Lời kể nữ hành khách thoát chết do say xe và ngày sinh nhật định mệnh
Nhịp sống - Ngày đăng : 13:46, 15/07/2024
Sinh nhật định mệnh
Hai ngày sau vụ sạt lở ở xã Yên Định (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) khiến 11 người tử vong, chị Nguyễn Ngọc Duy (31 tuổi) - hành khách - vẫn chưa hết bàng hoàng.
Chị Duy làm việc về kỹ thuật âm thanh - ánh sáng, thường di chuyển giữa Hà Nội và Hà Giang.
Đêm 12/7, hơi ngà ngà say sau bữa tiệc sinh nhật sớm cùng bạn bè, chị bắt xe khách giường nằm từ bến xe Mỹ Đình về nhà ở huyện Bắc Mê. Người phụ nữ nằm ở ghế cuối, ngủ một mạch đến bến xe Hà Giang lúc 4h ngày 13/7.
Chị gọi điện cho mẹ, thông báo lên ô tô 16 chỗ của nhà xe Hòa Bình. Vừa đặt chân lên xe, chị cảm thấy say xe khác với mọi lần, bụng đau dữ dội.
Trời mưa lớn, ô tô 16 chỗ chật kín khách, gồm cả người lớn và trẻ em, lao đi trên quốc lộ 34 hướng Bắc Mê (Hà Giang) - Bảo Lâm (Cao Bằng).
Nữ hành khách không nói chuyện với ai, chỉ nghe bên cạnh có tiếng bé trai trong khi người mẹ liên tục dỗ dành: "Sắp được gặp bà ngoại", rồi cho bé ăn bánh. Một phụ nữ lớn tuổi khác liên tục nói chuyện với các hành khách và tài xế.
Hơi mệt, chị Duy nhắm chặt mắt, cố gắng quên đi cơn say xe. Nhưng khi ô tô đến đầu làng Bản Tùy (xã Ngọc Đường) cách thành phố Hà Giang khoảng 5km, mặt mày tái mét, bụng cồn cào, chị xin xuống xe.
Tài xế hé cửa bảo "xuống nhanh", chị Duy vội bước xuống, thì xe vội lao đi trong cơn mưa. Khi đó, trời bên ngoài vẫn tối đen.
Xuống xe, chị Duy ngồi nghỉ bên đường rồi đi vệ sinh, thấy một ô tô con hướng từ TP Hà Giang. Chị tính vẫy chiếc xe này để đuổi theo xe khách lúc nãy, nhưng hai chân tê cứng, không thể đứng lên, bụng vẫn còn quằn quại.
Chị quyết định gọi điện nhờ bạn đi xe máy từ bến xe Hà Giang lên đón. Chị quay lại bến xe, nhảy lên một chiếc giường nằm để xuống Hà Nội, ngủ thiếp đi vì mệt và say xe.
9h30 ngày 13/7, xe giường nằm đến trạm dừng chân. Chị Duy tỉnh dậy, thấy nhiều cuộc gọi nhỡ, có cả những số lạ. Màn hình điện thoại hiển thị số mẹ gọi rất nhiều lần, chị Duy vội gọi lại.
Câu đầu tiên mẹ hỏi chị: "Con đang ở trên xe hay ở đâu?".
"Con đang trên xe" - nghe thế, tưởng con gái đang trên xe Hòa Bình, người mẹ gào lên bất lực: "Bây giờ thế nào? Có chui ra được không hay đập cửa kính, bên ngoài đang sạt lở".
Chị Duy vội đáp: "Con đang trên xe đi Hà Nội".
Người mẹ như trút được toàn bộ gánh nặng, òa khóc, nói chiếc xe chị lên lúc sáng gặp nạn, nhiều người tử vong. Hai mẹ con cứ thế khóc qua điện thoại, chị Duy sau đó đọc báo mới biết bản thân đã thoát chết trong gang tấc.
Ngay lập tức, chị lên mạng xã hội đăng bài thông báo với mọi người rằng bản thân đã an toàn. Một lúc sau, do nhiều người gọi điện, điện thoại của chị hết pin, mất liên lạc với mọi người.
Thấy chị Duy khóc, các hành khách trên xe Hà Giang - Hà Nội liên tục hỏi thăm, chị mới kể từng ngồi trên ô tô 16 chỗ gặp nạn, nhưng xuống xe từ trước.
"13/7 là ngày sinh nhật định mệnh của tôi", chị Duy nghẹn ngào.
"Tôi vẫn sợ hãi"
"Đến bây giờ tôi vẫn sợ hãi", chị Duy vẫn khóc nhiều, tâm lý không ổn định sau biến cố.
Chị dự định về lại Hà Giang ngay trong ngày 13/7 nhưng tuyến đường hư hỏng nghiêm trọng. Đến 12h cùng ngày, lực lượng chức năng mới dọn dẹp xong khu vực bị sạt lở, chính thức thông tuyến đường Quốc lộ 34, đoạn qua xã Yên Định.
Sáng 15/7, chị Duy bắt xe khách về nhà, dự định đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang thăm hỏi các hành khách gặp nạn điều trị tại đây. Trước đó, chị đã nhờ người thân viếng các nạn nhân xấu số.
"Đó là lần đầu, cũng là lần cuối tôi gặp các nạn nhân, chưa từng nói chuyện với ai. Cũng chưa bao giờ, tôi lên một chuyến xe mà trong lòng mơ hồ như thế", chị Duy nhớ lại.
Ông Trần Mạnh Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, cho biết chị Duy (người trước đó chưa xác định được danh tính) đi trên xe khách 16 chỗ bị đất vùi lấp đã may mắn thoát nạn.
Vị khách này đi trên xe khách nhưng đã xuống xe trước khi đến điểm sạt lở, rồi quay lại TP Hà Giang. Do đó, vụ sạt lở đất ghi nhận 11 người tử vong và 4 người bị thương.
Do những ngày tới thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đề nghị các ngành, địa phương nâng cao cảnh giác, thường xuyên ứng trực, theo dõi thời tiết, khí hậu, có cảnh báo tại các nơi có nguy cơ sạt lở; tổ chức huy động lực lượng sẵn sàng ứng phó kịp thời.