Quân sự thế giới hôm nay (16-7): Hàn Quốc xuất khẩu 300-500 xe tăng K2 Black Panther sang Romania?
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:13, 16/07/2024
*Hàn Quốc xuất khẩu 300-500 xe tăng K2 Black Panther sang Romania?
Hãng truyền thông MBC News của Hàn Quốc đưa tin rằng Hàn Quốc đang cân nhắc xuất khẩu một số lượng lớn xe tăng K2 Black Panther sau khi thử nghiệm thành công ở Romania. Sự phát triển này đánh dấu một bước quan trọng trong hợp tác quân sự giữa hai nước, nêu bật tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ quốc phòng Hàn Quốc trên toàn cầu.
K2 Black Panther là xe tăng chiến đấu chủ lực của Hàn Quốc. Ảnh: Army Recognition |
Năm 2022, Bộ Quốc phòng Romania đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Hyundai Rotem, nhà sản xuất xe tăng K2 của Hàn Quốc. Thỏa thuận đã mở ra cho Romania cơ hội mua mẫu xe tăng này nhằm hiện thực những nỗ lực hiện đại hóa quân đội.
Sau hai năm thảo luận và chuẩn bị, Hyundai Rotem đã chuyển giao một chiếc K2 đến Romania vào tháng 3 vừa qua để thử nghiệm bắn đạn thật. Cuộc thử nghiệm này xác định mức độ phù hợp của xe tăng K2 với nhu cầu phòng thủ của Romania và đánh giá khả năng hoạt động của xe trong điều kiện chiến đấu thực tế.
K2 Black Panther là phương tiện chiến đấu tiên tiến do Hàn Quốc thiết kế. Xe được trang bị pháo chính 120mm, súng máy đồng trục 7,62mm và súng máy hạng nặng 12,7mm, cho phép tấn công nhiều loại mục tiêu trên chiến trường. Khả năng bảo vệ của K2 được tăng cường nhờ được trang bị lớp giáp tổng hợp và giáp phản ứng nổ ERA, mang lại khả năng phòng thủ mạnh mẽ trước hỏa lực của nhiều loại đạn và mối đe dọa khác nhau.
K2 được trang bị một loạt các thiết bị tiên tiến, bao gồm hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống bảo vệ chủ động, bảo vệ NBC (vũ khí hủy diệt hàng loạt: Hạt nhân, sinh học, hóa học), hệ thống quan sát ngày/đêm, hệ thống chữa cháy tự động và ống thở dành cho các hoạt động dưới nước, nâng cao tính linh hoạt của phương tiện trên chiến trường. Xe có thể đạt vận tốc tối đa 70km/giờ và phạm vi hoạt động là 450km.
* Tây Ban Nha đặt mua 38 xe chiến thuật bọc thép Vamtac ST5 của Urovesa
Lục quân Tây Ban Nha vừa đặt hàng 38 xe chiến thuật bọc thép Vamtac ST5 mới từ nhà sản xuất xe quân sự Galicia Urovesa. Lô hàng này trị giá 23,6 triệu euro, bao gồm cả thuế.
Urovesa Vamtac ST5 là xe chiến thuật bọc thép đa năng được Quân đội Tây Ban Nha sử dụng từ năm 1998. Ảnh: Urovesa |
Đơn đặt hàng mới này là một phần trong thỏa thuận khung được ký kết giữa Urovesa và Bộ Quốc phòng từ năm 2020, nhằm cung cấp 700 xe Vamtac ST5 với nhiều cấu hình khác nhau trong vòng 4 năm. Những phương tiện này sẽ được trang bị cho lục quân, không quân, thủy quân lục chiến và các đơn vị phòng thủ của Tây Ban Nha.
Urovesa Vamtac ST5 là loại xe bọc thép đa năng được Quân đội Tây Ban Nha sử dụng từ năm 1998. Tính đến nay, Urovesa đã sản xuất ít nhất 4.500 chiếc. Tùy vào từng cấu hình, Vamtac ST5 có chiều dài dao động từ 4,84m đến 5,55m, chiều rộng 2,17m và chiều cao 1,9m. Phương tiện được trang bị động cơ diesel tăng áp Steyr công suất 188 mã lực, cung cấp tải trọng từ 1.500 đến 2.000kg. Hộp số tự động 5 cấp và hệ thống treo độc lập bốn bánh (tay đòn kép với lò xo cuộn) đảm bảo hiệu suất và khả năng cơ động tối ưu trên nhiều địa hình khác nhau. Vamtac ST5 có thể di chuyển với vận tốc tối đa 135km/giờ và phạm vi hoạt động hơn 600km.
* Thái Lan chọn tiêm kích Gripen của Thụy Điển thay vì F-16 của Mỹ
Mới đây, Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) đã quyết định mua máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen từ Thụy Điển thay vì F-16 do Mỹ sản xuất, nhằm thay thế đội máy bay F-16 đã cũ trong vài năm tới.
JAS 39 Gripen là máy bay chiến đấu đa năng do Saab sản xuất, được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ trên không khác nhau. Ảnh: US DoD |
JAS 39 Gripen là máy bay chiến đấu đa năng do công ty Thụy Điển Saab sản xuất, được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ trên không khác nhau. Tiêm kích này nổi tiếng với tính linh hoạt, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và khả năng chiến đấu vượt trội trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau, từ không chiến đến tấn công chính xác. Thiết kế của máy bay ưu tiên khả năng cơ động, khả năng sống sót và khả năng hoạt động ở các đường băng ngắn và tạm thời.
JAS 39 Gripen thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12-1988 và được đưa vào sản xuất và sử dụng từ năm 1996. Máy bay có nhiều phiên bản khác nhau, với cấu hình một (C và E) hoặc hai chỗ ngồi (D và F).
Gripen được trang bị động cơ phản lực cánh quạt với bộ đốt sau (afterburner) Volvo RM12. Các phiên bản E và F gần đây được trang bị động cơ General Electric F414, cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa 2.125 km/giờ. Gripen E/F có trần bay 15.800m và tầm hoạt động 1.300km.
Về kích thước, Gripen E/F có sải cánh rộng 8,6m, chiều dài 15,9m đối với phiên bản F và cao 4,5m. Trọng lượng rỗng của máy bay vào khoảng 6.990kg, trọng lượng cất cánh tối đa là 16.500kg.
Vũ khí được trang bị trên Gripen gồm súng Mauser BK27 cỡ nòng 27mm với 120 viên đạn. Ngoài ra, máy bay còn có thể mang tới 5.300kg đạn dược trên 8 giá treo dưới cánh và 2 giá treo tên lửa ở đầu cánh. Đặc biệt, Gripen còn có thể phóng các tên lửa chống hạm như RBS-15 và mang theo nhiều loại bom khác nhau, bao gồm cả bom dẫn đường bằng laser.
Với hệ thống vũ khí đa dạng, Gripen có thể tấn công mục tiêu tầm xa và thực hiện đa dạng các nhiệm vụ. Hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến của máy bay cũng cung cấp khả năng bảo vệ đáng kể trước các hệ thống radar và tên lửa của đối phương, giúp nâng cao khả năng sống sót.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)