Bi hài cảnh câu cá trong tầng hầm biệt thự 'triệu đô' ở Hà Nội
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:09, 02/08/2024
Chiều cuối tuần (ngày 28/7), gia đình chị Phạm Thị Hà (32 tuổi, Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) đưa trẻ nhỏ đi chơi nhà sách tại khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức).
Chị Hà quan sát thấy nhiều tầng hầm căn nhà liền kề, shophouse (mô hình căn hộ để ở kết hợp cửa hàng kinh doanh), biệt thự "triệu đô" bỏ hoang tại đây vẫn trong tình trạng ngập úng sau cơn mưa lớn tuần trước.
"Thấy có nhiều cá trong tầng hầm, tôi rủ người nhà mang cần ra câu", người phụ nữ nói, cho biết anh trai chị có sẵn cần câu và mồi trong cốp xe.
Các thành viên trong gia đình chị Hà hào hứng trộn mồi chuẩn bị câu cá. Sau khoảng 2 tiếng, họ câu được khoảng 20 con cá rô đủ kích thước, con to nhất bằng bàn tay người.
"Chúng tôi đã nhiều lần đi qua khu đô thị này, nhưng đây là lần đầu trông thấy cá trong tầng hầm nên dừng lại câu cá thư giãn", chị Hà nói.
Ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 đã gây mưa lớn kéo dài trong ngày 24/7 khiến nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập trong nước. Ngay từ cổng chào khu đô thị Nam An Khánh, nước bao trùm khiến xe cộ đi lại rất khó khăn.
Dù đã hơn một tuần, nhiều tầng hầm của những căn nhà liền kề bị bỏ hoang vẫn ngập úng do không có hệ thống bơm thoát nước. Cứ xảy ra mưa lớn, nước dồn về lại gây ngập úng.
Trên thực tế, nhiều năm qua, tình trạng ngập úng sau mưa lớn tại khu đô thị Nam An Khánh đã liên tục xảy ra, nhưng chưa có hướng khắc phục triệt để. Thực trạng ngập úng này khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Chị Ngọc (32 tuổi, tên nhân vật đã thay đổi) chuyển về sống tại một căn shophouse thuộc khu đô thị Nam An Khánh từ tháng 6/2023, với giá thuê 100 triệu đồng/tháng.
Ba tháng sau, trận mưa lớn dai dẳng khiến tầng hầm bị ngập úng, chị Ngọc chịu thiệt hại mấy chục triệu đồng. Từ đó, chị từng loay hoay thêm 2 lần khi tầng hầm bị ngập úng.
Một lần, chị Ngọc mua vài con cá rô, đem thả vào tầng hầm bị ngập của căn nhà bỏ hoang bên cạnh để "nuôi cho vui". Thỉnh thoảng, chị thả cơm, thức ăn để nuôi cá. Đến nay, bể cá bất đắc dĩ gồm nhiều loại từ rô, chép vàng, rô phi đến cá chuối.
Mỗi chiều, chị lại thấy nhiều "cần thủ", chủ yếu là thanh niên, tìm đến câu cá giải trí.
Người phụ nữ than thở lúc mới chuyển về đây sinh sống "không nghĩ sẽ ngập nặng như vậy". Mỗi lần mưa lớn 1-2 tiếng, cả dãy lại ngập từ ngoài đường vào trong nhà.
"Có những lần mưa ngập đến 2m dù chúng tôi đã đắp đê, lắp hệ thống bơm hút nước. Các loại xe container, xe tải lưu thông dày đặc, gây vỡ đê chắn sóng", chị Ngọc nói.
Ông Lê Duy Tân, 62 tuổi, bảo vệ tại một quán ăn ở khu đô thị Nam An Khánh, cho biết hễ mưa rào cả con phố lại ngập qua đầu gối, nhiều tầng hầm bỏ hoang ngập úng gây ô nhiễm, đầy cá, muỗi và loăng quăng.
Theo ông, sau những trận mưa lớn, người dân lại kéo đến đây câu cá đủ các khung giờ trong ngày, có người còn dùng cả lưới để đánh bắt.
"Chủ yếu cá bé, không ăn được, mọi người chỉ câu chơi", nam bảo vệ nói.
Theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực quy hoạch - đô thị về tình trạng ngập úng tại các khu đô thị phía Tây Hà Nội, nguyên nhân là do việc phát triển đô thị tùy tiện, chưa quan tâm đúng mức tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
KTS Phạm Thanh Tùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhấn mạnh điều đầu tiên là quy hoạch nào cũng có cốt nền khu vực, nhưng khi thực hiện, điều này chưa được quan tâm.
Thứ hai, khi xây dựng, chủ đầu tư phải làm hệ thống cấp - thoát nước, xác định lượng nước thải một ngày, tính toán lượng nước mưa. Trừ các khu đô thị xen kẽ trong nội đô, hầu hết các khu đô thị mới đều có đặc điểm là đất ruộng.
Do vậy, theo ông Tùng, việc xác định cốt nền, tính toán xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải được làm trước, phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, rồi sau đó mới cho xây dựng nhà.
Các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc làm sao bán nhà thật nhanh. Thậm chí, việc giám sát thiếu chặt chẽ, nên việc các khu đô thị bị ngập thời gian qua là tất yếu.