Quân sự thế giới hôm nay (11-7): Nga nâng cấp Su-30SM2 nhằm đối phó hệ thống tên lửa Patriot
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:11, 11/07/2024
*Nga nâng cấp máy bay chiến đấu Su-30SM2 để đối phó với hệ thống tên lửa Patriot
Theo Army Recognition, Nga đã thực hiện nhiều cải tiến đáng kể để nâng cấp máy bay chiến đấu Su-30SM2, như tăng cường hệ thống radar và trang bị thêm nhiều vũ khí hiện đại nhằm đối phó với các hệ thống phòng không tiên tiến như Patriot một cách hiệu quả hơn.
Su-30SM2 là phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu Su-30, được cải tiến và tích hợp các công nghệ từ Su-35 nhằm đối phó với các hệ thống phòng không tiên tiến như Patriot. Ảnh: Vitaly Kuzmin |
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kênh truyền hình quân sự Nga Zvezda TV, Oleg Pankov, nhà thiết kế chính của chương trình phát triển Su-30, đã tiết lộ Su-30SM2 hiện có phạm vi phát hiện mục tiêu gần gấp đôi so với phiên bản tiền nhiệm Su-30SM, đối với cả mục tiêu trên không và mặt đất. Sự cải tiến này có được là nhờ việc tích hợp hệ thống radar mới và bộ vũ khí tầm xa tiên tiến từ kho vũ khí của Nga, khiến máy bay trở thành đối thủ đáng gờm trong chiến tranh hiện đại, đối phó hiệu quả với những hệ thống phòng không hiện đại như Patriot.
Su-30SM2 là phiên bản cải tiến của máy bay chiến đấu Su-30, được nâng cấp và tích hợp các công nghệ từ Su-35. Tiêm kích này được đưa vào sử dụng trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vào năm 2022. Quân đội Nga có kế hoạch nâng cấp khoảng 110 máy bay Su-30SM hiện có lên tiêu chuẩn SM2 vào năm 2027.
Ngoài phạm vi phát hiện mục tiêu mở rộng và vũ khí hiện đại, Su-30SM2 còn được trang bị động cơ AL-41F1S mạnh mẽ. Động cơ này cũng được sử dụng trên Su-35, mang lại lực đẩy tăng đáng kể và tuổi thọ dài hơn, do đó cải thiện hiệu suất tổng thể của máy bay.
Su-30SM2 có thể mang nhiều loại vũ khí có độ chính xác cao cho cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất, bao gồm tên lửa Kh-59MK2 và bom lượn KAB-250. Quá trình hiện đại hóa này phản ánh những nỗ lực không ngừng của Nga nhằm tăng cường khả năng tác chiến trên không, đáp ứng những tiến bộ công nghệ và nhu cầu hoạt động hiện đại.
Đáng chú ý, kênh Zvezda cũng phát sóng một đoạn video cho thấy Su-30SM2 có thể mang theo bom xuyên bê tông, hay còn gọi là bom phá boongke. Loại bom này có thể xuyên thủng các mục tiêu kiên cố như boongke ngầm hoặc cơ sở hạ tầng có cấu trúc bê tông cốt thép trước khi phát nổ, thông qua sự kết hợp giữa vật liệu tiên tiến, kỹ thuật và cơ chế kết dính chậm. Vỏ bom thường được làm từ thép cường độ cao hoặc các vật liệu bền khác có thể chịu được tác động ban đầu với mặt đất hoặc bê tông.
* Tên lửa hành trình CAKIR được đưa vào sản xuất hàng loạt
Mới đây, tên lửa hành trình CAKIR do công ty Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển bắt đầu được đưa vào sản xuất hàng loạt, đánh dấu một bước tiến mới trong ngành công nghiệp quốc phòng nước này.
Tên lửa hành trình Cakir của công ty Thổ Nhĩ Kỳ Roketsan có thể được phóng từ nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả UAV Baykar Akinci. Ảnh: Roketsan |
CAKIR là tên lửa hành trình có thiết kế nhỏ gọn và tối ưu. Tên lửa có tổng trọng lượng 270kg, dài 3,3m và có đường kính thân chỉ 27cm. Được trang bị động cơ phản lực KTJ-1750 do Kale Arge phát triển, tên lửa có thể tiếp cận các mục tiêu trong phạm vi hơn 150km với vận tốc hành trình cận âm, tương đương khoảng 927-1.050km/giờ. Tên lửa tương thích với các loại đầu đạn phân mảnh, nhiệt áp hoặc xuyên giáp. Nhờ được tích hợp hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GNSS và hệ thống dẫn đường quán tính, CAKIR có thể đi đúng quỹ đạo ngay cả trong môi trường bị gây nhiễu điện tử.
Tên lửa này có thể được phóng từ nhiều nền tảng khác nhau của lực lượng hải, lục, không quân, trong đó có cả máy bay không người lái (UAV), mang lại tính linh hoạt trong hoạt động tác chiến.
Một trong những tính năng đáng chú ý nhất của CAKIR là thân tên lửa được làm từ vật liệu hấp thụ sóng radar, khiến nó khó bị phát hiện. Tên lửa cũng được tích hợp hệ thống hướng dẫn có thể nhận dữ liệu bổ sung trong hành trình bay, đảm bảo hiệu suất vượt trội trong điều kiện thời tiết bất lợi. Sử dụng liên kết dữ liệu hai chiều nên tên lửa cũng có thể cập nhật, tấn công, thay đổi mục tiêu và hủy bỏ nhiệm vụ theo lệnh của người điều khiển.
* Ba Lan mua 58 xe bọc thép Rosomak 8x8
Nhà thầu quốc phòng Huta Stalowa Wola SA, Polish Armaments Group, Rosomak S.A. và WB Electronics S.A. đã ký hợp đồng với Ba Lan nhằm cung cấp 58 xe bọc thép Rosomak 8x8 được tích hợp tháp pháo điều khiển từ xa ZSSW-30.
Xe bọc thép Rosomak với hệ thống tháp pháo ZSSW-30 trong cuộc diễn tập FEX 24. Ảnh: Polish Army |
Hợp đồng trị giá khoảng 2,6 tỷ PLN (610 triệu euro) bao gồm việc cung cấp phụ tùng thay thế, dự kiến giao hàng từ năm 2026 đến 2027.
Trước đó vào tháng 7-2022, các công ty này cũng đã ký hợp đồng sản xuất và cung cấp 70 hệ thống tháp pháo cho xe bọc thép Rosomak 8×8. Việc chuyển giao hệ thống vũ khí này cho Lực lượng vũ trang Ba Lan đang diễn ra và dự kiến hoàn thành trong năm 2027.
Rosomak 8x8, còn được gọi là KTO Rosomak, là xe bọc thép chở quân bánh lốp do Ba Lan sản xuất từ năm 2004 và được đưa vào sử dụng trong Lực lượng vũ trang Ba Lan vào năm 2005. Tính đến nay, hơn 800 chiếc Rosomak đã được chuyển giao, nổi bật với tính linh hoạt trong nhiều cấu hình khác nhau, bao gồm vận chuyển quân, sơ tán y tế và trinh sát.
ZSSW-30 là hệ thống tháp pháo điều khiển từ xa, được phát triển và sản xuất trong nước đầu tiên của Ba Lan, trang bị pháo 30mm và tên lửa dẫn đường chống tăng SPIKE-LR. Vũ khí chính của tháp pháo là pháo tự động Bushmaster, có thể chuyển đổi nhanh chóng giữa các loại đạn và sử dụng đạn được lập trình. Bên cạnh đó, ZSSW-30 còn được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, bao gồm chức năng "tìm-diệt" (Hunter-killer) và có khả năng thích ứng với nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả xe chiến đấu bộ binh Borsuk.
QUỲNH OANH (tổng hợp)