Cách đưa ra mức lương kỳ vọng mà không bị 'hớ'

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 16:00, 05/08/2024

Trong quá trình tìm việc, câu hỏi về mức lương thường gây khó khăn và lúng túng cho ứng viên. Nếu đưa con số không hợp lý, có thể sẽ mất cơ hội việc làm vì doanh nghiệp không thể đáp ứng được kỳ vọng của bạn. Ngược lại, nếu đưa ra mức lương thấp, bạn sẽ gặp thiệt thòi trong quá trình làm việc, khó có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để bạn không "hớ" khi nhà tuyển dụng hỏi về mức lương kỳ vọng? Dưới đây là một số cách mà bạn có thể tham khảo.

Nghiên cứu thị trường việc làm

Mỗi ngành nghề và vị trí công việc trên sàn việc làm Bắc Ninh, Hà Nội… sẽ có một mức lương trung bình khác nhau. Nghiên cứu thị trường lao động giúp bạn có cái nhìn tổng quát về thu nhập sẽ đạt được tại vị trí công việc. Chưa kể, mức lương còn có thể khác nhau tùy theo khu vực địa lý. Cho nên việc tìm hiểu mức lương trung bình ở khu vực làm việc là cơ sở để bạn đưa ra đề xuất phù hợp.

Bạn có thể tham khảo thông tin về mức lương của ngành và vị trí ứng tuyển trên các website, báo chí, hội nhóm tuyển dụng... Đặc biệt, hãy tham khảo từ mạng lưới đồng nghiệp, nhân sự đã và đang làm việc ở vị trí tương tự tại các công ty khác nhau. Họ sẽ cung cấp những dữ liệu tương đối chính xác giúp bạn tránh bị “hớ” khi thảo luận với nhà tuyển dụng.

Tìm hiểu mức lương doanh nghiệp đã/đang chi trả

Mỗi doanh nghiệp sẽ có chính sách lương khác nhau cho từng vị trí. Nó có thể vượt trội hoặc thấp hơn mức trung bình của thị trường lao động. Do đó, tìm hiểu khả năng chi trả của doanh nghiệp cho vị trí và công việc ứng tuyển sẽ đảm bảo bạn không đưa ra một con số quá cao hoặc quá thấp, để không ảnh hưởng đến khả năng trúng tuyển.

Hơn nữa, khi nắm được thông tin về mức lương công ty chi trả, bạn sẽ tự tin hơn khi thương lượng. Bạn đưa ra các lý do thuyết phục hoặc chuẩn bị cho các tình huống kể cả là điều chỉnh mức lương kỳ vọng một cách linh hoạt.

Xác định phạm vi mức lương

Sau khi xem xét yếu tố bên ngoài, cần khách quan nhìn nhận năng lực và xác định vị trí của bạn trong bức tranh tổng thể. Dựa vào kinh nghiệm, kỹ năng, thành tựu trong quá khứ, bạn cụ thể hóa giá trị bản thân bằng con số. Tuy nhiên, bạn không nên đưa ra một con số duy nhất mà hãy đề xuất một khoảng lương.

Ví dụ, nếu mức lương mong muốn là 30 triệu đồng, bạn có thể đưa ra phạm vi từ 28 triệu đến 32 triệu đồng. Điều này cho thấy bạn sẵn sàng thương lượng với doanh nghiệp. Nó cũng giúp bạn tránh bị “hớ” khi chưa nắm được chính xác khả năng và dự định chi trả cho vị trí đó của doanh nghiệp.

Đánh giá lợi ích toàn diện

Mức lương không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự hài lòng của bạn với công việc và công ty. Việc xem xét một cách toàn diện về các lợi ích giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn hơn.

Bạn cần xem xét thêm các yếu tố về phúc lợi và chế độ đãi ngộ công ty cung cấp gồm bảo hiểm, chế độ nghỉ phép, giờ giấc làm việc... Đặc biệt, bạn hãy xem xét tới cơ hội phát triển nghề nghiệp mà công ty cung cấp. Khi công ty có chương trình đào tạo, chế độ thăng tiến tốt cùng phúc lợi khác sẽ bù đắp cho việc mức lương thấp hơn một chút so với kỳ vọng của bạn. Bạn cần lấy đó làm cơ sở để cân nhắc thêm thay vì chỉ dựa vào mức lương.

Chọn thời điểm đề cập mức lương

Việc lựa chọn thời điểm thích hợp để thảo luận mức lương giúp bạn tránh áp lực và có sự chủ động trong quá trình đàm phán với nhà tuyển dụng.

Bạn không nên đề cập quá sớm tới mức lương nhất là khi chưa làm rõ được giá trị bản thân. Tốt nhất, bạn nên để nhà tuyển dụng mở đầu cuộc thảo luận. Họ sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về ngân sách cho vị trí bạn ứng tuyển. 

Trong quá trình thảo luận, bạn nên tập trung vào giá trị của bản thân trước khi bắt đầu đề cập đến mức lương và quyền lợi khác. Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách nói về những gì bạn có thể mang lại cho doanh nghiệp. 

Chuẩn bị cho các tình huống thương lượng

Thông thường, rất khó để nhà tuyển dụng ngay lập tức đồng ý với mức lương đề xuất của bạn. Tốt nhất, cần chuẩn bị kỹ các lý do thuyết phục nhà tuyển dụng cho rằng bạn xứng đáng với mức lương đưa ra. Bạn cần chuẩn bị sẵn tâm lý, các phương án, các tình huống thay thế, bổ sung cho mức lương như phúc lợi giờ làm việc, không gian làm việc, cơ hội học tập…

Trước đó bạn cần xác định mức lương tối thiểu có thể chấp nhận để chủ động và quyết đoán khi đưa ra quyết định có nên tiếp tục thương lượng hay dừng lại khi nhà tuyển dụng không đáp ứng mức lương kỳ vọng.

Trên đây là 5 cách giúp bạn không bị “hớ” khi đưa ra mức lương kỳ vọng với nhà tuyển dụng. Hãy nhớ rằng, mức lương không chỉ là con số, mà còn phản ánh giá trị của bạn trong mắt nhà tuyển dụng, do đó bạn cần khéo léo để khẳng định mình với doanh nghiệp.

Nguyễn Lý (tổng hợp)