Khám phá căn cứ hải quân lớn nhất thế giới
Tin thế giới - Ngày đăng : 05:40, 25/07/2024
Từ những căn cứ bất khả xâm phạm dưới lòng đất cho tới các hầm ngầm chứa đầy vũ khí, trên thế giới có không ít cứ địa quân sự khiến ai cũng phải kinh ngạc khi khám phá ra. Dưới đây là những căn cứ đặc biệt của quân đội các nước.
Bài 1: Căn cứ tàu ngầm tối mật, không thể phá hủy của Nga
Bài 2: Đặc điểm hiếm có ở 'thung lũng của máy bay chiến đấu'
Bài 3: Thành phố tên lửa dưới lòng đất đầy ắp vũ khí của Iran
Theo trang Military và Naval Technology, trong số hơn 40 căn cứ hải quân rải khắp nước Mỹ, căn cứ hải quân Norfolk là lớn nhất. Đây cũng là căn cứ quân sự lớn nhất nước Mỹ dựa trên số quân nhân tại ngũ.
Căn cứ hải quân Norfolk nằm ở khu vực Sewell Point của thành phố Norfolk, bang Virginia. Đây là nơi tập trung đông nhất của các lực lượng hải quân Mỹ và là căn cứ chính của Bộ Tư lệnh Đại Tây Dương Mỹ, Hạm đội Đại Tây Dương Mỹ và các lực lượng hạm đội khác.
Căn cứ hải quân Norfolk cũng là trụ sở của Tư lệnh Lực lượng Mặt nước hải quân Đại Tây Dương, Tư lệnh lực lượng không quân hải quân Đại Tây Dương, Tư lệnh Lực lượng tàu ngầm Đại Tây Dương và Hạm đội Thủy quân lục chiến Đại Tây Dương.
Vị trí và lịch sử của căn cứ
Căn cứ hải quân Norfolk nằm ở phía đông nam của Virginia, khu vực này thường được dân địa phương gọi là Đường Hampton. Nằm gần căn cứ là tổ hợp hải quân mang tên "Trận chiến của Monitors & CSS Virginia".
Căn cứ được thành lập sau khi Mỹ bước vào Thế chiến I. Tháng 4/1917, Bộ trưởng Hải quân Mỹ thông qua một dự luật mua đất và khoản tiền 1,6 triệu USD để phát triển căn cứ. Trong quá trình phát triển, nhiều bến tàu, cơ sở hàng không, nhà kho, kho chứa nhiên liệu, trạm huấn luyện - tuyển dụng, căn cứ tàu ngầm và các khu giải trí cho lính thủy đánh bộ đã được bổ sung.
Một sân bay tại Căn cứ Điều hành hải quân (NOB) được thành lập vào tháng 10/1917. Sau đó, nó tách khỏi NOB và trở thành căn cứ không quân hải quân (NAS) đường Hampton vào tháng 8/1918.
Các đơn vị lớn khác sau đó cũng được thành lập như Bộ Chỉ huy hải quân số 5, trạm huấn luyện hải quân, bệnh viện hải quân và căn cứ tàu ngầm. Vùng đất căn cứ được nạo vét và các tòa nhà, cầu tàu, đường băng, nhà chứa máy bay và đường dốc mới được xây dựng cho các tàu và máy bay lớn do Hải quân vận hành trong Thế chiến II. Căn cứ Hải quân Norfolk tiếp tục hỗ trợ Hạm đội Đại Tây Dương sau thế chiến.
Căn cứ nhộn nhịp nhất thế giới
Căn cứ Norfolk có 14 cầu tàu nằm ở phía tây lối vào Vịnh Chesapaeke từ Đại Tây Dương. Nó còn có 11 nhà chứa máy bay có thể hỗ trợ 75 tàu chiến và tàu ngầm, gồm cả 5 trong số 12 tàu sân bay của Mỹ cùng 134 máy bay của Hạm đội Đại Tây Dương.
Căn cứ Norfolk có 2 chức năng chính: khai thác cảng và khai thác hàng không. Mỗi năm, căn cứ kiểm soát hơn 3.100 lượt ra vào của tàu thuyền. Về hàng không, mỗi ngày trung bình có 275 chuyến bay diễn ra tại căn cứ hay trung bình 6 phút/chuyến. Ngoài ra, hơn 150.000 hành khách, 264.000 tấn thư từ và hàng hóa đã được chuyển đi từ căn cứ. Về cơ bản, căn cứ Norfolk quản lý mọi hoạt động diễn ra trên Đại Tây Dương.
Căn cứ hải quân này còn có các trung tâm chăm sóc trẻ em, trung tâm dịch vụ gia đình, phòng khám, ủy ban, sàn giao dịch, trung tâm mua sắm lớn, nhỏ. Trong căn cứ cũng có cả các cơ sở giải trí và thể thao bao gồm sân chơi bowling, thư viện, trung tâm giải trí, sân gôn, phòng tập thể dục, sân tennis và hồ bơi.