh khác cũng rất ước mơ được dự giải đấu lớn nhất thế giới như cô.
"Tôi rất vui mừng vì có cơ hội đại diện cho tất cả người Brazil khuyết tật tại Thế vận hội Paris và chứng minh rằng tôi có thể chơi ngang hàng với bất kỳ VĐV nào.
Tôi có ước mơ trở thành nhà vô địch Paralympic và việc thi đấu với các VĐV không khuyết tật ở Olympic Paris giúp tôi mạnh mẽ hơn trong việc theo đuổi mục tiêu này", Bruna Alexandre chia sẻ trên trang web của Thế vận hội.
"Tôi nghĩ điều này khiến tôi muốn tiếp tục và theo đuổi ước mơ của mình hơn, không chỉ nghĩ đến bản thân mình mà còn nghĩ đến tất cả những người khuyết tật.
Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó điều này sẽ trở thành điều bình thường trên thế giới: một người khuyết tật chơi với một người có cả hai tay, bất kể khuyết tật", tay vợt 29 tuổi chốt lại.
Trong lịch sử Olympic, trước Bruna Alexandre và Melisa Tapper cũng chỉ có 2 VĐV từng tham dự cả Olympic lẫn Paralympic là VĐV điền kinh Nam Phi, Oscar Pistorius và VĐV bóng bàn người Ba Lan, Natalia Partyka.
Partyka trở thành vận động viên Paralympic trẻ nhất trong lịch sử bóng bàn khi cô thi đấu tại Sydney 2000 khi mới 11 tuổi, và sau đó trở thành vận động viên bóng bàn đầu tiên thi đấu ở cả Thế Vận Hội và Paralympic ở Bắc Kinh tám năm sau đó.
Còn Oscar Pistorius từng giành sáu huy chương vàng tại các kỳ Paralympic. Tại Olympic London năm 2012, Oscar gây ấn tượng với đôi chân nhân tạo bước vào cuộc đua với những VĐV bình thường nhưng anh không thể giành huy chương.