Mẹ Việt Nam anh hùng kể chuyện ngày nhận báo tử của chồng và 3 con trai
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:17, 27/07/2024
Mỗi năm, cứ đến ngày 27/7, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngày (95 tuổi, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) lại làm mâm cơm tươm tất làm giỗ chung cho chồng và 3 người con trai. Năm nay, sức khỏe không còn cho phép cụ tự làm cơm, nhưng cụ vẫn đôn đốc con cháu, gia đình chuẩn bị đâu vào đấy.
Chồng và 3 người con trai của cụ Ngày đều là liệt sĩ, hy sinh trong nhiều giai đoạn khác nhau của các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Chấp nhận khổ khi theo cách mạng
Cụ kể, trước khi lấy chồng đã biết ba chồng là cán bộ cách mạng. Ở quê hồi ấy cứ nhà nào có cha theo cách mạng thì con cũng vậy, mà đi làm cách mạng là "khổ đủ điều".
"Hồi đó cán bộ cách mạng khổ lắm, sống trong bưng biền miết, không giúp được vợ con, gia đình ở nhà cũng bị ngụy quyền làm khó. Lúc đó tôi cũng đoán chồng là cán bộ cách mạng, nhưng bản thân yêu nước, tôi thấy chịu khổ cũng được", cụ Ngày nhớ lại lý do quyết định theo chồng.
Chồng cụ Ngày là cụ Lê Văn Huỳnh (SN 1927), là cán bộ kinh tài (kinh tế - tài chính) của chính quyền cách mạng. Cụ Ngày kể, trong suốt thời gian công tác, cụ Huỳnh "đội" vỏ bọc là giáo viên, có khi đi biền biệt xuống miền Cà Mau mấy năm ròng.
Trong những ngày chồng xa nhà, một mình cụ Ngày cố gắng làm lụng nuôi 8 người con khôn lớn.
Con trai đầu của cụ Ngày là liệt sĩ Lê Thành Lũy (SN 1947). Năm 1965, khi mới 17 tuổi, ông Lũy đã theo đồng đội của cha đi "bộ đội miền" (Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam).
Cụ Ngày nhớ hồi đó có khi cả năm mới có người ghé nhà báo tin con, cũng chỉ vài câu ngắn ngủi là đang chiến đấu ở đâu, sức khỏe ra sao. Rồi trong một tối tháng 4/1969, có 2 cán bộ ghé nhà báo ông Lũy đã hy sinh cuối năm 1968, nhưng vì điều kiện chiến đấu ngặt nghèo nên tin tức từ Tây Ninh đến bấy giờ mới về tới Bến Tre.
"Con đi chiến đấu, mình giấu, khai với ngụy quyền là con mất tích, không biết đi đâu, theo ai. Ngày nhận báo tử của con trai, mấy mẹ con chỉ dám ôm nhau khóc thầm, cũng không dám lập bàn thờ vì sợ địch biết", cụ Ngày nhớ lại.
Hay tin con mất, cụ Huỳnh chuyển về công tác gần nhà để an ủi vợ. Nhưng rồi chỉ hơn một tháng sau, cụ Huỳnh lại bị trực thăng của địch bắn trong một trận càn, hy sinh ở bờ sông cách nhà vài trăm mét.
Lần này, biết chồng đã hy sinh, cụ Ngày lại phải nén đau, chờ giặc rút đi mẹ con mới dám chạy ra đưa thi thể về. Cụ Huỳnh mất vì làm cách mạng, mẹ con cụ Ngày càng bị ngụy quyền khó dễ.
Nối gót cha và anh, con trai thứ hai của cụ Ngày là ông Lê Văn Nghị (SN 1955) cũng gia nhập đội du kích. Cuối năm 1971, trong một chiều đi thăm dò đồn địch, ông Nghị không về nữa.
Sau 8 lần sinh nở, rồi hai lần tiễn đưa con, một lần khóc chồng, sức khỏe cụ Ngày gần như kiệt quệ. Không hiếm những buổi chiều muộn chưa thấy mẹ về, anh em ông Khiết (nay 69 tuổi, con trai thứ 4 trong nhà) đi tìm, hôm thì thấy cụ Ngày ngồi khóc ở bờ sông, hôm lại thấy cụ đứng thẫn thờ giữa đồng.
"Cho đến trước ngày giải phóng, anh em tôi đều xin đi bộ đội, nhưng chỉ có em thứ 5 là được đi. Tôi sức khỏe yếu, còn em thứ 8 lúc đó còn nhỏ quá, chính quyền cách mạng cũng không cho tất cả anh em chúng tôi ra chiến trường vì trong nhà đã nhiều người hy sinh", ông Khiết kể.
Sống ý nghĩa sau đau thương tột cùng
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, việc đầu tiên Mẹ Ngày làm là lập bàn thờ con trai cả, điều cụ đau đáu nghĩ tới bao năm. Lúc đó, Mẹ Ngày không còn gồng mình lên vì những lúc có cán bộ tới thăm nữa. Hòa bình rồi, cụ tin rằng sẽ không có thêm đứa con nào bị bom đạn, chiến tranh cướp đi nữa.
Nhưng rồi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Năm 1979, Thiếu úy Lê Văn Nhiệt (SN 1959), con trai thứ 5 của cụ Ngày hy sinh khi đang chiến đấu ở bên kia biên giới.
"Nhận giấy báo tử, mẹ tôi gục hẳn, không còn khóc được nữa. Rồi khi tỉnh lại, mẹ hóa điên dại. Mấy năm liền, mẹ tôi khóc không ngừng, chỉ cần sơ ý là mẹ bỏ đi, ra bờ sông nơi ba ngã xuống", ông Khiết ngậm ngùi.
Thương mẹ, bà Thủy, con gái thứ 7 của cụ Ngày không lấy chồng mà ở vậy nuôi mẹ. Nhờ năm tháng nguôi ngoai, lần lượt 10 đứa cháu nội ra đời đưa niềm vui tới, cụ Ngày cũng dần tỉnh táo lại.
Giờ đây, đã ở tuổi bách niên, chuyện ngày xưa cũng đành chấp nhận, mẹ Ngày đã vui sống bên con cháu. Mẹ nói rằng khi những hy sinh của chồng con là xứng đáng, góp phần xây dựng đất nước vững bền, ngày càng giàu mạnh. Những cống hiến của người thân giờ đây thành niềm tự hào của gia đình.
"Mỗi dịp 27/7, gia đình tôi lại quây quần làm mâm cơm, vừa làm giỗ chung cho cha anh, cũng là dịp để dạy con cháu về lòng yêu nước và tinh thần hy sinh, sẵn sàng cống hiến cho đất nước", ông Khiết nói.
Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Giồng Trôm cho biết, với những hy sinh, đóng góp cao cả, năm 1992, cụ Ngày được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Cụ Ngày là một trong những Mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu nhất của huyện, là tấm gương để các thế hệ người dân học tập. Chính quyền và ngành chức năng cũng như người dân địa phương đang cố gắng làm tốt nhất mọi việc từ chế độ đến chăm sóc để các mẹ sống vui, sống thọ cùng đất nước.