Bệnh bạch hầu là gì? Lây truyền thế nào? Làm sao để phòng tránh?

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:18, 08/07/2024

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang cho biết địa phương này vừa phát hiện một trường hợp dương tính với bạch hầu, loại bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch.

Bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi; đặc biệt, trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

bachhau-1695044725062_11zon.jpeg
Hình thái bệnh bạch hầu. Ảnh: internet

Vi khuẩn bạch hầu trú ngụ ở các giả mạc tiết ra ngoại độc tố khiến người bệnh bị suy hô hấp và tuần hoàn, liệt màn khẩu cái làm giọng nói bị thay đổi, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn; trường hợp nặng người bệnh rơi vào hôn mê và tử vong. Một số trường hợp gây biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.

Vi khuẩn bạch hầu rất dễ lây lan. Chúng lây theo đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho… giọt bắn có chứa vi khuẩn hòa vào không khí, người khỏe mạnh hít phải, nếu cơ thể chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu sẽ mắc bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc với các vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 2 – 5 ngày hoặc hơn kể từ khi nhiễm.

bach-hau-nghe-an-2251.jpg
Cán bộ CDC Nghệ An vào điều tra, xác minh các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đã tử vong do mắc bạch hầu ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: VNN

Hippocrates– ông tổ của ngành y học phương Tây – miêu tả bệnh bạch hầu lần đầu tiên vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Một số tài liệu cũng nhắc đến sự hoành hành của bệnh bạch hầu ở Ai Cập cổ đại và Syria. Các nhà khoa học đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh vào khoảng năm 1883-1884, và kháng độc tố được nghiên cứu thành công vào cuối thế kỷ XIX.

Lây truyền thế nào?

Trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B, là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Thực tế, ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%.

Theo Bộ Y tế, vi khuẩn gây ra bệnh bạch hầu thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh, kháng độc tố bạch hầu và có thể phòng bệnh bằng vắc xin.

img-0392-6899.jpeg_11zon.jpeg
Lấy mẫu xét nghiệm bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa

ThS. Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC: “Tại Việt Nam, từ năm 1984, vắc xin chứa thành phần bạch hầu đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng với 3 liều cơ bản cho trẻ em dưới 1 tuổi.

Năm 2011, thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam cũng đã triển khai tiêm mũi nhắc vắc xin DPT4 cho trẻ 18 tháng tuổi trên phạm vi toàn quốc. Với thành quả của tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu trên cả nước giảm từ 84,4/100.000 dân vào năm 1984 xuống còn 0,04/100.000 dân vào những năm 2005 – 2010”.

Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh bạch hầu

Theo VNVC, cách phòng tránh lây nhiễm bệnh bạch hầu tốt nhất là tiêm chủng vắc xin bạch hầu cho trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, người già có bệnh nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch, người sống trong gia đình có người mắc bạch hầu, người chăm sóc bệnh nhân bạch hầu… Vắc xin phòng bệnh bạch hầu hiện nay có mặt trong tất cả các loại vắc xin kết hợp như: 3 trong 1, 4 trong 1, 5 trong 1 hay 6 trong 1 dành cho trẻ từ độ tuổi 6 tuần tuổi cho đến 6 tuổi.

unnamed.png
Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh bạch hầu tốt nhất là tiêm chủng vắc xin bạch hầu. Ảnh minh họa

Trẻ em từ 2 tháng tuổi đã có thể bắt đầu các tiêm bạch hầu với các mũi tiêm cơ bản lúc 2 – 3 – 4 tháng tuổi và tiêm liều nhắc lại lúc trẻ 16 đến 18 tháng tuổi; 4 đến 7 tuổi; 9 đến 15 tuổi. Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như phụ nữ có dự định mang thai hoặc đang mang thai, người lớn, người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên; người già có bệnh nền mạn tính,… cũng cần tiêm mũi nhắc bạch hầu.

Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần nhanh chóng cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán điều trị kịp thời. Tránh tiếp xúc với người khỏe mạnh, người bệnh và cả người chăm sóc cần đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Những người chăm sóc người bệnh bạch hầu cần rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đồng thời không gian sống cần được thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

lay-1-172043496133673029829.jpg
Các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm những người đã tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu. Ảnh: VNN

Ở trường lớp nếu có trẻ mắc bạch hầu cần vệ sinh sạch sẽ các vật dụng mà trẻ đã sử dụng, nên sử dụng các chất sát khuẩn mạnh như cloramin B tẩy rửa sàn nhà, quần áo, chăn mền, các đồ dùng… của trẻ mắc bệnh và người tiếp xúc với trẻ.

Người dân sống trong vùng có ổ dịch bạch hầu cần chấp hành nghiêm túc các chỉ định của cơ quan y tế về cách y, uống thuốc và tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Bình An (tổng hợp)