Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức khi mức sinh giảm
Tin Y tế - Ngày đăng : 17:48, 06/07/2024
Hệ lụy từ việc giảm mức sinh
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 1999 trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có 2,33 con.
Từ năm 2009 đến nay, tỉ suất sinh tăng nhẹ, hoặc giảm nhẹ quanh mức (2,1 con) và đến năm 2023, theo thống kê mới nhất, mỗi phụ nữ Việt Nam có 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay. Việt Nam đang gặp khó khăn nhất định, khi mà mục tiêu đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số khoảng 104 triệu người.
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Dân số (Bộ Y tế) cho biết, mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con để thay mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì (nòi giống). Mức sinh giảm sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu, quy mô dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tăng nhanh quá trình già hóa dân số...
Nếu không có những điều chỉnh chính sách, những giải pháp kịp thời để đưa mức sinh tăng trở lại đạt mức sinh thay thế, tương lai dân số Việt Nam giảm dần..., làm chậm quá trình phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước.
Khi tổng tỉ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ, sẽ được coi là đạt mức sinh thay thế. Khi mức sinh thấp, ảnh hưởng suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…
Hiện nay mức sinh giữa các vùng, miền đang có sự chênh lệch đáng kể. 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; thậm chí một số địa phương có mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.
Vùng Đông Nam Bộ là khu vực có tỉ lệ giảm sâu: Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực.
Thực tế, trong 3 năm qua, tỉ suất 21 tỉnh thành thuộc vùng mức sinh thấp đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn có xu hướng tiếp tục giảm sâu như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, TPHCM. Ước tính, năm 2023 mức sinh của TPHCM là 1,27 con/phụ nữ, tức mức rất thấp so cả nước. Hiện chỉ 4 địa phương đạt mức sinh thay thế gồm: Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Định.
Có nhiều nguyên nhân khiến mức sinh thay thế giảm, trong đó phải kể tới quá trình đô thị hóa tăng nhanh cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội cuốn theo vòng xoáy phát triển, khiến giới trẻ ngại kết hôn, sinh đẻ.
Bên cạnh đó, áp lực trong cuộc sống không nhỏ dẫn đến việc ngại kết hôn và sinh con...
Nhiều chính sách để tác động nhằm tăng mức sinh
Theo Bộ Y tế, trong 30 năm thực hiện Chương trình hành động, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu: Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ 2007; tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện về nhiều mặt.
Tuy nhiên, công tác dân số trong thời gian tới có nhiều khó khăn, thách thức đó là: Nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; tỉ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục; chất lượng dân số, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn hạn chế.
Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11.7 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế tham mưu xây dựng, trong đó đề xuất khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh, thành có mức sinh thấp, hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai do trong quá trình mang thai cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khỏe.