Thế hệ trẻ đang có cơ hội định nghĩa lại ngành nghề, mở rộng không gian sống
Cuộc sống số - Ngày đăng : 10:13, 18/07/2024
Đừng ngại thử để phát hiện ra mình
Chiều ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi gặp mặt và nói chuyện với hơn 40 thanh niên tiêu biểu là con của các cán bộ, nhân viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post.
Có chủ đề "Tuổi trẻ, đổi mới, phát triển", cuộc gặp mặt là một hoạt động thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của lãnh đạo Bộ TT&TT với đội ngũ nhân sự hiện nay cũng như thế hệ tiếp theo của Bưu điện Việt Nam..
Mở đầu buổi nói chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các bạn trẻ phải gìn giữ các nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam, trước tiên là luôn nhớ đến cội nguồn, ông cha mình. Các bạn trẻ dù có đi du học hay không thì điều đầu tiên vẫn phải xác định giữ lấy cái gốc, phải thực sự là người Việt Nam, với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục của người phương Đông. Từ cái gốc đó, các bạn trẻ có thể tích lũy, học thêm tri thức phương Tây bằng nhiều cách.
Trong lần đầu tiên có cơ hội được trao đổi với người đứng đầu ngành TT&TT, các bạn học sinh, sinh viên - Những người đang chuẩn bị lựa chọn nghề nghiệp, công việc tương lai, đã mạnh dạn chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc của bản thân để nhận được những giải đáp mang tính định hướng, gợi mở cho hành trình sắp tới.
Trước câu hỏi về cách hiểu thế nào là người tài của sinh viên Nguyễn Hà Phan, đang học ngành Kinh tế và chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam, từ những phân tích cặn kẽ và thấu đáo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm: Người tài là người tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng, đất nước, quê hương và tổ chức mà mình làm việc. Việc trung bình tạo ra người trung bình, việc vĩ đại tạo ra người vĩ đại. Vì thế, cách để trở thành người tài là chọn việc khó, không ngại việc khó, xung phong nhận việc khó và thậm chí là xin làm việc khó, để qua đó trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm.
Nhận định mỗi người đều có 1 tài năng đặc biệt mà người khác không có, Bộ trưởng phân tích: Khi tìm ra tài năng đặc biệt của mình, người đó sẽ thể hiện, cống hiến, tạo ra nhiều giá trị hơn và cũng sẽ dễ yêu quý sự khác biệt, giỏi giang của người khác. Để tìm ra tài năng đặc biệt, biết mình giỏi cái gì, không có cách nào khác là mỗi người phải thử và làm đến tận cùng.
“Một quốc gia, dân tộc trở nên thịnh vượng, giàu có là nhờ mỗi người tìm ra tài năng của mình và mang tài năng đó cống hiến cho đất nước. Sau này các cháu đi làm, sẽ có nhiều người trở thành lãnh đạo. Cần nhớ rằng, nghề chính của người lãnh đạo là tạo điều kiện để nhân viên của mình tỏa sáng. Nghề lãnh đạo là nghĩ ra những việc thách thức để nhân viên mình thử thách và thông qua đó họ trở thành người tài, đóng góp cho sự phát triển của tổ chức, đất nước. Nếu nhân viên chưa tìm ra được năng lực riêng biệt thì lãnh đạo có thể gợi ý, cho phép họ thử”, Bộ trưởng nhắn nhủ các bạn trẻ.
Giải đáp mối băn khoăn của nhiều bạn trẻ về việc làm sao để biết mình giỏi gì, từ đúc rút kinh nghiệm của bản thân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhấn mạnh: Phát hiện ra mình là việc quan trọng và vĩ đại nhất. Để làm được điều này thì cơ bản vẫn phải thông qua thử. Do đó, trong cuộc sống không nên ngại thử, và sau mỗi lần thử cũng cần suy ngẫm.
Mở rộng vấn đề từ câu hỏi "Người thành công có phải là người học xuất sắc ở trường phổ thông?" của nam học sinh lớp 9 Trịnh Hoàng Duy, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý: Kiến thức nền các bạn trẻ bắt buộc phải học, phải biết và phải vận dụng được trong cuộc sống hàng ngày thì mới có ý nghĩa, không phải học chỉ để thi. Kiến thức nền, nhất là kiến thức học ở cấp phổ thông sẽ theo suốt cuộc đời, góp phần vào thành công của mỗi người.
Dùng công nghệ số định nghĩa lại các ngành nghề
Trong gần 3 tiếng cuộc hỏi - đáp, câu chuyện chọn nghề, định hướng công việc tương lai, mối lo bị đào thải, bị công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) lấy mất việc được nhiều bạn trẻ nêu ra, xin lời khuyên từ người đứng đầu ngành TT&TT. Các bạn sinh viên, nhất là những sinh viên đã và sắp ra trường, cũng bày tỏ sự quan tâm đến cơ hội, xu hướng phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề cụ thể như vật lý, tâm lý học, công nghệ tài chính - Fintech, phân tích dữ liệu, luật sư, truyền thông, marketing.
Chỉ rõ nhìn nhận AI, công nghệ phát triển sẽ thay thế, lấy mất việc của con người là một cách hiểu không đúng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Dù công nghệ phát triển thế nào thì phần việc của con người vẫn là rất nhiều, vô cực. AI nên được hiểu là 1 trợ lý, nó không thay thế mà nằm trong tầm kiểm soát con người, giúp mọi người làm việc tốt hơn.
Với câu chuyện chọn nghề, người đứng đầu ngành TT&TT gợi ý các bạn trẻ có thể chọn theo lý thuyết giao nhau của 3 vòng tròn: Việc mình thích, việc mình giỏi và việc có nhu cầu cao, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Trong trường hợp chưa rõ mình thích và giỏi gì, các bạn trẻ có thể chọn lấy một ngành nghề để theo học, đi làm; Nhưng khi đã chọn thì phải học, làm đến tận cùng và đạt đến mức xuất sắc.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng khuyên các bạn trẻ trong cuộc sống nên tận dụng chữ "và", thay vì tư duy theo chữ "hoặc", bởi lẽ “Chữ 'và' vẫn là cách tiếp cận tốt trong mọi trường hợp!”.
Áp dụng vào thắc mắc cụ thể của bạn Nguyễn Thăng Long, lời khuyên được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho sinh viên đang năm thứ 3 Đại học Kinh tế Quốc dân này là vừa học đại học vừa học thêm các chứng chỉ phục vụ cho công việc tương lai. Bởi lẽ, học chứng chỉ là một cách học khác, liên quan đến thực hành nhiều hơn, sẽ bổ sung cho cách học đại học.
Qua phân tích, lý giải có kèm dẫn chứng với từng ngành nghề cụ thể, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Trong thời đại số, bất cứ ngành nghề nào cũng đều đang thay đổi, đang có không gian mới và đây là cơ hội ngàn năm có một để định nghĩa lại tất cả các nghề.
Thế hệ trẻ hiện nay là thế hệ định nghĩa lại tất cả mọi thứ, trong đó có nghề nghiệp, bởi chúng ta đang chuyển lên môi trường hoàn toàn mới là không gian số. Cũng vì thế, ngành nghề nào cũng đều có cơ hội, với điều kiện là các ngành, nhất là những ngành cũ phải được định nghĩa lại. Sử dụng công nghệ số để định nghĩa lại các ngành nghề, không gian sống của các bạn trẻ sẽ là vô hạn.
Bày tỏ mong muốn các bạn trẻ sẽ là những người thay đổi đất nước Việt Nam, thay đổi thế giới, thông qua câu chuyện chuyển đổi số, định nghĩa lại nghề nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ: “Các cháu đang có cơ hội vô cùng lớn mà trong lịch sử nhân loại gần như chưa lúc nào có, đó là được phép định nghĩa lại nghề của mình. Và vì thế, các cháu sẽ là những người dẫn đường”.