Hà Nội: Dân 'không dám tắm, gãi ngày đêm' nơi 10 ngày ngập giữa biển nước
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:51, 03/08/2024
Ngày 24/7, con nước lớn từ sông Bùi tràn qua bờ đê, nhấn chìm nhiều khu vực của xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội), có nơi ngập sâu 2m. Theo thống kê, trên toàn xã có 300/320 hộ dân bị ngập nước. Riêng thôn Nhân Lý ngập nặng nhất, người già, trẻ nhỏ ở đây đã phải đi sơ tán.
Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, hiện vẫn còn 17 thôn xóm đang bị ngập (giảm 2 thôn so với ngày 1/8), số hộ ảnh hưởng là 912 (giảm 340 so với ngày 1/8), số người ngập cần cứu trợ là 5.652 (giảm 398), so với ngày 1/8, số người đang sơ tán là 2.006 (giảm 1.523 số người).
"Nội bất xuất, ngoại bất nhập" là tình cảnh chung của nhiều thôn, xóm bị nước lũ bao vây tại xã Nam Phương Tiến. Nhiều người chật vật bám trụ lại ngôi nhà thân yêu, không nỡ dời đi.
Vừa dọn rác trôi từ dòng nước lũ vào nhà, ông Dân (thôn Nhân Lý) vừa kể về nỗi khổ của người dân nơi đây trong suốt hơn 1 tuần qua.
Nhà chỉ có hai vợ chồng già sống cùng nhau, ông Dân nhớ lại ký ức buổi đêm khi lũ về. Lúc đó, ông Dân phải hô hoán hàng xóm và gọi con cháu đến giúp sơ tán đồ đạc lên cao. Ban đầu, nước chỉ ngập vào sân khoảng 20cm, gia đình ông quyết tâm "cố thủ" tại nhà.
Tấm phản được kê cao ở góc sân trở thành nơi nấu nướng và ngủ nghỉ của gia đình, khi mọi điểm cao trong nhà đã ưu tiên để kê các vật dụng khác có giá trị.
Mỗi ngày, ông Dân lội 5 chuyến đi lấy nước sạch ở téc nước lưu động hỗ trợ dân làng cách nhà ông 200m. Mỗi chuyến mất hơn một tiếng đồng hồ, người đàn ông 70 tuổi đổ đầy 4 can nước 20l để đem về nhà để 6 người trong gia đình sử dụng.
Tưởng "ngập chỉ đến thế" như mọi năm, nhưng hai ngày sau dòng nước bất ngờ dâng lên nhanh hơn. Ông Dân và vợ buộc phải "chạy lụt" sang nhà con gái.
Là một trong những khu vực bị ngập nặng nhất, xóm nhà ông Dân như "bỏ hoang" vì hầu hết người dân buộc phải sơ tán. Đến nay, dù nước đã rút xuống được khoảng 50cm nhưng cánh cổng nhà ông Dân vẫn ngập quá nửa.
Rác thải tràn vào nhà mang theo nguy cơ về mất vệ sinh môi trường và bệnh tật.
Bà Phùng Thị Hiên sống ở xóm Chùa, thôn Nhân Lý chia sẻ việc "khổ đủ bề" khi phải sống chung với lũ. Dưới thì nước lụt bốc mùi hôi thối vì rác thải và xác động vật phân hủy, trên thì mái tôn phả hơi nóng thẳng vào người vì phải tránh lũ ở gác mái.
"Cứ ngâm nước lên là chân sưng đỏ, ngứa ngáy khắp người. Những hôm nước cao, khu nhà tôi còn bị cắt điện, trời nóng bức không thể nào mà ngủ được", bà Hiên cho hay.
Gần 10 ngày qua, thôn Hạnh Bồ bị cô lập như một ốc đảo. Cách duy nhất để ra bên ngoài là di chuyển bằng thuyền. Thế nhưng, phương tiện này cũng rất khan hiếm.
"Thôn Hạnh Bồ nằm sâu bên trong, việc gọi thuyền rất khó và mất rất nhiều thời gian để chờ đợi. Do đó, việc tiếp cận nguồn nước sạch và nhu yếu phẩm từ bên ngoài là rất khó khăn", chị Nguyễn Thị Xuyên chia sẻ.
"Nhà tôi có 4 người, nhưng thực sự mỗi khi tắm chỉ dùng khoảng vài gáo nước mỗi người. Nhìn chung là nước sạch để sinh hoạt cực kỳ hạn chế, sử dụng cho các việc như tắm, giặt giũ, rửa bát đĩa rất khó khăn", chị Xuyên trăn trở.
Thiếu nước sạch, nhiều người dân lựa chọn cách ăn đồ khô trong các bữa phụ như: Mỳ tôm sống, cơm nắm muối vừng. Vệ sinh tay chân cũng phải hạn chế vì thiếu nước, nên tình trạng bệnh da liễu trở nên phổ biến ở vùng rốn lũ.
Để cải thiện bữa ăn, nhiều người dân đánh bắt cá trên chính vùng ngập lụt nơi mình sinh sống.
Nước tạm rút, ông Lê Văn Chung, (thôn Nhân Lý) và gia đình ăn bữa cơm đầu tiên tại phòng khách sau 5 ngày lên cao "sống tạm bợ" tránh lũ.
Đến chiều, trời tiếp tục đổ mưa to. Nhìn khoảng sân nước lại dềnh lên, người đàn ông lòng trĩu nặng, lo lại phải "chạy lụt".