Quân sự thế giới hôm nay (4-7): Nga trang bị tên lửa siêu vượt âm Zircon cho tàu hộ vệ Gremyashchiy
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:00, 04/07/2024
*Tàu hộ vệ Gremyashchiy của Nga có thể phóng tên lửa siêu thanh Zircon?
Theo một số tờ báo Nga, ít nhất 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gremyashchiy thuộc Dự án 20385 của Nga đã được nâng cấp để có thể phóng tên lửa siêu vượt âm Zircon.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Gremyashchiy, gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương vào cuối năm 2020, vừa được trang bị tổ hợp bệ phóng hợp nhất đa năng UKSK 3S14, cho phép phóng tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa chống hạm Onyx và tên lửa siêu vượt âm Zircon. Ảnh: Topwar |
Cụ thể, hai tàu hộ vệ Gremyashchiy và Provornyy thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã trải qua quá trình nâng cấp để có thể tấn công các tàu khu trục hay thậm chí là tàu sân bay.
Tàu hộ vệ lớp Gremyashchiy gia nhập hạm đội vào cuối năm 2020, đã được trang bị tổ hợp bệ phóng hợp nhất đa năng UKSK 3S14 có thể phóng nhiều tên lửa khác nhau như tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa chống hạm Onyx và tên lửa siêu vượt âm Zircon. Provornyy, được hạ thủy vào năm 2019, do bị hư hại vì hỏa hoạn nghiêm trọng vào năm 2021 nên phải trì hoãn việc đưa vào hoạt động đến năm nay. Trong quá trình sửa chữa, Provornyy đã được tích hợp tổ hợp UKSK 3S14, giúp phương tiện có khả năng mang tên lửa siêu vượt âm Zircon.
Hiện tại, vẫn chưa xác nhận được chính xác liệu các tàu hộ vệ khác thuộc lớp Steregushchiy (Dự án 20380) và lớp Gremyashchiy (Dự án 20385), đang được chế tạo tại Nhà máy đóng tàu Severnaya Verf và Amur, có được trang bị tổ hợp UKSK 3S14 hay không.
3M22 Zircon, hay còn gọi là 3M22 Tsirkon, là tên lửa siêu vượt âm của Nga được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chống tàu, tấn công mặt đất và phóng từ tàu ngầm. Ảnh: UNN |
3M22 Zircon, còn được gọi là 3M22 Tsirkon (định danh NATO: SS-N-33), là tên lửa hành trình siêu vượt âm của Nga được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ chống tàu, tấn công mặt đất và phóng từ tàu ngầm. Tên lửa có chiều dài khoảng 9m, đường kính 60cm và có thể mang đầu đạn nổ mạnh (HE) hoặc đầu đạn hạt nhân. Zircon có tầm bắn tối đa 1.000km và có thể đạt tốc độ tối đa Mach 9 (tương đương 11.000 km/giờ). Tốc độ này khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại gặp khó khăn trong việc đánh chặn, nâng cao hiệu quả của tên lửa trong việc xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương. Ngoài ra, tốc độ siêu vượt âm của Zircon làm ion hóa không khí xung quanh, tạo ra đám mây plasma trong giai đoạn hành trình, hấp thụ sóng vô tuyến và khiến các hệ thống radar chủ động khó phát hiện.
* Leonardo và Rheinmetall bắt tay phát triển hệ thống phòng thủ mặt đất
Ngày 3-7, Leonardo và Rheinmetall đã ký biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, nhằm thúc đẩy quá trình tiếp cận công nghệ của châu Âu trong lĩnh vực phòng thủ mặt đất.
Tại Triển lãm vũ khí lục quân Eurosatory 2024, Rheinmetall đã giới thiệu xe chiến đấu bộ binh Lynx KF-41 được trang bị tháp pháo HITFACT MkII. Ảnh: Army Recognition |
Sự hợp tác này nhằm phát triển hai phương tiện mới: Xe tăng chiến đấu chủ lực và hệ thống chiến đấu bộ binh bọc thép dựa trên nền tảng xe chiến đấu bộ binh Lynx, chủ yếu dành cho Quân đội Italy.
Có trụ sở tại Italy, liên doanh này sẽ đóng vai trò là nhà tích hợp hệ thống chính và nhà thầu chính cho các chương trình của Italy liên quan đến xe tăng chiến đấu chủ lực và hệ thống chiến đấu bộ binh bọc thép. Liên doanh này cũng sẽ vạch ra lộ trình tham gia vào chương trình Hệ thống chiến đấu mặt đất chủ lực của châu Âu (MGCS) trong tương lai.
Leonardo sẽ đảm nhận việc phát triển và sản xuất hệ thống tác vụ, bộ điện tử và tích hợp vũ khí theo nhu cầu. Những công nghệ này cũng sẽ đặt nền móng cho xe tăng chiến đấu chủ lực châu Âu trong tương lai và các phiên bản mới dành cho thị trường quốc tế. Trong khi đó, Rheinmetall sẽ cung cấp công nghệ cốt lõi cho các chương trình, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực Panther mới được phát triển và xe chiến đấu bộ binh Lynx mới. Các dây chuyền lắp ráp cuối cùng, thử nghiệm tương đồng, quá trình giao hàng và hỗ trợ hậu cần đều sẽ diễn ra tại Italy.
Sự hợp tác giữa hai nhà cung cấp công nghệ quốc phòng hàng đầu của châu Âu nhằm mục đích thiết lập các tiêu chuẩn mới và dẫn dắt sự phát triển của một thế hệ phương tiện chiến đấu tiên tiến mới cho Châu Âu, nhằm vào thị trường Italy và các quốc gia đối tác khác có nhu cầu hiện đại hóa quân đội và các hệ thống chiến đấu.
* Áo mua trực thăng UH-60M Black Hawk của Mỹ
Bộ Quốc phòng Áo mới đây vừa công bố mua 12 máy bay trực thăng UH-60M Black Hawk, trị giá 715 triệu euro, từ Mỹ thông qua Chương trình bán khí tài quân sự cho nước ngoài (FMS).
Trực thăng UH-60M Black Hawk. Ảnh: Lockheed Martin |
Việc chuyển giao những chiếc trực thăng này dự kiến bắt đầu vào năm 2028, đánh dấu một sự đổi mới đáng kể đối với đội máy bay của Áo.
UH-60M Black Hawk là trực thăng đa nhiệm có trong biên chế Quân đội Mỹ và nhiều nước trên thế giới, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, như tác chiến trực tiếp, viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Được sản xuất vào đầu thập niên 2000, UH-60M Black Hawk có những cải tiến đáng kể so với phiên bản tiền nhiệm. Được thiết kế để hoạt động vượt trội trong điều kiện khắc nghiệt, UH-60M có thể đáp ứng mọi yêu cầu về địa lý và khí hậu của Áo. Trực thăng có tầm hoạt động khoảng 590km, có thể mở rộng lên khoảng 2.200km khi trang bị thêm bình nhiên liệu với trần bay 6.000m.
UH-60M được tích hợp các hệ thống hiện đại với buồng lái kỹ thuật số và màn hình đa năng, hệ thống lái tự động và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến để cải thiện nhận thức tình huống và hiệu quả hoạt động. Máy bay được trang bị động cơ T700-GE-701D nâng cấp, giúp tăng công suất và lực nâng, phù hợp cho các nhiệm vụ bao gồm vận chuyển quân, hỗ trợ hậu cần, sơ tán y tế và các hoạt động đặc biệt. Ngoài ra, UH-60M còn có hệ thống nhiên liệu và khung máy bay có khả năng chịu va chạm và chống đạn, được thiết kế để tăng khả năng sống sót cho phi hành đoàn và binh lính trong môi trường khắc nghiệt.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)