Bố chồng trách con dâu vì thấy con trai bơ phờ mỗi sáng nhưng biết nguyên nhân liền cảm ơn rối rít
Gia đình - Ngày đăng : 11:39, 01/08/2024
Lấy chồng được 1 năm thì tôi mang thai con trai đầu lòng, tôi chỉ mới chính thức bước vào hành trình bỉm sữa cách đây 2 tuần. Vì kết hôn khá sớm nên hai chúng tôi chưa dư dả được nhiều để mua đất làm nhà ra ở riêng, tạm thời gia đình 3 người vẫn sống cùng với bố mẹ chồng. May mắn là ông bà thương con thương cháu nên ở với nhau hoà hợp. Từ lúc về làm dâu đến nay, tôi chưa phải ấm ức chuyện gì.
Trong suốt thời gian ở cữ, tôi được mẹ chồng hỗ trợ chăm con mọn. Lần đầu làm mẹ còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm nhưng nhờ có bà nội con luôn đồng hành bên cạnh mà tôi yên tâm hơn phần nào, mọi thứ cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
Có con nhỏ, tôi được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng, ở nhà chăm con còn chồng sẽ lo kinh tế, đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Thấy con trai vất vả đi làm, bố mẹ chồng tôi xót con nên chăm lo đủ thứ. Gần đây quan sát thấy con trai luôn trong trạng thái bơ phờ mỗi sáng như thiếu ngủ, bố chồng liền trách tôi bỏ bê, không chăm chồng tốt.
Tôi có chút chạnh lòng nhưng cũng im lặng không nói gì. Tôi biết anh đi làm cực khổ, tôi chăm con mọn cũng không dễ dàng gì. Dẫu đã có mẹ chồng hỗ trợ, nhưng tôi vẫn muốn chồng san sẻ việc chăm con sơ sinh với mình. Chính vì lẽ đó mà suốt mấy ngày nay, tôi đã nhờ vả chồng phụ mình những công việc như cho con bú, thay tã cho con, ru con ngủ... Trước đó, tôi cũng đã nói với mẹ chồng chuyện bà có thể nghỉ ngơi vào buổi tối. Bởi suốt nửa tháng qua, bà nội cũng đã rất vất vả để chăm cháu trai.
Một phần tôi muốn mẹ có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức khoẻ, một phần tôi không muốn chồng vì phụ thuộc bố mẹ quá nhiều mà đánh mất đi cơ hội được làm cha của mình. Nếu anh chỉ tập trung đi làm, phó thác chuyện chăm con hoàn toàn cho vợ, cho ông bà nội thì anh chắc chắn sẽ mất nhiều hơn được.
Là một người bố, tôi nghĩ chồng cần phải tham gia vào quá trình chăm con sơ sinh với vợ, để rèn luyện cho bản thân những kỹ năng chăm con. Điều quan trọng nhất là anh còn có những khoảnh khắc tuyệt vời, ý nghĩa để kết nối và xây dựng mối quan hệ gắn kết với con. Đó là điều mà một khi để nó trôi qua thì sẽ là sự bỏ lỡ nuối tiếc nhất trên hành trình làm bố của anh ấy.
Ảnh minh hoạ
Tôi không muốn chồng vì thế mà sau này phải hối hận. Vậy nên giai đoạn này có thể chịu cực một chút, nhưng tương lai anh có thể sẽ trở thành một người bố tuyệt vời của các con thì còn điều gì hạnh phúc hơn. Biết bố đã hiểu lầm vợ, chồng tôi đã vội vàng giải thích. Sau khi hiểu toàn bộ sự việc, bố chồng bỗng thay đổi hẳn thái độ, ông cảm ơn con dâu rối rít vì cho rằng tôi đã làm đúng. Nhờ tôi mà con trai ông trưởng thành, chín chắn hơn trên hành trình làm bố, làm người trụ cột của gia đình…
Tâm sự từ độc giả thanhmai…@gmail.com
Trong giai đoạn chăm sóc con sơ sinh, vai trò của người bố là vô cùng quan trọng. Vì vậy mà trong thực tế, việc nhiều ông bố thoái thác, đổ cho người mẹ trách nhiệm chăm con sơ sinh là sai lầm.
Đầu tiên, việc chăm sóc con sơ sinh là trách nhiệm chung của cả bố và mẹ. Con là kết tinh tình yêu của cả bố và mẹ, do đó, việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cũng cần sự hỗ trợ và chia sẻ trách nhiệm từ cả hai phía. Thông qua việc tham gia vào quá trình chăm sóc con sơ sinh, người bố không chỉ chia sẻ bớt áp lực với người mẹ, mà còn tạo ra một môi trường gia đình hòa thuận, cân bằng, nơi mẹ và cha cùng nhau đóng góp và chăm sóc con cái.
Thứ hai, tham gia vào quá trình chăm sóc con sơ sinh giúp người bố tạo dựng một kết nối sâu sắc và gắn kết với con. Khi người bố dành nhiều thời gian quan tâm đến con, con sẽ cảm nhận được tình yêu và sự chăm sóc đầy đủ từ cả bố và mẹ, tạo ra một môi trường gia đình ấm áp và hỗ trợ. Điều này có thể tác động tích cực đến sự phát triển tâm sinh lý và tình cảm của con trong quá trình trưởng thành. Đồng thời, chia sẻ công việc chăm con cũng giúp người bố tìm hiểu và thấu hiểu hơn về nhu cầu của con, từ đó xây dựng mối quan hệ cha con mạnh mẽ.
Thứ ba, việc tham gia vào quá trình chăm sóc con sơ sinh cũng giúp người bố phát triển kỹ năng làm cha. Từ việc thay tã, tắm rửa, cho ăn, ngủ... người bố học được cách chăm sóc và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con. Điều này sẽ giúp người bố tự tin và thành thạo hơn trong việc chăm sóc con cái.
Theo PNVN