Ông Nguyễn Quang Tuấn: Cái lõi của mình là bác sĩ và thầy giáo thì không thể buông bỏ
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 20:00, 11/07/2024
Căn phòng làm việc của GS Nguyễn Quang Tuấn nằm gọn trên tầng 4 thuộc khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Hữu nghị. Không còn phòng to, rộng như thời còn làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội hay Bệnh viện Bạch Mai nhưng ở đó GS Tuấn được làm nghề. Chính vì yêu nghề, nhớ nghề, vì người bệnh nên GS Tuấn là bác sĩ thực hành sau 30 năm hành nghề vẫn quay lại làm bác sĩ thực hành. Đây chưa từng có tiền lệ.
GS Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ, ở hoàn cảnh của ông nhiều người sẽ chọn con đường khác nhưng được tiếp xúc với người bệnh, điều trị cho bệnh nhân là ước mơ của tất cả bác sĩ, trong đó có GS Tuấn.
Sau 3 năm không được mặc chiếc áo blouse quen thuộc, giờ đây mỗi sáng GS Tuấn lại đi buồng bệnh thăm tình trạng các bệnh nhân cùng các bác sĩ.
“Vì chưa có chứng chỉ hành nghề nên tôi chỉ quan sát người bệnh chứ không được thăm khám bệnh nhân. Tôi chưa cầm dao mổ trở lại, bởi mổ hay ký đơn thuốc bệnh án là sau khi có giấy phép hành nghề mới được thực hiện. Tôi cũng tư vấn cho các em xử lý, can thiệp làm sao có chiến lược điều trị tốt nhất cho người bệnh. Công việc chính của tôi là tư vấn cho các đồng nghiệp những ca bệnh nặng bằng kinh nghiệm nhiều năm hành nghề trước đây của mình. Theo quy định, bác sĩ thực hành phải có đủ 12 tháng làm việc ở một bệnh viện chuyên khoa hoặc đa khoa ở tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương”, GS Tuấn chia sẻ.
Công việc của GS Tuấn tập trung chủ yếu vào buổi sáng, buổi chiều ông có thể tự giải quyết những việc khác.
Điều ông vui nhất là có nhiều bệnh nhân nghe tin ông thực hành tại Bệnh viện Hữu nghị đã tìm đến. Ông không giấu được niềm vui khi được gặp bệnh nhân. Giờ đây, mỗi ngày trở lại với công việc là niềm vui.
Ông cũng chia sẻ về ca bệnh đầu tiên ông tiếp xúc sau 3 năm là một bệnh nhân cũ, 86 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội. Bà bị bệnh tim mạch, 20 năm trước tôi đã đặt stent cho bà ở Bệnh viện Bạch Mai.
GS Nguyễn Quang Tuấn cũng trải lòng về 3 năm qua. Đó là quãng thời gian đáng nhớ nhưng tất cả đã qua. Lúc đó, ông nhớ nghề, nhớ bệnh nhân. Ông đã viết một bộ sách mới lấy tên Minh triết trong lối sống - Bí quyết phòng ngừa bệnh không lây nhiễm. Ngay những tháng ngày thi hành án, khi có những bệnh nhân cần được hỗ trợ y tế, cần các chuyên gia giàu kinh nghiệm hỗ trợ. Bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình, ông đã tư vấn cho các bác sĩ, hỗ trợ khám bệnh cho các bệnh nhân và các cán bộ trong tù.
"Trải qua chuyện này rồi, quan trọng là buông bỏ. Nhưng buông bỏ hào quang bên ngoài, còn cái lõi của mình là bác sĩ và thầy giáo thì không thể buông bỏ. Tôi luôn ước mong sớm trở lại với công việc, khi nào còn sức sẽ vẫn tiếp tục làm", GS Nguyễn Quang Tuấn nói.
Giờ đây, khi được quay lại với công việc ông sẽ tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức, chữa bệnh cho người. GS Tuấn dự tính trong tương lai có thể sẽ xin vào một trường đại học nào đó để làm công tác giảng dạy.
GS Tuấn, 57 tuổi, là chuyên gia đầu ngành tim mạch. Ông có nhiều năm làm giảng viên bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội; bác sĩ Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, trước khi làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội từ năm 2012 đến tháng 3.2020. Tháng 3.2020, ông làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho đến khi bị bắt vào năm sau.Ông cho biết, ngã ở đâu sẽ đứng lên mạnh mẽ ở đó.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về "thổi giá" thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội - nơi trước đó ông Tuấn cũng làm Giám đốc.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và 11 người khác trong vụ nâng giá vật tư y tế đã gây thiệt hại hơn 53 tỉ đồng.Ông Nguyễn Quang Tuấn bị tuyên phạt mức án 3 năm tù và không bị cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành bản án.