Vụ nổ bom nguyên tử lớn nhất thế giới 54 năm trước
Tin tức - Ngày đăng : 17:02, 19/07/2024
Thử nghiệm quả bom đáng sợ nhất thế giới
Quả bom khinh khí ba giai đoạn Sa hoàng được chế tạo ở Liên Xô có đương lượng nổ 50 megaton, tương ứng với 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, có sức công phá gấp 3.800 quả bom ném xuống Hiroshima trong Thế chiến II, là quả bom nguyên tử lớn nhất từng được chế tạo và phát nổ.
Ngày 30/10/1961, Liên Xô cho phát nổ thử nghiệm bom Sa hoàng ở độ cao 4000m trên một hòn đảo ở Vòng Bắc Cực có tên Novaya Zemlya (vùng đất mới). Quả bom được chở bằng máy bay.
Bom khinh khí là bom sử dụng phản ứng tổng hợp hạt nhân hydro, có sức tàn phá lớn gấp nhiều lần bom nguyên tử. Vũ khí phân hạch và nhiệt hạch thuần tuý (một giai đoạn) có đương lượng nổ hàng trăm kiloton, và khi có 3 giai đoạn nổ, sức công phá của vũ khí tăng lên nhiều lần.
"Đám mây hình nấm (sau vụ nổ) cao tới 60km", Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) cho biết. "Có thể bị bỏng độ 3 ở khoảng cách hàng trăm km. Vòng huỷ diệt hoàn toàn có bán kính 35km".
Thực tế, quả bom theo mong muốn ban đầu của thủ tướng Nikita Khrushchev có đương lượng 100 megaton. Nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy thiết bị như thế sẽ tạo ra các phát xạ nguy hiểm gây ô nhiễm cả những vùng cách xa khu thử nghiệm. Quả bom mới giảm tới 97% phát xạ .
Đám mây hình nấm có đường kính 56km tạo ra từ vụ phát nổ bom Sa hoàng nhìn từ khoảng cách 161km. (Ảnh: Wikipedia).
Theo Nuclear Weapons Archive, thiết kế của quả bom không có gì mới về công nghệ. Nó sử dụng một vụ nổ nhiệt hạch để kích hoạt một vụ nổ khác lớn hơn, quá trình này có thể tạo ra một chuỗi các vụ nổ có sức công phá tăng lên không ngừng.
Thử nghiệm bom Sa hoàng được tiến hành khi Mỹ đang cố gắng tạo ra vũ khí nhiệt hạch có thể vận chuyển bằng đường hàng không, và đã tiến hành thử nghiệm Castle Bravo trên Thái Bình Dương vào năm 1954. Castle Bravo là mật danh của quả bom hydro mạnh nhất của Mỹ, có đương lượng nổ bằng một phần ba bom Sa hoàng.
Bom Sa hoàng là cách Liên Xô và cố tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Khrushchev thể hiện sức mạnh trong thời kì căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh, khi Bức tường Berlin đang được xây dựng và Mỹ sở hữu tên lửa có khả năng uy hiếp Moscow, theo Michael Fitzgerald và Allen Packwood – tác giả của cuốn sách "Out of the cold: The Cold War and Its Legacy" (Bên ngoài cái lạnh: Chiến tranh Lạnh và di sản của nó).
Krushchev đã chứng minh được rằng Liên Xô có thể chế tạo vũ khí với khả năng đáng sợ. Một báo cáo của BBC về vụ nổ cho biết các quan chức Anh đã ngay lập tức nhận ra Liên Xô đã thực hiện một vụ nổ lớn chưa từng có.
Tuy nhiên, kích cỡ của bom Sa hoàng ít có ứng dụng thực tế. Nó quá lớn nên khó có thể vận chuyển bằng tên lửa đạn đạo, trên chiến trường nó không chỉ tiêu diệt kẻ thù mà còn tiêu diệt cả chiến hữu. Đối với bom nguyên tử, kích cỡ nhỏ và nhẹ để có thể chứa trong tên lửa đạn đạo quan trọng hơn là tạo ra vụ nổ có quả cầu lửa lớn bằng cả thành phố.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và sự loại bỏ tên lửa có đầu đạn hạt nhân ở bán cầu Tây của Liên Xô xảy ra một năm sau thử nghiệm Tsar Bomba. Mỹ và Liên Xô thấy việc chế tạo bom không vận chuyển được bằng tên lửa là vô nghĩa, và vận chuyển bằng máy bay gặp nhiều khó khăn, hai bên không tiến hành một cuộc thử nghiệm tầm cỡ bom Sa hoàng nào sau đó.
Điều này cho thấy con người có thể chế tạo được thiết bị mạnh với trình độ công nghệ từ hàng thập kỉ trước, dù nó thiếu tính ứng dụng, và không có rào cản công nghệ nào trong việc chế tạo những vũ khí mạnh hơn, đáng báo động hơn.
Theo VnExpress