Điểm tin Kinh doanh 1/8: Giá vàng: Vàng nhẫn bật tăng
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 01/08/2024
- Giá vàng: Vàng nhẫn bật tăng
Theo ghi nhận giá vàng hôm 31-7, giá vàng nhẫn của các thương hiệu lớn tăng, còn giá vàng miếng SJC đi ngang so với phiên điều chỉnh ngày hôm 30-7.
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 77 triệu đồng/lượng mua vào và 79 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đang là 77 triệu đồng/lượng mua vào và 79 triệu đồng/lượng bán ra.
Tương tự, giá vàng DOJI tại TP Hồ Chí Minh cũng đang mua vào với 77 triệu đồng/lượng và 79 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh đang được mua vào ở mức 75,90 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 77,19 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ tại Hà Nội cũng giao dịch ở mức 75,90 triệu đồng và bán ra ở mức 77,19 triệu đồng/lượng.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu cũng ổn định so với hôm qua, niêm yết lần lượt ở mức 77 triệu đồng/lượng mua vào và 79 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Phú Quý SJC cũng duy trì ổn định, giao dịch lần lượt ở mức 77,10 triệu đồng/lượng mua vào và 79 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó, đối với vàng nhẫn, sản phẩm nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long của thương hiệu Bảo Tín Minh Châu được niêm yết mức giá mua vào là 75,98 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 77,18 triệu đồng/lượng - tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Tại Phú Quý, công ty niêm yết mức giá nhẫn tròn mua vào là 76 triệu đồng/lượng, bán ra là 77,3 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá mua vào nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) là 76,10 triệu đồng/lượng - bán ra 77,30 triệu đồng/lượng. So với phiên trước, hôm nay, vàng nhẫn thương hiệu này tăng 350.000 đồng/lượng theo chiều mua và 300.000 đồng/lượng chiều bán.
Tại PNJ, sản phẩm nhẫn trơn của thương hiệu này đưa ra mức giá niêm yết là 75,90 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra ở mức 77,19 triệu đồng/lượng. Giá mua vàng nhẫn tại công ty này tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 170.000 đồng/lượng chiều bán.
Như vậy, hôm 31-7, giá vàng nhẫn trong nước bật tăng lên mức cao nhất một tuần qua, còn giá vàng miếng SJC đứng yên.
- FPT Smart Home dẫn đầu thị trường nhà thông minh Việt Nam
FPT Smart Home nhanh chóng đạt được vị trí dẫn đầu nhờ những bước đi chiến lược và hợp lý, bất chấp sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thương hiệu ngoại và những thách thức từ thị trường.
Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, thị trường nhà thông minh tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và sôi động. Xu hướng sản phẩm smarthome sẽ tập trung vào các giải pháp an ninh, an toàn, hệ thống quản lý năng lượng, cảm biến chuyển động, hệ thống chăm sóc sức khỏe, robot trợ lý, đèn thông minh, điện lưới thông minh và trí tuệ nhân tạo.
Tháng 5/2024, công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me đã công bố kết quả khảo sát về các thương hiệu smarthome được người dùng Việt Nam lựa chọn. Theo đó, FPT Smart Home dẫn đầu các thương hiệu nhà thông minh tại Việt Nam với tỷ lệ 51,4%. Đứng đầu bảng xếp hạng về nhận diện thương hiệu với tỷ lệ 82,2%, FPT Smart Home đã chứng tỏ mức độ uy tín và độ phủ của mình trên thị trường nhà thông minh, góp phần thúc đẩy xu hướng sống mới đang dần phổ biến tại Việt Nam.
Trong báo cáo của Q&Me về tình hình sử dụng các sản phẩm nhà thông minh an toàn của người Việt, 100% người dùng chọn camera an ninh khi đầu tư vào nhà thông minh. Tiếp theo là truyền hình thông minh và các thiết bị như đèn thông minh với tỷ lệ lần lượt là 58,2% và 34,4%. Số liệu này cho thấy các vấn đề về an ninh và chiếu sáng được người dùng đặc biệt quan tâm khi đầu tư vào smarthome cho gia đình.
- Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 900 tỷ đồng một cổ phiếu bất động sản trong phiên 31/7
Mặc dù giao dịch sôi động hơn nhưng với việc bán ròng gần 900 tỷ đồng một cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư ngoại đã tăng tới hơn 110% giá trị bán ròng trong phiên 31/7.
Trên sàn giao dịch HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 48,77 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.980,13 tỷ đồng, tăng 20% về khối lượng và 53,7% về giá trị so với phiên hôm qua (ngày 30/7).
Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 79,38 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.654,14 tỷ đồng, tăng 35,7% về khối lượng và 66,34% về giá trị so với phiên trước.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 30,61 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 674,01 tỷ đồng, tăng 71,5% về lượng và 119,3% về giá trị so với phiên trước.
Hôm nay, khối ngoại vẫn mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VNM với khối lượng đạt 5,25 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 370,36 tỷ đồng.
Tiếp theo đó, cổ phiếu MWG được mua ròng 100,71 tỷ đồng (1,57 triệu đơn vị) và FPT được mua ròng 85,63 tỷ đồng (0,67 triệu đơn vị).
Trái lại, khối này tập trung bán cổ phiếu VIC, với khối lượng bán ròng 21,42 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 898,3 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu HSG bị bán ròng triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 70,28 tỷ đồng.
Trên sàn giao dịch HNX, khối ngoại mua vào 1,17 triệu đơn vị, giá trị đạt 40,37 tỷ đồng, giảm 16,83% về lượng nhưng tăng 6,2% về giá trị so với phiên trước.
Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 2 triệu đơn vị, giá trị bán ra đạt 68,2 tỷ đồng, giảm 22,44% về lượng nhưng tăng 1,47% về giá trị so với phiên trước.
Do đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 830.900 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 27,83 tỷ đồng, giảm 29,17% về lượng và 4,7% về giá trị so với phiên trước.
Phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng cổ phiếu CEO với khối lượng 144.700 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 2,23 tỷ đồng.
Trái lại, khối này quay ra bán ròng mạnh nhất cổ phiếu PVS với khối lượng 227.200 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 9,33 tỷ đồng.
Tiếp theo là IDC bị bán ròng 6,55 tỷ đồng, MBS bị bán ròng 3,88 tỷ đồng, LAS bị bán ròng hơn 3 tỷ đồng…
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua vào 713.230 đơn vị, giá trị mua vào đạt 35,34 tỷ đồng, tăng 7,95% về lượng và 27,5% về giá trị so với phiên trước.
Ngược lại, khối này bán ra 339.470 đơn vị, giá trị đạt 31,69 tỷ đồng, tăng 18,98% về lượng và 64,54% về giá trị so với phiên trước.
Do đó, phiên này khối ngoại đã mua ròng 373.760 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 3,65 tỷ đồng, đạt xấp xỉ về lượng nhưng giảm 56,86% về giá trị so với phiên trước.
Hôm nay, khối ngoại mua ròng mạnh nhất ACV với giá trị đạt 6,63 tỷ đồng (57.710 đơn vị); tiếp theo là OIL được mua ròng 2,97 tỷ đồng (200.000 đơn vị).
Trong khi đó, cổ phiếu MCH bị bán ròng mạnh nhất về giá trị đạt 8,17 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng đạt 41.870 đơn vị.
Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 31/7, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 31,07 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 698,19 tỷ đồng, tăng 66,68% về lượng và tăng 112,86% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua ngày 29/7 (bán ròng hơn 328 tỷ đồng).
- ABBank: Ngân hàng đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm, nợ xấu vọt lên 3,55%
6 tháng qua, ABBank ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi khi lợi nhuận sụt giảm, tăng trưởng tín dụng và cho vay đều âm, còn nợ xấu tăng lên 3,55%.
6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) ghi nhận nguồn thu chính sụt giảm 7% về còn 1.454 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi tăng giảm không đồng nhất, trong đó lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh nhất tới 35% về mức 189 tỷ đồng; Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng giảm 15% về gần 6 tỷ đồng; Thậm chí mua bán chứng khoán đầu tư ôm lỗ gần 61 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 172 tỷ đồng.
Chỉ riêng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 18% lên 557 tỷ và hoạt động khác tăng 47% khi đạt 104 tỷ đồng.
Kỳ này, ABBank cắt giảm 6% chi phí hoạt động về 1.029 tỷ đồng và giảm 21% dự phòng rủi ro tín dụng về gần 640 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của ABBank vẫn đi lùi 14% so cùng kỳ, khi đạt 465 tỷ đồng.
Riêng trong quý 2/2024, nhờ lãi thuần kinh doanh ngoại hối đột biến tăng mạnh 86% lên 440 tỷ đồng và nhà băng này cắt giảm dự phòng 34% khi chỉ còn 462 tỷ đồng nên lãi ròng sau cùng đạt tới 311 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản có của ABBank giảm hơn 6% so đầu năm, về mức 152.145 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng tăng trưởng âm 7,2% về mức 91.037 tỷ đồng.
Tương tự, tiền gửi khách hàng cũng giảm 15% về mức 85.515 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của ABBank ở mức 3.227 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm.
Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất tới 34% khi chiếm 1.392 tỷ đồng; Nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 18% lên 867 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ giảm 11% về còn 969 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của ABBank tăng mạnh từ 2,91% của đầu kỳ lên 3,55%.
- Nhu cầu vàng lên đỉnh
Trong dòng tiền chảy vào vàng thế giới tiếp tục tăng lên ở quí 2 vừa qua, nhu cầu vàng của Việt Nam được đánh giá là đạt mức cao nhất kể từ năm 2014.
Theo báo cáo quí 2 của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quí 2 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014.
“Các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng miếng và vàng xu như kênh lưu trữ an toàn nhằm đối phó với sự gia tăng của lạm phát, đồng nội tệ sụt giảm, hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước”, báo cáo của WGC đánh giá.
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là trong quí 2, Việt Nam ghi nhận nhu cầu vàng trang sức yếu hơn, khi giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, từ đó kéo lùi nhu cầu trong nửa đầu năm 2024 về mức thấp nhất kể từ năm 2020. Sự sụt giảm chủ yếu do giá vàng chi phối, mặc dù tăng trưởng GDP chậm lại cũng tác động đến tâm lý người mua, theo lý giải của WGC.