Du khách đến Phan Thiết nhất định phải ăn bánh căn
Ẩm thực - Ngày đăng : 10:30, 12/07/2024
Bánh căn nướng tại Phan Thiết.
Những ngày hè, du khách TP.HCM và các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ thường đưa trẻ em đi Phan Thiết (Bình Thuận) vui chơi, tắm biển, ăn các loại hải sản, đặc sản của vùng đất này. Sau khi vui chơi ở Phan Thiết, du khách có thể lên đèo Đại Ninh để đến xứ sở ngàn hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) rồi vượt đèo Khánh Lê đến với phố biển Nha Trang (Khánh Hòa).
Những cặp bánh căn được nướng từ bột gạo trên chiếc khuôn đất tại quán ăn trên đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Phan Thiết. Ảnh: Duy Khang.
Như vậy, Đà Lạt cũng có thể là điểm cuối khi khách chọn xuống biển trước rồi lên đèo sau qua cung đường cụ thể là Nha Trang – Phan Thiết – Đà Lạt hoặc Phan Thiết – Nha Trang – Đà Lạt. Trong những hành trình này, nhiều du khách chọn ăn món đặc sản khi đặt chân đến Phan Thiết, đó là bánh căn. Loại bánh nướng từ bột gạo này từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là một trong 50 món ăn đặc sản nổi tiếng của đất nước hình chữ S vào năm 2014.
Tại thành phố biển Phan Thiết có rất nhiều quán bánh căn, hương vị và cách làm bánh được du khách so sánh là “một chín một mười”. Tuy nhiên, quán bánh căn Lân Nguyệt trên đường Hải Thượng Lãn Ông được du khách check-in nhiều vì đường đi thuận lợi, có chỗ đậu ôtô dọc theo 2 bên đường.
Theo kinh nghiệm của phóng viên Tạp chí Du lịch TP.HCM, nếu du khách đi cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết nên chọn lối ra quốc lộ 28 rồi vào thị trấn Ma Lâm của huyện Hàm Thuận Bắc. Từ đây, ôtô chạy thẳng vào hướng quốc lộ 1 khoảng 15 km. Tại ngã tư quốc lộ 1 với quốc lộ 28, du khách chỉ cần di chuyển hơn 1 km là đến đường Hải Thượng Lãn Ông của TP Phan Thiết để thưởng thức bánh căn. Tương tự, nếu du khách đi trên quốc lộ 1, khi đến ngã tư giáp quốc lộ 28 thì di chuyển tiếp vào trung tâm TP Phan Thiết để vào đường Hải Thượng Lãn Ông.Phần bánh căn đầy đủ sẽ có thêm tô nước chấm có xíu mại, da heo và trứng, ăn kèm xoài sống, cá nục kho. Ảnh: Duy Khang.
Những ngày cuối tuần hoặc giờ cao điểm, quán bánh căn Lân Nguyệt không còn chỗ ngồi, du khách phải kê bàn ghế ngồi tạm tại lối nhỏ ra nhà sau. Dù không gian chật hẹp nhưng những vị khách chọn ăn bánh căn đều vui vẻ thưởng thức loại bột gạo nướng được úp lại thành từng cặp.
Theo chủ quán và những người cao tuổi tại Bình Thuận thì đến nay vẫn chưa ai xác định được nguồn gốc của bánh căn. Dụng cụ làm bánh căn là sự kết hợp giữa bàn tay tinh hoa của người Chăm tạo nên những chiếc khuôn đất nhỏ xinh, còn lò và giá để khuôn lại được người Việt chế tác. Những vật dụng này tạo nên dụng cụ đặc trưng của vùng đất Bình Thuận và gắn liền với từng cặp bánh căn.
Điểm độc đáo của món ăn này là cách chế biến bánh căn. Du khách gọi bánh căn là “bột gạo nướng” vì không có dầu, mỡ như bánh khọt của người miền Nam. Trong đó, gạo phải được lựa chọn, sau đó được xay và ủ theo công thức đặc biệt của người dân bản địa để khi đổ bột vào khuôn trên lò than đỏ hừng hực sẽ cho ra những chiếc bánh xốp, thơm, giòn.Nhìn con cá nục kho không đầu nhưng sau khi ăn du khách sẽ phát hiện phần đầu được làm sạch "giấu" trong bụng cá. Ảnh: Duy Khang.
Những chiếc bánh căn sau khi được lấy ra khỏi khuôn sẽ được người nướng “thẩy” vào rổ chứa đầu hành lá. Hành lá sẽ dính vào mặt trên của chiếc bánh căn và 2 chiếc bánh như vậy được úp vào nhau tạo thành một cặp. Mỗi phần ăn gồm 5 cặp bánh đặt trên dĩa, cạnh bên là tô nước chấm gồm nước cá kho (cá nục, cá trích), nước mắm ớt hoặc mắm nêm.
Bánh căn sau đó được thả hẳn vào tô nước chấm để ăn kèm cùng một viên xíu mại, da heo, xoài sống bào sợi, một quả trứng luộc. Tùy theo sở thích của mà du khách còn gọi thêm một con cá nục kho thơm lừng với giá từ 40.000 – 45.000 đồng/con để ăn kèm với bánh căn.
“Mọi người thấy con cá nục kho không có đầu. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của chủ quán, đầu cá nục được “giấu” vào bụng cá và kho cho đến khi xương mềm gục, ăn rất mềm và béo”, một du khách đến từ TP.HCM chia sẻ.