Đỗ Thị Ánh Nguyệt: Bước ngoặt từ bóng rổ sang bắn cung, 2 lần dự Olympic
Các môn thể thao khác - Ngày đăng : 11:43, 25/07/2024
Hôm nay (25/7), đoàn thể thao Việt Nam bắt đầu tranh tài tại Olympic Paris 2024. Vận động viên đầu tiên xuất trận là Đỗ Thị Ánh Nguyệt ở môn bắn cung. Cách đây đúng một tháng, chính nữ vận động viên này cũng chẳng thể ngờ được là bản thân có suất tham dự Thế vận hội.
Ánh Nguyệt sẽ cầm cây cung giá gần 100 triệu đồng để tranh tài tại Olympic Paris 2024. Điều đó suýt nữa đã không xảy ra nếu cô nàngn không chấp nhận bước ngoặt lớn đầu tiên trong sự nghiệp cách đây nhiều năm.
Khởi nghiệp là vận động viên bóng rổ
Câu chuyện đến với bắn cung của Đỗ Thị Ánh Nguyệt đầy những bước ngoặt bất ngờ, giống như cách cô đến với Paris lần này. Nữ cung thủ sinh năm 2001 từng có ước mơ làm ca sĩ và tự nhận là học lực cũng không đến nỗi nào. Ánh Nguyệt quyết định chuyển sang "ăn tập" thể thao chỉ vì... giận dỗi bố mẹ không cho đi học thêm.
Dù vậy, cô nàng bắt đầu ở môn bóng rổ chứ không phải bắn cung.
"Đang ở nhà chơi sướng mà phải đến đây tập những bài thể lực, mình rất mệt và chỉ muốn đi về", Ánh Nguyệt nhớ lại những ngày làm quen với thể thao cường độ cao, tập đến toàn thân rã rời, thở không ra hơi.
Sau một thời gian tập bóng rổ, Ánh Nguyệt được gợi ý chuyển sang môn khác. Ban đầu, Ánh Nguyệt kiên quyết không chuyển môn. Tâm lý bị ảnh hưởng vì nghĩ rằng mình không đủ khả năng và từng có lúc cô muốn từ bỏ, nhưng cuối cùng cô gái Hưng Yên quyết định sẽ thử sức ở môn thể thao khác chẳng có chút liên quan gì đến bóng và rổ.
"Ban đầu mình nghĩ là môn này chẳng mệt đâu, nhưng về sau lại mệt quá, đến mức phải khóc", Ánh Nguyệt nhớ lại thời gian đầu làm quen môn mới. Bắn cung tưởng như chỉ có đứng yên một chỗ hóa ra lại khó chịu hơn so với chạy nhảy trên sân bóng rổ.
Việc đứng im một chỗ trong quãng thời gian dài khiến cô "cuồng tay chân". Tuy nhiên, thử thách lớn nhất là sự rèn luyện về mặt tinh thần và tâm lý. Có giai đoạn Ánh Nguyệt bị stress đến mức tăng... 8 kg.
Ánh Nguyệt kể lại: "So với thời tập bóng rổ thì ở bên này mệt về đầu óc nhiều hơn. Nhưng thể lực của bắn cung cũng rất mệt. Khi chuyển sang bắn cung mình khóc nhiều hơn. Tập bóng rổ mệt vẫn chịu được còn bây giờ vừa mệt về thể chất, vừa mệt về tinh thần".
Suất dự Olympic ngoài mong đợi
Ngày 26/6, Ánh Nguyệt chính thức có suất tham dự Olympic Paris 2024. Tuy nhiên, cô chỉ biết thông tin này qua... mạng xã hội. Theo tính toán của ban huấn luyện, số điểm tích lũy của vận động viên sinh năm 2001 không đạt chuẩn.
Ánh Nguyệt tiết lộ rằng khi thi đấu xong vòng loại cuối cùng của Thế vận hội tại Thổ Nhĩ Kỳ, cô không dám nghe điện thoại của gia đình gọi sang. Cung thủ quê Hưng Yên sợ người nhà hỏi thăm về suất dự Olympic mà cô nghĩ là bản thân không đạt được.
Cuối cùng, niềm vui ngoài mong đợi đến với Ánh Nguyệt. Chiều nay, cô sẽ là vận động viên đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam tranh tài tại Olympic Paris 2024.
Đây không phải lần đầu tiên Ánh Nguyệt dự Thế vận hội. Cách đây 3 năm , cô từng thi đấu tại Olympic Tokyo. Đó cũng chính là thời điểm Ánh Nguyệt được biết đến nhiều hơn với biệt danh "hot girl bắn cung" mà cộng đồng mạng đặt cho.
Trong khoảng thời gian 3 năm, sự nghiệp của cô nàng gen Z có nhiều biến động. Thành tích của Ánh Nguyệt không ổn định, dẫn đến tâm lý bị ảnh hưởng. Ánh Nguyệt thừa nhận cô có giai đoạn bị stress đến mức run tay không dám bắn ở một số giải trong nước.
Nữ cung thủ sinh năm 2001 dành nhiều thời gian để luyện tập về tâm lý, duy trì sự tập trung. Cô thi đấu tốt ở các giải như vô địch châu Á 2023, ASIAD 19, vô địch thế giới 2023 và vòng loại Olympic châu Á 2023. Nhờ đó cung thủ này tích lũy điểm số để đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng thế giới, giành vé dự Olympic 2024.
Tuy nhiên, Ánh Nguyệt vẫn khá khiêm tốn khi được hỏi về khả năng cạnh tranh huy chương với các vận động viên quốc tế.
"Olympic thì khả năng mình có huy chương là rất thấp, vì hội tụ những vận động viên hàng đầu thế giới. Ở môn bắn cung, có rất nhiều người giỏi hơn mình. Đến được đó dể học hỏi cũng là niềm hạnh phúc và vinh dự đối với bản thân mình.
Trong thi đấu thì không thể không có sự bất ngờ được. Chẳng ai nói trước được gì cả. Có huy chương hay không thì làm sao biết trước được. Có thì vui, không thì vẫn là bài học quý giá", Ánh Nguyệt nói.