Điểm tin Kinh doanh 22/7: Giá vàng: Vàng nhẫn tiếp đà giảm

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 22/07/2024

Gần 100.000 nhà đầu tư được triệu tập tới phiên xử ông Trịnh Văn Quyết; Việt Nam cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Trung Quốc
gia-vang-hom-nay-ngay-19-7-172138394608026636848.png

- Giá vàng: Vàng nhẫn tiếp đà giảm

Giá vàng hôm 21-7, ở thị trường trong nước, vàng miếng “bất động”, vàng nhẫn tiếp đà giảm so với phiên giao dịch buổi sáng

Vàng SJC tại Hà Nội và vàng SJC tại Đà Nẵng: 78 triệu đồng/lượng mua vào, 80 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 20-7 ở cả 2 chiều).

Vàng SJC Phú Quý: 78,5 triệu đồng/lượng mua vào, 80 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 20-7 ở cả 2 chiều).

Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 78,5 triệu đồng/lượng mua vào, 80 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 20-7 ở cả 2 chiều).

Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 78,5 triệu đồng/lượng mua vào, 80 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 20-7 ở cả 2 chiều). Vàng nhẫn tròn trơn được doanh nghiệp giao dịch ở mức 75,88 triệu đồng/lượng mua vào, 77,18 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 50.000 đồng/lượng so với phiên sáng 21-7 ở cả 2 chiều).

Vàng nhẫn PNJ tại TP Hồ Chí Minh và vàng nhẫn PNJ tại Hà Nội: 75,7 triệu đồng/lượng mua vào, 77,19 triệu đồng/lượng bán ra.

Như vậy, giá vàng trong nước hôm 21-7, giá vàng miếng vẫn “lặng sóng”, trong khi đó giá vàng nhẫn tròn trơn tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu tiếp tục giảm 50.000 đồng/lượng so với phiên sáng 21-7 ở cả 2 chiều.

Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới chiều 21-7: Vàng giao ngay đứng ở mức 2.401,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai đứng ở mức 2.402,8 USD/ounce.

Theo Công cụ FedWatch của CME, thị trường thấy có hơn 90% khả năng lãi suất sẽ được cắt giảm vào cuối mùa hè. Đợt tăng giá vàng lên mức cao kỷ lục mới trùng với kỳ vọng rằng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 9.

Nhận định về xu hướng giá vàng, một số nhà phân tích cho rằng, khả năng giá vàng sẽ giảm trong ngắn hạn do các nhà đầu tư chốt lời sau khi vàng lên mức cao kỷ lục mới.

- Trung Nguyên Legend mở rộng hệ thống tại Mỹ và Trung Quốc

Trung Nguyên Legend vừa liên tiếp khai trương gần 10 không gian hàng quán mới tại Mỹ và Trung Quốc, đẩy mạnh quảng bá cà phê, văn hóa cà phê Việt Nam ra thế giới.

Sự kiện này đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của Tập đoàn cà phê Việt Nam trên hành trình chinh phục các thị trường hàng đầu thế giới: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Pháp và các quốc gia khu vực Đông Nam Á, châu Á, châu Âu…

Sau gần 1 năm quán cà phê Trung Nguyên Legend nhượng quyền đầu tiên ra mắt tại Mỹ và được đón nhận mạnh mẽ, vào ngày 18-7 và 25-7, Tập đoàn Trung Nguyên Legend tiếp tục khai trương hai không gian Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại thành phố San Jose, bang California, Mỹ.

Đây là hai không gian đầu tiên của mô hình này và là quán thứ tư của Trung Nguyên Legend tại Mỹ.

- Lợi nhuận của VPBankS đạt 254,4 tỷ trong quý II

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng giá trị trái phiếu mà VPBankS nắm giữ đạt 10.352 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, chiếm hơn 42% tỷ trọng tài sản công ty.

Mới đây, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với doanh thu 646,9 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khoản lãi từ các khoản cho vay và phải thu của công ty tăng gấp đôi lên 237,3 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II/2024, quy mô các khoản cho vay và phải thu của VPBankS đạt 9.284,7 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm, chủ yếu từ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) với 9.079 tỷ đồng.

Lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVPTL) giảm 8% còn 302,1 tỷ đồng. Lỗ từ tài sản tài chính FVTPL tăng từ 5,5 tỷ đồng cùng kỳ lên 105,7 tỷ đồng, dẫn đến lãi thuần từ mảng này chỉ còn 106,4 tỷ đồng, so với 322,1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, doanh thu mảng môi giới của VPBankS đạt 66,3 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi phí môi giới tăng gấp đôi lên 57,7 tỷ đồng. Mảng này mang lại 8,6 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi cùng kỳ công ty lỗ hơn 8 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, VPBankS ghi nhận lãi sau thuế giảm 19%, còn 254,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động của công ty tăng 39% lên 1.230,3 tỷ đồng, nhưng lãi trước thuế giảm 30% xuống 500 tỷ đồng do hoạt động tự doanh kém hiệu quả.

cham-the-thanh-toan-de-ho-tro-tam-soat-ung-thu-cho-phu-nu-5-.jpg

- Gần 100.000 nhà đầu tư được triệu tập tới phiên xử ông Trịnh Văn Quyết

Sau hơn 2 năm bị khởi tố bắt tạm giam để phục vụ điều tra, ông Trịnh Văn Quyết cùng gần 50 đồng phạm sẽ hầu tòa với cáo buộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của các nhà đầu tư 3.621 tỷ đồng và “Thao túng thị trường chứng khoán”, thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng.

Ngày 22/7, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Cáo trạng xác định, ông Quyết giữ vai trò chính trong vụ án, chỉ đạo thuộc cấp thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, thiệt hại từ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác định 3.621 tỷ đồng; hành vi Thao túng thị trường chứng khoán là 684 tỷ đồng. Tổng cộng 4.305 tỷ đồng.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho thấy, tòa sẽ triệu tập 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu mã ROS trong lần bán ra đầu tiên. Ngoài ra, hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này cũng được triệu tập trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Gần 100 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, trong đó, ông Trịnh Văn Quyết có 4 người.

- Việt Nam cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Trung Quốc

Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Trung Quốc trong tháng 5/2024, đạt 91 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc trong tháng 5/2024 giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 1,43 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đạt 7,235 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tháng 5/2024, Trung Quốc nhập khẩu thủy sản từ hầu hết các thị trường cung cấp lớn giảm so với cùng kỳ năm 2023, trừ nhập khẩu từ Indonesia và Việt Nam tăng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu thủy sản từ các thị trường cung cấp lớn như Ecuado, Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Na Uy giảm, trong khi nhập khẩu từ Canada, Indonesia, Việt Nam, Chile và New Zealand tăng.

Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Trung Quốc trong tháng 5, đạt 91 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 365,5 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 4,1% trong 5 tháng đầu năm 2023 lên 5,1% trong 5 tháng đầu năm 2024. Thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm hùm, cua và tôm đã chế biến từ Việt Nam.

Việt Báo (Tổng hợp)