Chuyện 'khắc cốt ghi tâm' của người bạn học với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nhịp sống - Ngày đăng : 21:35, 21/07/2024
Đi xe ca chung với lớp
Được tin Tổng Bí thư từ trần, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, không khỏi xúc động.
Trong câu chuyện với chúng tôi về Tổng Bí thư, PGS Thiện nói: "Mỗi lần họp lớp, anh thường bảo chúng ta là đồng môn bạn bè thân thích, đừng gọi tôi là Tổng Bí thư, nghe có phần xa cách, không nên. Các bạn cứ gọi mình là "Trọng" hoặc xưng "bạn". Riêng tôi, vì kém anh 3 tuổi nên tôi vẫn gọi anh Nguyễn Phú Trọng là "anh".
Theo PGS Thiện, ông và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học cùng nhau 4 năm đại học ở khoa văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐHKH Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội). Anh em chúng tôi vừa là đồng môn, lại đồng hương Kinh Bắc và lớn lên trong thời buổi chiến tranh nên luôn động viên nhau vượt qua khó khăn.
"Lớp tôi có 119 người. Anh Trọng là một trong 3 sinh viên xuất sắc của lớp được vào Đảng khi học xong năm cuối đại học.
Tôi là thanh niên phấn đấu vào Đoàn thanh niên lao động Việt Nam (hồi đó gọi như vậy - PV) còn anh Trọng đang giữ trách nhiệm là Bí thư chi đoàn của lớp Văn, niên khóa 1963-1967. Anh thường xuyên nhiệt thành giúp đỡ chúng tôi trở thành đoàn viên.
Năm 1965, lớp Văn khóa VIII phải đi sơ tán ở xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (cũ - PV). "Tháng đầu tiên ở nơi sơ tán, để kịp khai giảng, sinh viên chúng tôi phải lên rừng chặt tre nứa, tìm kiếm vật liệu, cùng một số thợ mộc ở địa phương xây dựng lớp học dã chiến, nửa đắp nổi lên mặt đất như ụ pháo cao xạ, nửa chìm dưới lòng đất để tránh mảnh bom, đạn pháo văng vào.
Chúng tôi học, đọc sách bằng đèn dầu. Sức thanh niên trai tráng, ăn cơm nhà bếp chỉ lửng dạ, chúng tôi mua thêm khoai sắn. May mắn, đồng bào thương, toàn cho sinh viên chúng tôi thêm lương thực, thậm chí cả thịt", PGS Thiện nhớ lại.
Tháng 9/1967, anh Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp đại học. Hơn một năm sau, bài báo xuất sắc đầu tiên, khởi nguồn từ luận văn tốt nghiệp anh Trọng đã bảo vệ thành công có tên "Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu" của tân cử nhân Nguyễn Phú Trọng được đăng trên Tạp chí văn học số tháng 11/1968.
Năm 1995, lớp văn đại học khóa VIII tổ chức thăm lại khu vực sơ tán tại xã Vạn Thọ trước đây. Thời điểm đó anh Nguyễn Phú Trọng đang là Bí thư thành ủy Hà Nội nhưng không đi xe riêng. Anh đến điểm đón rồi lên xe cùng các bạn đại học đi đến địa điểm sơ tán cũ.
"Đến nơi, anh thăm hỏi từng người, tặng xã một chiếc ti vi từ tiền cá nhân bởi thôn thời ấy đang rất khó khăn. Anh Trọng còn trồng một cây kỷ niệm ở trụ sở UBND xã", PGS Thiện nhớ lại.
Ký ức những bữa cơm độn ngô sắn
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện có sự tụ hội của "bốn nhà": nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu lí luận phê bình Văn học nghệ thuật. Ông từng công tác tại Viện Văn học, được đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành lý luận văn học tại Đức và có thời gian 15 năm là Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam.
Ông là một trong số không nhiều nhà nghiên cứu lý luận văn học được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước. Thành quả sau nửa thế kỷ cần mẫn, miệt mài cầm bút, ông sở hữu một khối lượng công trình nghiên cứu đáng khâm phục, đặc biệt trong đó có những trang viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà tư tưởng, nhà lý luận văn hóa, văn nghệ xuất sắc của Đảng.
Vừa giở những dòng tư liệu cũ, trong đó nhiều quyển được đánh dấu số trang có tư liệu về bạn đồng môn Nguyễn Phú Trọng, PGS Thiện bảo rằng, những lần họp lớp, rất hiếm khi anh Nguyễn Phú Trọng vắng mặt. Lần nào anh cũng góp quỹ lớp như mọi thành viên, thậm chí đóng mức gần bằng nửa tháng lương của mình.
"Bao năm tháng trôi qua nhưng ký ức trong tôi về anh Trọng và những người bạn học cùng lớp vẫn vẹn nguyên. Đấy là hình ảnh hai năm đầu thời sinh viên đại học, chúng tôi cùng nhau ăn những bữa cơm tập thể đạm bạc. Anh Trọng cùng nhóm sinh viên chúng tôi ăn mâm 6, mỗi người một bát to để chia cơm cho đều mỗi suất, thức ăn đơn giản chỉ đậu phụ, rau muống, ít khi có thịt cá.
Thời đó ai cũng khó khăn, sinh viên chúng tôi không phải ngoại lệ, cơm được độn mì ngô sắn không đủ no. Dù thời đó kham khổ nhưng ai nấy đều bền chí học tập", PGS Thiện chia sẻ.
Theo PGS Thiện, khoảng trung tuần tháng 4 vừa qua, khi Tổng Bí thư tròn 80 tuổi, một số thành viên lớp đại học tổ chức đi thăm nhưng không gặp được trực tiếp anh. Vì lý do sức khỏe, anh Nguyễn Phú Trọng cử thư ký thịnh tình tiếp đón bạn bè cùng lớp, nhận lẵng hoa và không quên bày tỏ lời cảm ơn chân thành.
"Không ngờ, nay chúng tôi phải tiễn biệt bạn. Trong lễ tang do Nhà nước tổ chức, chúng tôi sẽ tập hợp thành đoàn viếng tiễn đưa người bạn hiền thân quý về nơi an nghỉ cuối cùng. Xin chia buồn cùng những người thân trong gia đình anh", PGS Thiện xúc động nói.