Microsoft và Apple rút khỏi hội đồng quản trị OpenAI

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:26, 11/07/2024

Cả hai công ty Microsoft và Apple đều được cho là đã rút khỏi ban quản trị OpenAI trước sức ép chống độc quyền từ phía các cơ quan chức năng châu Âu.

Theo tờ Financial Times, Microsoft đã rút khỏi ban giám đốc OpenAI chỉ một vài tuần sau khi Ủy ban châu Âu (EC) tiết lộ đang tiến hành xem xét các điều khoản trong hợp đồng đối tác giữa hai công ty. Trước đó, tập đoàn này giữ vị trí quan sát viên không biểu quyết sau “cuộc đảo chính” Sam Altman bất thành. Trong thư gửi tới startup sở hữu chatbot ChatGPT, gã khổng lồ phần mềm thông báo quyết định rút lui có hiệu lực “ngay lập tức”.

v4l7qhx2zzinrnna2fq56yfcfm.jpg
Microsoft là nhà đầu tư lớn vào OpenAI. Ảnh: FT

Trong khi đó, Apple đã được trao một vị trí quan sát viên trong hội đồng sau khi thông báo sẽ tích hợp ChatGPT lên các thiết bị của hãng. The Times cho hay điều này sẽ không còn xảy ra. Cách tiếp cận mới của OpenAI là duy trì các cuộc gặp thường kỳ với đối tác chủ chốt, trong đó có hai công ty nêu trên. Microsoft nói trong bức thư rằng họ tin tưởng vào đường hướng mà OpenAI đang thực hiện, do đó một vị trí trong ban giám đốc không còn cần thiết.

Microsoft đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào OpenAI vào năm 2019. Kể từ đó đến nay, công ty đã rót thêm nhiều tiền vào công ty AI này, ước tính lên tới 13 tỷ USD.

Năm ngoái, EC bắt đầu điều tra mối quan hệ đối tác của hai bên và kết luận Microsoft không có ảnh hưởng tại startup “hot” nhất lĩnh vực AI. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa sẽ giúp dỡ bỏ toàn bộ cuộc điều tra.

Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành uỷ ban phụ trách chính sách cạnh tranh tháng trước cho hay, cơ quan chức năng châu Âu đã yêu cầu Microsoft cung cấp thêm thông tin liên quan thoả thuận để đánh giá liệu các “điều khoản độc quyền nhất định có ảnh hưởng tiêu cực với cạnh tranh” hay không.

Thoả thuận giữa Microsoft và OpenAI là một phần của cuộc điều tra chống độc quyền lớn hơn đang diễn ra, có sự liên quan tới nhiều gã khổng lồ công nghệ khác như Meta, Google và TikTok.

(Theo FT, The Times)