Niềm hạnh phúc của cụ ông 93 tuổi trong căn nhà siêu nhỏ hình tam giác ở TPHCM
Gia đình - Ngày đăng : 08:47, 12/07/2024
Mưu sinh ở tuổi 93
Trong căn nhà có mặt tiền rộng khoảng 2,2m, ông Tam Tương (93 tuổi, quận 3, TPHCM) tóc bạc phơ lẩn khuất sau vô số đồ đạc, hàng hóa cũ, phủ bụi. Cụ ngồi trên chiếc giường vốn là miếng nhựa cũ đặt giữa nhà.
Cụ nhìn ra đường, chờ đợi khách vãng lai đến mua vài mảnh giấy gói quà, cây chổi quét nhà, dăm ba quyển vở học sinh, chút ít văn phòng phẩm… Từ rất lâu, căn nhà bé tẹo của cụ được biết đến như một trong những cửa hàng bán đủ vật dụng có diện tích nhỏ hẹp nhất thành phố.
Cụ Tam Tương vốn là người miền Trung. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, đúng lúc đất nước trải qua chiến tranh, cụ có tuổi thơ cơ cực. Ngày ấy, những bữa ăn của cụ thường chỉ có khoai, sắn độn cơm.
Đến bây giờ, cụ Tương vẫn nhớ mãi cảnh ngày bố mẹ xuống hầm tránh bom, đêm đốt đuốc ra đồng cày cấy. Làm ruộng không đủ sống, cha mẹ cụ đưa cả gia đình Nam tiến tìm kế sinh nhai.
Nơi đất khách, cụ Tương dù chỉ 9-10 tuổi đã phải làm đủ thứ nghề kiếm sống, phụ giúp gia đình. Sau cùng, cụ học được nghề sửa xe. Ra nghề, có việc làm cụ dành dụm tiền cưới vợ, sinh con.
Sau năm 1975, cụ mua căn nhà ở mặt tiền đường Lê Văn Sỹ. Tiền ít, cụ chỉ được mua căn nhà bé xíu, méo mó. Mặt tiền rộng khoảng 2,2m, nhỏ dần về phía sau khiến căn nhà có hình thù như hình tam giác.
Trong ngôi nhà chật hẹp, vợ chồng cụ Tương trải qua những tháng ngày bình dị, lần lượt đón 2 người con. Sau này, khi không còn đủ duyên theo nghề sửa xe, cụ chuyển sang kinh doanh vật dụng gia đình, văn phòng phẩm.
Công việc vừa sức, có thu nhập ổn định, cuộc sống của cụ đỡ cực nhọc hơn. Rồi con cái cụ trưởng thành, có gia đình, ra ở riêng. Căn nhà nhỏ chất đầy hàng hóa chỉ còn vợ chồng cụ gắn bó.
Cụ Tương chia sẻ: “Nhưng rồi bà ấy vẫn đi trước tôi. Tôi nhớ không nhầm thì bà ấy đi đã được 14-15 năm rồi. Từ đó, tôi một mình lủi thủi trong nhà. Ban đầu cũng thấy trống vắng lắm nhưng giờ tôi quen rồi.
Ngày trước, tôi còn leo lên gác ngủ. Bây giờ tôi ngủ dưới này luôn, phần vì không còn đủ sức trèo cầu thang, phần vì phải canh trộm. Nhà tôi cửa nẻo không chắc, thường xuyên bị kẻ xấu thọc móc sắt vào lôi đồ đem đi”.
Chứng kiến cảnh cụ Tương ngày ngày bán hàng mưu sinh ở tuổi 93, ai cũng bất ngờ, khó hiểu. Tuy nhiên, khi nhắc đến chuyện này, ông cụ chỉ cười xòa rồi nói đó là niềm hạnh phúc của mình.
“Không có gì khó hiểu hay kỳ lạ cả. Tôi thích lao động. Tôi thấy mình còn làm việc được ở tuổi này là niềm hạnh phúc lớn, đáng tự hào. Bởi, ở tuổi này, nhiều người đã trở về với cát bụi rồi”, ông cụ nói.
Mưu sinh ở tuổi 93, cụ Tương gặp nhiều khó khăn. Ngoài sức khỏe không đủ tốt, công việc kinh doanh của cụ cũng chững lại so với những năm trước. Hiện, mỗi ngày cụ chỉ bán được vài món đồ lặt vặt.
Có mặt hàng cụ chỉ lời đôi ba đồng, có món thu hồi vốn. Thậm chí không ít mặt hàng cụ chấp nhận lỗ vốn vì hàng đã cũ, tồn kho lâu ngày. Thế nên nếu may mắn, thu nhập của cụ cũng chỉ đôi ba trăm nghìn đồng/ngày.
Còn sức là còn lao động
Dẫu vậy, cụ vẫn vui vẻ, không muộn phiền. Ngay cả khi đối mặt với nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng tuổi tác, sức khỏe để mua hàng không đúng giá, cụ vẫn không bận tâm.
Cụ chia sẻ: “Mặt nước phẳng lặng là thế mà còn có khi rung động huống chi là cuộc đời. Mình không thể tránh được những chuyện không mong muốn.
Nhưng tôi quan niệm mình không hại ai, không phiền ai thì sẽ không ai hại mình, phiền mình. Hàng ngày tôi vẫn mở cửa tiệm bán hàng rồi cứ nằm, ngồi trong nhà.
Tôi chỉ để chiếc xe đạp cũ chắn ngang cửa để phòng hờ người xa lạ, có ý xấu đến lấy trộm đồ thôi. Còn ai biết đến tôi rồi đều không nỡ lấy”.
Buôn bán khó khăn, nhiều hôm cụ Tương mở cửa đến tận đêm khuya. Sáng sớm, khi phố phường vẫn im lìm trong ánh đèn đường, cụ đã thức dậy kéo cửa, bày các mặt hàng ra bán.
Cảnh cụ ông tóc bạc, chân đi khập khiễng lủi thủi trong căn nhà bé xíu, chật kín những mặt hàng vụn vặt khiến nhiều người chạnh lòng. Không ít người thương cảm, đem quà, thực phẩm đến tặng cụ.
Nhận quà của người tử tế, ông cụ cảm động nhưng cho biết bản thân không cảm thấy cô đơn hay tủi phận. Bởi, cụ vẫn được 2 người con thăm nom, chăm sóc thường xuyên.
Cụ nhất quyết sống một mình và cố gắng bươn chải, mưu sinh ở tuổi 93 là do ý thích bản thân và không muốn trở thành gánh nặng, làm phiền con cháu.
Cụ Tương giải thích: “Hàng ngày, các con vẫn nấu cơm, cháo bưng đến tận nơi cho tôi. Tôi không đến ở với ai vì quen sống tự do, không thích gò bó.
Hơn thế, các con đã có gia đình riêng. Chúng còn phải chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Tôi còn có thể lao động nên không muốn trở thành gánh nặng, làm phiền con cháu.
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc “nghỉ hưu”, còn sức thì còn làm. Chừng nào nhắm mắt xuôi tay, tôi mới không làm việc nữa. Tôi luôn nghĩ rằng đồng tiền tự mình kiếm ra mới đáng quý”.
Cũng vì thích sống tự do, không muốn bị gò bó, cụ Tương không cho thuê căn nhà của mình để có thêm thu nhập. Ông cụ cũng không bao giờ có ý định bán căn nhà để có tiền dưỡng già.
Với cụ, căn nhà tuy chật chội nhưng từng là nơi sinh sống của vợ chồng và hai con của mình. Hơn thế, căn nhà còn là kỷ vật mà vợ chồng ông một đời vất vả mưu sinh để tạo dựng.
“Dù còn nhiều khó khăn nhưng ở tuổi này, tiền bạc không còn nhiều ý nghĩa với tôi nữa. Bởi, tôi không có mong mỏi gì nhiều cho bản thân. Mong ước lớn nhất của tôi lúc này là các con và cháu nội, cháu ngoại sống yên vui, hạnh phúc”, cụ tâm sự.