Phó Thống đốc: Sinh trắc học chuyển tiền chỉ tốn thêm 3 giây
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 11:54, 04/07/2024
Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết tại hội thảo "Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ", do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 4/7.
Theo Phó Thống đốc, thống kê trong tháng 6, bình quân mỗi ngày có 2 triệu giao dịch liên ngân hàng, có giá trị trên 10 triệu đồng.
Trong ngày đầu thực hiện giao dịch chuyển tiền theo Quyết định 2345 về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến đã có sự ách tắc cục bộ, nhưng đến ngày 2 và 3/7 cơ bản giao dịch đã thông suốt.
Ngày 3/7, toàn bộ hệ thống đã thông suốt trong giao dịch của khách hàng. Toàn hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng là 23 triệu giao dịch, trong đó có 1,9 giao dịch trên 10 triệu đồng. Gần như không có bất kể ách tắc lớn nào trong giao dịch chuyển tiền. Giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm 8%.
“Tôi xin khẳng định ngày 3/7 không có ách tắc nào cả”, Phó Thống đốc nói đồng thời khẳng định: Việc thực hiện theo Quyết định 2345 hoàn toàn an toàn. Với việc xác thực khuôn mặt, mỗi giao dịch chỉ tốn thêm khoảng 3 giây. Con số 16,6 triệu tài khoản được làm sạch vừa qua đã chứng minh rằng đa số người làm sinh trắc học không vướng mắc.
Cũng theo ông Dũng, trong số 16,6 triệu tài khoản được xác thực sinh trắc học, có 10% tài khoản được hỗ trợ đăng ký sinh trắc học tại quầy. Thậm chí, 4 ngân hàng thương mại nhà nước còn hỗ trợ đăng ký cả đêm tại quầy.
Một số khách hàng phản ánh trong ngày đầu không chuyển được tiền, điều này là có thật nhưng hầu hết chỉ xảy ra trong ngày 1/7.
Trước tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày một phổ biến, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng Quyết định 2345 là làm sạch dữ liệu, tránh tình trạng thuê, mượn tài khoản để lừa đảo.
“Nếu không làm việc này thì danh tiếng các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Người làm công nghệ thông tin sẽ bị trả giá đầu tiên khi hệ thống an toàn bị xuyên thủng. Cho đến nay các vướng mắc khác đang tiếp tục được xử lý, cơ bản đến cuối tuần này sẽ xử lý xong”, Phó Thống đốc nói.
Quyết định 2345 của NHNN ra đời và có hiệu lực thời điểm này được coi là thời điểm chín muồi. Phó Thống đốc khẳng định nếu như thời điểm 3 năm trước dù có muốn cũng không làm được, thậm chí có nhiều tiền cũng không thể làm được, bởi vì việc làm sạch dữ liệu tài khoản cần phải có sự hỗ trợ từ cơ sở dữ liệu hệ thống CCCD gắn chip của Bộ Công an.
Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang gia tăng mạnh, trở thành vấn nạn, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc dư luận xã hội.
5 tháng đầu năm 2024 đã có 4.239 vụ lừa đảo qua mạng, con số này tương đương với cả năm 2023.
“Tội phạm mạng đã trở thành một “nghề” để kiếm sống của một tập người nào đó. Mà đã là “nghề” thì người ta sẽ toàn tâm toàn ý 24/7 để tập trung cho việc lừa đảo”, ông Triệu Mạnh Tùng nói.
Lợi dụng tính ẩn danh, không biên giới của không gian mạng, đối tượng dễ dàng tiếp cận, tương tác người bị hại với nhiều vai qua MXH, ứng dụng OTT. Hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, quy mô lớn theo mô hình “công ty” từ vài chục đến vài trăm đối tượng.
Hoạt động chuyên nghiệp, phân công vai trò, vị trí, chia thành nhiều giai đoạn của quá trình lừa đảo: Thu gom tài khoản, lừa đảo, chuyển tiền.
Ông Hùng cho hay, có những đối tượng chuyên nghiên cứu kịch bản, học việc từ 2-3 tháng chỉ tập trung vào các câu hỏi với những thuật ngữ chuyên ngành gần như chính xác.
Sau khi lừa được bị hại, có những nhóm chuyên xử lý dòng tiền và chúng luân chuyển dòng tiền cực nhanh. Có những nhóm sử dụng hàng trăm tài khoản và đều là tài khoản không chính chủ. Đó là lý do vì sao phải thực hiện Quyết định 2345.
“Nếu hàng trăm, hàng nghìn đối tượng lừa đảo này ngồi ở Việt Nam, cơ quan công an cấp huyện cũng có thể bắt giữ, xử lý. Nhưng việc ra nước ngoài để đấu tranh xử lý tội phạm là rất khó khăn, trong khi lợi dụng chính sách thông thoáng trong xuất nhập cảnh, các nhóm đối tượng lừa đảo tập trung chủ yếu ở nước ngoài”, Trung tá Triệu Mạnh Tùng nói.
Ông Tùng khẳng định việc thực hiện Quyết định 2345 là vô cùng hữu ích. “Bây giờ cả tội phạm mua bán ma tuý cũng thanh toán trực tuyến nên nếu không làm thì bất kể loại hình tội phạm nào cũng có thể ẩn danh để chuyển tiền”, ông Tùng nói thêm.