Vũ khí laser - yếu tố thay đổi cuộc chơi?
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 10:37, 16/07/2024
Hình ảnh đàn máy bay không người lái (UAV) nhỏ gọn, giá rẻ tràn ngập bầu trời, hay những chiếc tàu không người lái (UUV) lướt trên mặt nước đang thúc đẩy quân đội các nước nghiên cứu, phát triển vũ khí laser như một giải pháp thay thế cho hệ thống phòng thủ tên lửa tốn kém và dễ bị áp đảo.
Mới đây, Hàn Quốc công bố bắt đầu sản xuất vũ khí laser có tên Block-I có khả năng tiêu diệt UAV và trực thăng đa năng ở tầm gần với chi phí chỉ khoảng 2.000 won (1,45USD) cho mỗi lần bắn, hiệu quả chiến đấu đạt 100% trong quá trình thử nghiệm. Con số đó đủ “làm giật mình” các chuyên gia quân sự, khi mà trong các cuộc xung đột ở Trung Đông, để đánh chặn các UAV tấn công hay tên lửa của đối phương, hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel phải bắn những quả tên lửa Tamir có giá 40.000USD/quả. Tên lửa đất đối không Stinger do hãng Raytheon (Mỹ) sản xuất thì có giá tới 480.000USD/quả và tốn kém hơn có lẽ là Standard Missile-2 của hải quân Mỹ: Hơn 2 triệu USD/quả.
Vũ khí laser được trang bị trong hải quân Mỹ. Ảnh: New Scientist |
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, phương thức hoạt động của Block-I khá đơn giản: Khi phát hiện có UAV đối phương xâm nhập, hệ thống sẽ theo dõi quỹ đạo và chiếu tia laser vào UAV của đối phương trong khoảng 10 đến 20 giây với lượng nhiệt vượt quá 700 độ C làm cháy động cơ hoặc các bo mạch điện tử của UAV, khiến chiếc UAV bị vô hiệu hóa tức thì. Ngay sau đó, Block-I sẽ chuyển sang mục tiêu tiếp theo.
Dĩ nhiên, để có thể tiêu diệt các mục tiêu tầm xa, có tốc độ nhanh và kích cỡ lớn như tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu... Hàn Quốc đang ấp ủ kế hoạch phát triển một vũ khí laser mạnh hơn, tầm xa hơn: Block-II, loại vũ khí laser năng lượng cao, sử dụng công suất đến hàng trăm kilowatt.
Lý giải về điều này, Tạp chí The Conversation phân tích, để đốt cháy vật liệu ở khoảng cách lớn cần hàng chục đến hàng trăm kilowatt năng lượng trong chùm tia laser. Vũ khí laser công suất nhỏ nhất tiêu thụ 10 kilowatt năng lượng, tương đương với năng lượng cần để vận hành một chiếc ô tô điện. Vũ khí laser công suất cao mới nhất đang được phát triển tiêu thụ tới 300 kilowatt năng lượng-đủ để cung cấp cho 30 hộ gia đình. Vũ khí laser năng lượng cao có lượng tỏa nhiệt rất lớn. Đây là điểm hạn chế của loại vũ khí này, bởi nó đòi hỏi hạ tầng tạo ra năng lượng và làm mát rộng rãi. Điều đó có nghĩa là, hệ thống vũ khí laser năng lượng cao phù hợp để lắp đặt trên mặt đất hoặc trên các tàu và máy bay cỡ lớn, chứ khó có thể được trang bị cho xe quân sự hay máy bay chiến đấu do giới hạn không gian.
Tuy là nước đầu tiên triển khai sản xuất vũ khí laser trên diện rộng, song Hàn Quốc lại không phải là quốc gia đi đầu trong phát triển loại vũ khí lợi hại này. Những “ông lớn” khác có thể kể đến là Mỹ, Nga, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Nhật Bản... CNN cho hay, đầu năm nay, Anh tuyên bố đã thử nghiệm thành công DragonFire, loại vũ khí laser có thể bắn trúng đồng xu 1 bảng Anh từ khoảng cách 1km. Mỗi lần bắn DragonFire trong 10 giây có chi phí dưới 13USD với năng lượng tiêu thụ tương đương 1 giờ sử dụng lò sưởi thông thường. Tia laser này có thể cắt xuyên qua kim loại, phá hủy cấu trúc hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng” đối với mục tiêu bị nhắm đến. Tại khu vực Trung Đông, quân đội Mỹ cũng đã triển khai vũ khí laser công suất 50 kilowatt gắn trên xe chiến đấu bộ binh Stryker để bắn hạ UAV, trực thăng và tên lửa của đối phương. Vũ khí laser công suất 60 kilowatt cũng được hải quân Mỹ lắp đặt trên tàu khu trục USS Preble, có khả năng vô hiệu hóa các tàu mặt nước cỡ nhỏ, tên lửa, UAV. Giới thạo tin cũng “đồn đoán” rằng Nga đang phát triển một loại vũ khí laser năng lượng cao trên mặt đất có tác dụng "làm mù" vệ tinh đối thủ.
Dù đã được triển khai rộng rãi như một loại vũ khí trang bị chính thức cho quân đội như ở Hàn Quốc, hay còn đang thận trọng nghe ngóng và triển khai phạm vi hẹp như tại Mỹ, Anh thì vũ khí laser hiện được coi là một yếu tố bước ngoặt có thể làm thay đổi cuộc chơi, thay đổi cán cân sức mạnh trong chiến tranh hiện đại, là “khắc tinh” của các loại UAV tấn công vốn đang “làm mưa làm gió” trong các cuộc xung đột khắp toàn cầu.