Ảnh chụp vi khuẩn phủ kín lưỡi người
Tin tức - Ngày đăng : 17:24, 19/07/2024
"Vi khuẩn trên lưỡi không phân bố ngẫu nhiên. Chúng giống như một cơ quan trong cơ thể người", Gary Borisy, chuyên gia tại Trường Nha khoa thuộc Đại học Harvard, cho biết. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Cell Reports hôm 24/3.
Các loại vi khuẩn trên lưỡi người không phân bố ngẫu nhiên. (Ảnh: Science News).
Hình ảnh phía trên thể hiện lớp màng sinh học gồm các vi khuẩn lấy từ lưỡi người. Để thu được hình ảnh này, Borisy cùng đồng nghiệp phát triển kỹ thuật chụp ảnh huỳnh quang mới mang tên CLASI-FISH.
Biểu mô của người tạo thành phần trung tâm màu xám, xung quanh là nhiều loại vi khuẩn như Actinomyces (đỏ) chiếm vùng không gian sát trung tâm, Streptococcus (xanh lá cây) phân bố thành các cụm ở phía ngoài và các vệt ở phía trong. Các loại vi khuẩn khác như Rothia (xanh lơ), Neisseria (vàng), Veillonella (đỏ tím) sắp xếp thành các cụm và vệt thể hiện sự phát triển lan rộng ra từ vùng trung tâm.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học phân tích mẫu vật từ 21 người khỏe mạnh và nhận diện 17 loại vi khuẩn phổ biến trên lưỡi, xuất hiện ở hơn 80% mẫu vật. "Nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn mới vì chưa ai từng quan sát lớp màng sinh học trên lưỡi theo cách này. Nhờ phân biệt rõ mỗi loại vi khuẩn, chúng tôi có thể quan sát cách chúng phân bố", Borisy giải thích.
"Lưỡi vô cùng quan trọng vì chứa lượng lớn vi sinh vật và cũng là bộ phận giúp đánh giá sức khỏe. "Thè lưỡi ra" là một trong những yêu cầu đầu tiên của bác sĩ", đồng tác giả Jessica Mark Welch, nhà vi sinh vật tại Phòng thí nghiệm Sinh học Biển tại Woods Hole, bang Massachusetts, cho biết.
Nhờ giải trình tự ADN, các nhà khoa học đã nắm được nhiều thông tin cho biết những loại vi khuẩn nào sống trong cơ thể người. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên họ có thể quan sát những cộng đồng vi khuẩn trên lưỡi chi tiết như vậy. Việc nắm được vị trí tụ tập và cách sắp xếp của mỗi loại vi khuẩn giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về cách hoạt động cũng như sự tương tác của chúng.
Theo VnExpress