Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng
Kinh doanh - Ngày đăng : 14:53, 23/07/2024
Chia sẻ tại tọa đàm "Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng - cơ hội nào cho nông dân, doanh nghiệp" diễn ra sáng 23-7 ở Hà Nội, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc thì các cơ quan hữu quan của Trung Quốc (trong đó có Tổng cục Hải quan Trung Quốc) đã tạo điều kiện để cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam đến nay khoảng hơn 700 mã số vùng trồng và gần 200 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số chỉ đạt 25.000ha trên tổng số 150.000ha. Như vậy, diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu vẫn còn rất thấp và chưa tương xứng với tiềm năng. Theo ông Hiếu, điều này cũng giúp các doanh nghiệp nhận ra nguyên nhân chưa có nhiều diện tích sầu riêng được cấp mã số là do sản xuất nhỏ lẻ, không đảm bảo về chất lượng.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị phía Trung Quốc mở rộng số lượng vùng trồng được cấp mã số, tăng diện tích trồng sầu riêng chất lượng cao”, ông Hiếu chia sẻ. Theo ông Hiếu, đến lúc chúng ta cần phải tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người trồng để quản lý chất lượng mã số đã cấp ra. Địa phương cũng phải nghĩ tới câu chuyện giám sát các vùng trồng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc này cần sự phối hợp của địa phương và doanh nghiệp.
“Tôi cho rằng nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ bền vững hơn việc tăng diện tích vùng trồng sầu riêng mà lại chưa đạt chất lượng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Còn theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT theo dõi các vấn đề và thông tin về chất lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu) cho biết, khi xuất khẩu sang Trung Quốc, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Cụ thể, phải không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại mà phía Trung Quốc quan tâm, đặc biệt là ruồi đục quả và các loài rệp sáp (6 loài); thu hái đúng độ chín, đảm bảo chất lượng; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin rõ trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc; các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.
Đồng thời, ông Nam đề nghị các doanh nghiệp, người dân và các cơ quan cần đáp ứng yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch sầu riêng mà phía Trung Quốc yêu cầu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả năm 2024 của Việt Nam có thể đạt trên 3 tỷ USD. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm, xuất khẩu loại trái cây này đã đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ.
Mặc dù là loại trái cây mang về hàng “tỷ đô” nhưng Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng lo ngại tình trạng nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn là chất lượng, bán sầu riêng non khi được giá... có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của trái sầu riêng Việt Nam.
“Việc cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, nhưng ảnh hưởng mạnh đến chất lượng”, ông Nguyên cảnh báo, tình trạng cắt sầu riêng non sẽ làm ảnh hưởng đến cả một ngành hàng, hình ảnh nông sản Việt.
Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ tình trạng này, cũng như tăng cường giám sát chất lượng, quá trình thu hái và ngăn chặn tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Khi sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc, EU thì bắt buộc phải kiểm tra dư lượng, đạt tiêu chuẩn mới thu hái để xuất khẩu.