Sau vụ tai nạn ở Hoài Đức, nỗi lo người nghiện ôm vô lăng
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:18, 19/07/2024
Trước đó, vào chiều 21/1/2019 tại Kim Thành (Hải Dương) xảy ra vụ xe tải đâm vào đoàn người đi viếng đám tang làm 8 người chết và nhiều người bị thương… Tài xế gây tai nạn sử dụng ma túy đá.
Nhiều tài liệu đã chỉ ra rằng, tài xế nghiện ma túy có thể gây nguy hiểm cho người khác khi rơi vào trạng thái "đói" thuốc hoặc "phê" thuốc. Nếu "đói" thuốc, lái xe sẽ cảm thấy mệt mỏi, ngáp liên tục, chảy nước mắt, thiếu quan sát và xử lý tình huống chậm. Còn khi "phê" thuốc, lái xe sẽ bị hưng phấn quá độ, dễ mất kiểm soát về thần kinh và thường có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, cực kỳ nguy hiểm.
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông, tăng 1.665 vụ (15,58%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 3,81% các vụ tai nạn có nguyên nhân do sử dụng rượu bia, chất kích thích có cồn và 0,18% các vụ tai nạn do sử dụng ma túy, chất gây nghiện. Lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 2.136.205 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường bộ, đường sắt và đường thủy.
Trong số hơn 2 triệu trường hợp vi phạm có tới 2.901 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy. Đây là con số đáng báo động nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Nhiều ý kiến cho rằng, đa phần những trường hợp tài xế sử dụng ma tuý là lái xe đường dài, điều khiển phương tiện cỡ lớn.
Có trường hợp do áp lực từ yêu cầu gắt gao về doanh số, số lượt, hành trình của chủ xe, tài xế phải làm việc với cường độ cao. Họ phải tìm đến chất kích thích để tỉnh táo, chống mệt mỏi nhưng rồi bị lệ thuộc vào chất này từ lúc nào không hay.
Nghị định 100 quy định, tài xế điều khiển ô tô tham gia giao thông mà sử dụng ma tuý sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Trường hợp gây tai nạn, thiệt hại nghiêm trọng còn bị xử lý hình sự tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.
Một chuyên gia giao thông cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát đội ngũ tài xế, phụ xe trước khi xuất bến, tuyệt đối không để tài xế có sử dụng cồn, ma tuý, chất kích thích điều khiển phương tiện. Cách đơn giản, hiệu quả nhất là doanh nghiệp vận tải phải test nhanh trước khi lái xe bắt đầu mỗi chuyến đi.
Đồng thời, các nhà xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, không bố trí lái xe làm việc quá thời gian quy định để bảo đảm sức khoẻ, tỉnh táo và an toàn cho hành khách.