Điểm tin Kinh doanh 29/7: Giá vàng: chốt tuần giảm mạnh
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 29/07/2024
- Giá vàng: chốt tuần giảm mạnh
Theo cập nhật giá vàng hôm ngày 28/7, thị trường vàng trong nước chốt 1 tuần giao dịch giảm mạnh giá vàng nhẫn và giá vàng miếng.
Giá vàng ngày 28/7 kết thúc một tuần giao dịch biến động mạnh giá vàng miếng.
Theo đó, giá vàng SJC hôm 28/7 ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 77,5 triệu đồng/lượng mua vào và 79,5 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TPHCM, giá vàng SJC ngày 28/7 đang mua vào và bán ra mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng. Như vậy, so với chốt phiên tuần trước, giá vàng SJC giảm mạnh 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng Doji tại khu vực Hà Nội đang là 77,5 triệu đồng/lượng mua vào và 79,5 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên tuần trước. Giá vàng Doji ngày 28/7 ở TPHCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 77,5 triệu đồng/lượng mua vào và 79,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 77,5 triệu đồng/lượng mua vào và 79,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 28/7, chốt tuần giao dịch giảm mạnh ở một số thương hiệu vàng.
Giá vàng nhẫn hôm ngày 28/7, kết thúc 1 tuần giao dịch giảm mạnh ở một số thương hiệu vàng, cùng xu hướng với giá vàng miếng.
Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại Doji niêm yết ở ngưỡng 75,8-77,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên giao dịch tuần trước.
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn SJC ở ngưỡng 75,5-77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch tuần trước.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 75,88-77,08 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 150.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch tuần trước.
Nhiều phiên gần đây, giá vàng nhẫn thường biến động cùng chiều với thị trường thế giới. Nhà đầu tư có thể tham khảo thị trường thế giới cùng nhận định của chuyên gia trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến chiều 28/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 28/7 đóng cửa phiên giao dịch tuần, niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.386,1 USD/ounce, giảm 14,7 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch tuần trước.
Giá vàng kỳ hạn tháng 8/2024 giao dịch ở mức 2.385 USD/ounce.
- Mỹ, châu Âu tăng mua hàng Việt Nam
Hoạt động xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại ở hầu hết các nhóm ngành quan trọng và các thị trường chủ lực. Như thị trường Mỹ, xuất khẩu trong nửa đầu năm tăng 10,7 tỷ USD so với năm ngoái; liên minh châu Âu tăng 3,3 tỷ USD. Theo Tổng cục Hải quan, nếu duy trì được kết quả đạt được như nửa đầu năm, quy mô kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể lập được kỷ lục mới là 380 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, trong nửa đầu tháng 7, xuất khẩu của Việt Nam đạt 16,2 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu từ đầu năm đến thời điểm này đạt hơn 207 tỷ USD, tăng hơn 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu cả nước, có 5 nhóm hàng có kim ngạch tăng trên 1 tỷ USD. Dẫn đầu là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch đạt 33,6 tỷ USD (tăng 8,07 tỷ USD). Tiếp đến nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 23,1 tỷ USD (tăng 3,42 tỷ USD). Điện thoại các loại và linh kiện đạt 27,1 tỷ USD (tăng 2,7 tỷ USD). Gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,5 tỷ USD (tăng 1,41 tỷ USD). Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 4,03 tỷ USD (tăng 1,36 tỷ USD).
Riêng kim ngạch tăng thêm của 5 nhóm hàng này đạt gần 17 tỷ USD, bằng 68,5% mức tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nếu đà tăng trưởng xuất khẩu được duy trì, có khả năng kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ vượt mốc kỷ lục 380 tỷ USD trong năm nay.
Trong nửa đầu năm nay, có 6 thị trường (nhóm thị trường) xuất khẩu có kim ngạch tăng từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Mỹ tăng 10,7 tỷ USD; Liên minh châu Âu (EU) tăng 3,3 tỷ USD; Trung Quốc tăng 1,6 tỷ USD; ASEAN tăng 2 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 1,8 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 1,1 tỷ USD.
Tăng trưởng tăng mạnh ở cả nhóm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 136,8 tỷ USD, tăng 13,2% (tương ứng tăng 16 tỷ USD). Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt gần 54 tỷ USD, tăng 19,3% (tương ứng tăng 8,74 tỷ USD).
- Chứng khoán VNDirect: VN-INDEX có thể xây nền, tích lũy trở lại trong vùng 1.230-1.260 điểm
Theo nhận định mới đây của Chứng khoán VNDirect, định giá thị trường đã về mức hấp dẫn hơn, các nhà đầu tư trung và dài hạn có thể bắt đầu xây dựng danh mục đầu tư cho tầm nhìn 6 - 12 tháng tới.
Chỉ số VN-Index tiếp tục giảm 0,8% xuống mức 1.254,6 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần vừa qua ngày 22/7.
Ngân hàng và Thực phẩm - Đồ uống là hai ngành hiếm hoi có diễn biến tích cực với đà tăng của các mã cổ phiếu: TCB (+1,1%), CTG (+0,8%), VCB (+0,2%), SBT (+2,7%) và MSN (+1,7%). Khối ngoại đã có ngày mua ròng thứ tư liên tiếp với giá trị hơn 450 tỷ đồng, tập trung vào các mã SBT, FPT và POW.
Tuy nhiên, bước sang ngày 23/7, lực bán chiếm ưu thế đã khiến VN-Index giảm hơn 1,8% về mức 1.231,1 điểm. Cổ phiếu FPT (+1,1%) là một trong số ít những cổ phiếu giữ được sắc xanh với kết quả kinh doanh quý 2/2024 khả quan khi doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 21,4% và 19,8% so với cùng kỳ.
Chỉ số VN-Index phiên ngày 24/7 đã phục hồi trở lại khi tăng 6,7 điểm lên mức 1.238,5. GVR (+6,9%) là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất vào chỉ số trong khi khối ngoại đã mua ròng trở lại sau khi bán ròng vào phiên hôm trước, tập trung vào các mã VNM, HPG và BID.
Bước sang ngày 25/7, chỉ số VN-Index giảm 0,4% xuống mức 1.233,2 điểm trong khi thanh khoản đã giảm gần 40% so với phiên trước đó. Bất động sản và Hóa chất là hai ngành đi ngược thị trường nhờ diễn biến tích cực của VIC (+1.7%), BCM (+3.3%) và GVR (+0.9%).
Chỉ số VN-Index trong ngày giao dịch cuối tuần 26/7 đã có phiên giao dịch tích cực nhất trong hơn 2 tuần vừa qua khi tăng 8,9 điểm và lấy lại mốc 1.240 điểm. Khối ngoại đã mua ròng với giá trị gần 400 tỷ đồng, tập trung vào các mã KDC, VCB và BID. Kết tuần, VN-Index giảm 1,8% xuống mức 1.242,1 điểm, HNX-Index giảm 1,6% xuống 236,7 điểm và UPCOM-Index giảm 1,7% xuống mức 95,2 điểm.
Tuần này, các mã cổ phiếu BCM (+6,9%), MSN (+4,2%) và VIC (2,1%) là các mã chính hỗ trợ thị trường. Ngược lại, HVN (-20,1%), BID (-3%) và CTG (-4%) là các nhân tố gây áp lực lên chỉ số.
Theo dữ liệu của hãng Chứng khoán VNDirect, thanh khoản tuần vừa qua đã giảm 17,4% so với tuần trước đó xuống 16.098 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại đã mua ròng 461,5 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó mua ròng 420,4 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 13,1 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 54,2 tỷ đồng trên UPCoM.
- Xuất khẩu gỗ khởi sắc, vượt mốc 15 tỷ USD
Sự tăng trưởng rõ rệt của kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay đã tạo nền tảng để ngành này bứt phá cán đích 16 tỷ USD.
Mục tiêu này đòi hỏi các DN ngành gỗ phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, cũng như đầu tư cho thiết kế sáng tạo, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ tính đến hết tháng 7 năm 2024 ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng sản phẩm gỗ ước đạt hơn 5,96 tỷ USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhìn nhận, với nhiều dấu hiệu tích cực đến từ các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam như Mỹ, châu Âu, các DN Việt Nam đã có sự tăng trưởng về hợp đồng đặt hàng đến nửa đầu năm 2024 là 22%, thậm chí có DN đã có đơn hàng đến gần hết năm 2024. Đáng chú ý, ngoài các thị trường truyền thống là Mỹ, Trung Quốc thì các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông… được DN khai thác thời gian gần đây cũng có dấu hiệu tích cực.
Cụ thể: Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 49,3%; Canada đạt 113.000 USD, tăng 23,9%; Ấn Độ 73.000 USD, tăng 94,2%...
Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023.
- Nhu cầu mua vàng cao, Vàng Phú Nhuận (PNJ) thu hơn 22.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm
Vàng Phú Nhuận (mã cổ phiếu PNJ) vừa cho biết doanh thu nửa đầu năm nay tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng vàng 24k đóng góp tới hơn 41% tổng doanh thu.
Mảng vàng 24K của Vàng Phú Nhuận trong nửa đầu năm nay đã tăng gần 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Vàng Phú Nhuận, mã cổ phiếu PNJ - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với doanh thu thuần đạt 22.113 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.167 tỷ đồng, lần lượt tăng 34,3% và 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu trang sức bán lẻ tăng 14% so với cùng kỳ. Đại diện Vàng Phú Nhuận cho biết kết quả trên đến từ việc công ty đã ra mắt hàng loạt bộ sưu tập hợp thị hiếu khách hàng cùng với việc kết hợp triển khai các chiến dịch marketing giúp thúc đẩy doanh số, thu hút khách hàng mới và tăng khả năng giữ chân khách hàng cũ.
Bên cạnh mảng trang sức bán lẻ, các mảng kinh doanh khác của Vàng Phú Nhuận cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, mảng trang sức bán sỉ và mảng vàng 24K trong nửa đầu năm cũng lần lượt tăng 20% và 80,8% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, biên lợi nhuận gộp trung bình của Vàng Phú Nhuận đạt 16,4%, giảm so với mức 18,9% của cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là do thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh.
Cụ thể, mảng vàng 24K vốn có biên lợi nhuận không cao đã đóng góp tới 41,5% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm, tăng so với mức 30,7% của cùng kỳ năm 2023.
- Giá trị IPO ở Đông Nam Á giảm hơn 60% trong nửa đầu năm
Giá trị IPO (niêm yết lần đầu) tại các nước Đông Nam Á đạt 1,54 tỉ đô la, giảm hơn 62% trong nửa đầu năm nay, do nhà đầu tư lo ngại lãi suất cao và căng thẳng địa chính trị. Đó còn là tình hình kém sắc chung ở khắp châu Á. Trong khi đó, các đợt IPO ở châu Âu và Mỹ đều tăng mạnh, cả về số đợt niêm yết và vốn huy động.
Các phân tích do Nikkei Asia và hãng nghiên cứu Dealogic của Mỹ cùng thực hiện cho thấy số lượng IPO giảm 12% xuống còn 71.
Không có thương vụ nào tại ASEAN vượt quá ngưỡng 500 triệu đô la trong sáu tháng đầu năm. Trong nửa đầu năm ngoái, các doanh nghiệp Đông Nam Á thực hiện được bốn vụ IPO trị giá hơn 500 triệu đô la.