Quân sự thế giới hôm nay (7-7): Nga sẽ bàn giao 8 tiêm kích Su-30SM cho Belarus
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:23, 07/07/2024
* Nga sẽ bàn giao 8 tiêm kích Su-30SM cho Belarus
Theo Bulgarian Military, Nga dự kiến sẽ bàn giao 8 chiếc tiêm kích Su-30SM còn lại trong thương vụ có trị giá 600 triệu USD đạt được trong năm 2017 cho Belarus. 4 chiếc đầu tiên trong thỏa thuận đã được giao vào tháng 8-2019. Bộ Quốc phòng nước này còn dự định sẽ tăng phi đội Su-30SM lên con số 24.
Sau khi Liên Xô tan rã, Không quân Belarus đã cho “nghỉ hưu” các máy bay chiến đấu MiG-25PD/PDS và MiG-25BM. Sau đó, nước này cũng loại bỏ dần các máy bay chiến đấu như Su-27, Su-24M. Phiên bản MiG-23MLD nâng cấp và MiG-29 trở thành máy bay chiến đấu duy nhất trong biên chế của không quân nước này. Tuy nhiên, MiG-29 đều đã cũ và điều đó khiến Belarus phải tính đến phương án tìm kiếm dòng máy bay thay thế.
Tiêm kích SU-30SM của Không quân Belarus. Ảnh: militarywatchmagazine.com |
Được Tập đoàn Sukhoi của Nga sản xuất, Su-30SM là tiêm kích đa năng và là phiên bản nâng cấp của dòng Su-30. Phiên bản này được biết đến bởi sự linh hoạt, giá cả phải chăng so với các dòng máy bay chiến đấu khác như Su-35 và vượt trội hơn các máy bay 'thế hệ 4+' khác như Rafale của Pháp về tầm bay và khả năng cơ động.
Su-30SM có chiều dài 21,9m, cao khoảng 6,4m, sải cánh rộng 14,7m, trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 34.500kg. Hệ thống đẩy của Su-30SM bao gồm 2 động cơ phản lực đốt sau (afterburner) AL-31FP, mỗi động cơ tạo ra lực đẩy khoảng 27.500pound, cho phép máy bay đạt tốc độ lên tới 2.120km/giờ ở độ cao lớn.
Bộ thiết bị điện tử hàng không của tiêm kích này có hệ thống radar tiên tiến, như N011M Bars-R, cho phép theo dõi và nhắm nhiều mục tiêu cùng một lúc. Máy bay còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử để tăng cường khả năng phòng thủ ở những khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, với hệ thống dẫn đường và nhắm mục tiêu tiên tiến, hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số và buồng lái hiện đại giúp cung cấp các thông tin quan trọng cho phi công một cách nhanh nhất.
Vũ khí của Su-30SM được đánh giá mạnh và đa dạng khi có thể mang được nhiều loại tên lửa không đối không như R-77 và R-73, tên lửa không đối đất như Kh-29 và Kh-31 cùng các loại vũ khí khác cho cận chiến.
Một đặc điểm nổi bật khác của phiên bản này là phạm vi hoạt động lớn khi có thể bay tới 3.000km mà không cần tiếp nhiên liệu. Đặc biệt, Su-30SM có thể bay xa hơn nhờ khả năng tiếp nhiên liệu trên không, cho phép thực hiện các nhiệm vụ dài ngày và xa căn cứ.
* Yak-130 có khả năng mô phỏng thao tác của tiêm kích thế hệ 4+ và 5?
Army Recognition dẫn thông tin truyền thông Nga cho biết, Nhà máy sản xuất máy bay Irkutsk của Tập đoàn Hàng không Thống nhất đã sản xuất và chuyển giao 1 lô Yak-130, máy bay huấn luyện chiến đấu đóng vai trò quan trọng trong cả giai đoạn huấn luyện ban đầu và nâng cao cho phi công của Không quân Nga.
Là một thiết kế của Yakovlev, Yak-130 được đánh giá cao bởi khả năng cơ động đặc biệt và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, mang đặc trưng của những chiến đấu cơ thế hệ mới nhất. Khả năng này giúp mô phỏng thao tác của tiêm kích thế hệ 4+ và 5, từ đó giúp đưa ra các kịch bản huấn luyện chiến đấu hoàn chỉnh và sát thực tế cho học viên.
Máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không kỹ thuật số, bao gồm 2 máy tính và hệ thống trao đổi dữ liệu đa kênh, hệ thống định vị bằng la bàn laser và bộ thu GLONASS/Navstar GPS. Yak-130 còn có thể được trang bị radar để tăng cường khả năng phân biệt mục tiêu.
Hình ảnh máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130. Ảnh: defensemirror.com |
Loại máy bay huấn luyện đa năng này được trang bị 2 động cơ phản lực Al-222-25, mỗi động cơ cung cấp lực đẩy 2.500kg. Các động cơ này được thiết kế để ngăn ngừa hư hỏng do vật thể bên ngoài nhờ các cửa hút khí đặc biệt.
Ngoài chức năng huấn luyện, khả năng chiến đấu của Yak-130 cũng được đánh giá cao. Với 8 giá treo, máy bay có thể mang tới 3.000kg tải trọng vũ khí, bao gồm nhiều loại tên lửa và bom, giúp tăng cường khả năng trinh sát và tấn công tầm trung.
* Xe trinh sát NBC PITON của Tây Ban Nha có gì nổi bật?
Mẫu xe PITON thuộc dòng xe thiết giáp VAMTAC có khả năng phát hiện và phân tích trong môi trường bị ô nhiễm bởi các tác nhân hạt nhân, sinh học, và hóa học (NBC). Đây là cải tiến nổi bật của xe trinh sát PITON được Công ty Urovesa của Tây Ban Nha giới thiệu tại một sự kiện quốc phòng và an ninh diễn ra mới đây.
Được thiết kế và phát triển kể từ tháng 10-2022, PITON đang trong quá trình thử nghiệm kỹ thuật và đánh giá hoạt động ở nhiều đơn vị quân đội khác nhau trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.
Phiên bản xe trinh sát NBC này đã gây được sự chú ý nhờ các công nghệ tiên tiến giúp xác định mối đe dọa một cách nhanh chóng và chính xác. Đặc biệt, nhờ được tích hợp cảm biến thời tiết và camera giám sát, khả năng hoạt động của PITON ở những khu vực bị ô nhiễm cao được tăng cường đáng kể. Ngoài ra, nó cũng có thể được triển khai cho nhiệm vụ trinh sát và thu thập mẫu.
Xe trinh sát NBC công nghệ cao PITON của Urovesa. Ảnh: Army Recognition |
PITON còn được tích hợp 1 cánh tay định vị Aunav để thu thập mẫu cùng 1 máy in 3D trên bảng điều khiển để đánh dấu các khu vực bị đe dọa sau khi phân tích. Với những cải tiến này, PITON được đánh giá là phương tiện quan trọng cho các phân đội trinh sát hạng nhẹ.
Việc trình làng PITON đánh dấu bước tiến đáng kể trong khả năng quản lý môi trường bị đe dọa bởi tác nhân NBC của quân đội Tây Ban Nha với hiệu quả và độ an toàn cao hơn.
TRẦN HOÀI(tổng hợp)