Thể thao Trung Quốc đứng trước cơ hội thống trị Olympic 2024

Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 20:59, 02/08/2024

16 năm sau khi dẫn đầu ở kỳ Olympic Bắc Kinh 2008 trên sân nhà, thể thao Trung Quốc có cơ hội trở lại với vị trí số một Thế vận hội. Lần này, Trung Quốc còn toàn diện hơn so với cách đây 16 năm.

Đường đua xanh "dậy sóng" với các kình ngư Trung Quốc

Tính đến sau ngày 1/8, ngày thi đấu chính thức thứ 7 của Olympic Paris 2024, đoàn thể thao Trung Quốc đang tạm dẫn đầu đại hội, với 11 huy chương vàng (HCV), 7 huy chương bạc (HCB) và 6 huy chương đồng (HCĐ).

Trung Quốc đã vượt qua đoàn liên tục dẫn đầu ở những ngày thi đấu đầu tiên là Nhật Bản (có 8 HCV tính đến sau ngày 1/8) và tạm xếp trên đoàn Mỹ (9 HCV).

Thể thao Trung Quốc đứng trước cơ hội thống trị Olympic 2024 - 1

Pan Zhanle phá kỷ lục thế giới ở nội dung 100m bơi tự do nam (Ảnh: Reuters).

Dĩ nhiên, vị trí hiện tại của đoàn Trung Quốc chỉ là tạm thời, cũng còn quá sớm để nói rằng Trung Quốc sẽ giữ được vị trí này đến cuối Olympic Paris 2024 (bế mạc ngày 11/8).

Môn thể thao hấp dẫn nhất, có nhiều huy chương nhất (48 bộ huy chương) là điền kinh phải đến ngày mai (3/8) mới thật sự vào cuộc (điền kinh đã khởi động với nội dung đi bộ 20km hôm 1/8, nhưng các nội dung nóng bỏng nhất trên đường chạy và hố nhảy vẫn chưa diễn ra).

Dù vậy, không thể phủ nhận sự xuất sắc của các vận động viên Trung Quốc trong vòng 7 ngày vừa rồi. Họ vẫn giữ được thế mạnh truyền thống ở các môn bắn súng, bóng bàn, cầu lông. Tuy nhiên, sự xuất sắc đặc biệt của đoàn thể thao Trung Quốc phải kể đến môn bơi.

Lần đầu tiên sau rất nhiều năm và rất nhiều kỳ Olympic, Trung Quốc có HCV đi kèm với kỷ lục thế giới ở môn bơi. Kình ngư Pan Zhanle đến từ quốc gia đông dân thứ nhì thế giới không chỉ thắng ở nội dung gây cấn nhất (100m bơi tự do nam) mà còn phá kỷ lục thế giới (kỷ lục mới do Pan Zhanle xác lập là 46 giây 40).

Thể thao Trung Quốc đứng trước cơ hội thống trị Olympic 2024 - 2

Các kình ngư Trung Quốc khiến đường đua xanh dậy sóng trong mấy ngày qua (Ảnh: Reuters).

Cũng trong môn bơi, Xu Jiayu giành HCB ở nội dung 100m bơi ếch nam, Tang Qiangting giành HCB ở nội dung 100m bơi ếch nữ, Zhang Yufei giành 2 HCB ở các nội dung 100m và 200m bơi bướm nữ, đội tuyển bơi tiếp sức Trung Quốc giành 2 HCĐ ở các nội dung 4x100m và 4x200m bơi tự do nữ.

Sau khi có HCV điền kinh ở Olympic Tokyo 2020, thể thao Trung Quốc đang dần "lấn sân" xuống đường đua xanh, họ ngày một mạnh lên ở các nội dung cơ bản nhất của phong trào Olympic gồm điền kinh và bơi.

Tấn công trực diện vào những môn thế mạnh của VĐV phương Tây

Người Trung Quốc không muốn mãi mang tiếng chỉ mạnh ở các môn mà phương Tây khó phát triển mạnh, đòi hỏi sự khéo léo như thể dục dụng cụ, bóng bàn, nhảy cầu…

Thể thao Trung Quốc đứng trước cơ hội thống trị Olympic 2024 - 3

Zheng Qinwen (trái) tạo bất ngờ lớn khi lọt vào trận chung kết nội dung đơn nữ môn quần vợt (Ảnh: Reuters).

Hiện tại, thể thao Trung Quốc tấn công thẳng vào các môn vốn là thế mạnh của các quốc gia phương Tây, những môn thi đấu đòi hỏi cơ bắp, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối về mặt thông số là bơi và điền kinh. Riêng trong môn bơi, Trung Quốc giờ đây tấn công thẳng vào thế mạnh của các cường quốc của môn này như Mỹ, Australia, Anh, Nam Phi…

HCV và kỷ lục thế giới của Pan Zhanle dĩ nhiên rất đáng nể. Ngay cả các HCB và HCĐ của đội tuyển bơi Trung Quốc những ngày qua cũng rất đáng chú ý. Ngay ở các kỳ Olympic kế tiếp sau Paris 2024, những tấm HCB và HCĐ này có tiềm năng sẽ được đổi màu.

Một bất ngờ động trời nữa ở Olympic, liên quan đến các VĐV Trung Quốc, đó là tay vợt Zheng Qinwen vào chung kết nội dung đơn nữ quần vợt. Trận chung kết chưa diễn ra, nhưng với việc Zheng Qinwen ít nhất có HCB cũng đã là thành tích khó tưởng tượng, bởi lâu nay quần vợt Trung Quốc không được đánh giá cao ở các kỳ Olympic.

Thể thao Trung Quốc đứng trước cơ hội thống trị Olympic 2024 - 4

Trung Quốc vẫn cố gắng giữ vị trí số một ở các môn thể thao mà họ rất mạnh như bóng bàn (Ảnh: Reuters).

Như đã nói, để giữ được vị trí số một toàn đoàn từ nay đến khi Olympic Paris 2024 kết thúc, đoàn thể thao Trung Quốc phải cạnh tranh căng thẳng với đoàn Mỹ và chủ nhà Pháp ở phần còn lại của Thế vận hội mùa Hè năm nay.

Ngoài việc phải giữ được các thế mạnh truyền thống ở các môn nhảy cầu, bơi nghệ thuật, thể dục dụng cụ và thể dục nghệ thuật, Trung Quốc phải tấn công luôn vào các thế mạnh của đối thủ, như điền kinh, quyền anh. Thứ nhất là để giành HCV cho mình, thứ nhì là để trực tiếp tước HCV từ tay đối phương, giảm số lượng HCV của đoàn Mỹ ở các môn này.

Và thật ra, cả thế giới cũng đang nóng lòng chờ xem người Trung Quốc còn tạo ra thêm bất ngờ nào nữa cho các cường quốc thể thao phương Tây trong những môn thể thao trên.