Có nên cấm thương nhân phân phối xăng dầu mua hàng của nhau?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 16:26, 01/08/2024
Tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất cấm thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau.
Bộ Công Thương lo ngại, nếu cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau sẽ dẫn đến mua bán lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lo ngại khi cho thương nhân phân phối xăng dầu của nhau sẽ không kiểm soát được nguồn cung xăng dầu…
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Minh Đức, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, lo ngại việc mua bán lòng vòng không kiểm soát được nguồn cung xăng dầu sẽ không xảy ra.
Trên thực tế, các thương nhân phân phối mua bán chỉ ký hợp đồng, còn xăng dầu thực chất không chở qua lại giữa các thương nhân mà vẫn nằm ở kho của doanh nghiệp đầu mối. Khi nào cần chở đến cây xăng thì mới dùng xe chở. Trong khi đó, các kho của doanh nghiệp đầu mối đều phải kết nối mạng với Bộ Công Thương, nên toàn bộ lượng xăng dầu đều được báo cáo trực tuyến một cách đầy đủ. Cho nên không phải lo ngại việc không kiểm soát được nguồn cung xăng dầu.
Trước đây nghị định kinh doanh xăng dầu có quy định thương nhân phân phối phải đảm bảo lượng kinh doanh tối thiểu. Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu giờ đã bỏ điều kiện này, chỉ có thương nhân đầu mối mới phải đáp ứng lượng kinh doanh tối thiểu. Việc đảm bảo lượng kinh doanh tối thiểu của các doanh nghiệp đầu mối đã có sự giám sát tại kho, có phân giao tổng nguồn tối thiểu. Như vậy có thể đảm bảo lượng xăng dầu cho thị trường.
Về lo ngại giá sẽ tăng lên và chiết khấu giảm, chuyên gia Nguyễn Minh Đức thừa nhận trước đây đã có tình trạng này. Nguyên nhân là doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ được mua của 1 thương nhân phân phối nên chiết khẩu giảm bao nhiêu bên mua cũng phải chịu. Họ không có cách nào để chuyển sang mua của đơn vị khác, thậm chí thấy nơi khác bán rẻ hơn cũng không được phép mua.
“Bây giờ dự thảo Nghị định cho phép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được nhập hàng từ nhiều nguồn, nên sẽ không còn chuyện thương nhân phân phối có thể tuỳ tiện giảm chiết khấu với lý do tăng chi phí. Nếu thương nhân phân phối nào mua bán lòng vòng dẫn đến tăng chi phí thì không thể nào tồn tại được bởi không ai mua hàng nữa”, ông Đức nhấn mạnh.
Thẩm định nội dung dự thảo nghị định, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra bất cập của dự thảo nghị định khi quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.
"Việc giới hạn như trên về nguyên tắc sẽ làm hạn chế lựa chọn nguồn cung xăng dầu của các thương nhân phân phối xăng dầu, có thể chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về cạnh tranh tại khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018", Bộ Tư pháp nêu ý kiến thẩm định.
Khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định: "Thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật".
Bộ Tư pháp lo ngại đề xuất ở nghị định xăng dầu đối với thương nhân phân phối nêu trên có thể được xác định là hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường bị nghiêm cấm được nêu tại điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật Cạnh tranh, đó là "ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp... phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể".
Tại tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cũng nhấn mạnh, đã là thị trường thì thương nhân phân phối mua ở đâu và bán ở đâu là do họ, không nên hạn chế. Hơn nữa, không phải lúc nào các doanh nghiệp đầu mối cũng đủ lượng hàng, giá cả hợp lý ở từng vùng, từng thời điểm.
Ông Bảo kiến nghị, nên có quy định cho phép thương nhân phân phối mua bán của nhau, với tỷ lệ cụ thể. Ví như, 50-70% mua thoải mái của doanh nghiệp đầu mối, còn lại 30% mua bán lẫn nhau. Bởi, đây chính là nghiệp vụ điều hoà thị trường.
“Thị trường có biến động bất thường thì điều hoà lượng hàng từ thương nhân phân phối nhiều hàng sang thương nhân phân phối ít hơn. Do đó, đề xuất thương nhân phân phối không được mua hàng lẫn nhau là điều cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng”, ông Bảo góp ý.
Đại diện Ban soạn thảo dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu cho biết đã tiếp thu các ý kiến góp ý và báo cáo Chính phủ các phương án. Trong dự thảo tới, Ban soạn thảo sẽ trình thêm phương án cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán của nhau để Chính phủ xem xét, quyết định phương án phù hợp với thực tiễn, đảm bảo khách quan, khoa học.