Đằng sau việc NATO tính đặt vũ khí hạt nhân trong tình trạng báo động
Tin thế giới - Ngày đăng : 21:27, 03/07/2024
Trả lời phỏng vấn báo Telegraph hồi giữa tháng 6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ rằng khối liên minh quân sự đang thảo luận về việc triển khai thêm vũ khí hạt nhân, đưa chúng ra khỏi kho và đặt ở chế độ báo động cao trong nỗ lực răn đe trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc.
Ông Stoltenberg nói thêm rằng khối liên minh cần cho thế giới thấy kho vũ khí hạt nhân của mình để gửi thông điệp trực tiếp tới các đối thủ của NATO.
"Tôi sẽ không đi vào chi tiết hoạt động về số lượng đầu đạn hạt nhân sẽ được triển khai để sẵn sàng hoạt động và cất giữ, nhưng chúng ta cần thảo luận về những vấn đề này. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm", ông Stoltenberg nói, nhấn mạnh rằng NATO là một "liên minh hạt nhân".
Ông giải thích: "Mục tiêu của NATO tất nhiên là một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Nhưng chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, chúng ta sẽ vẫn là một liên minh hạt nhân, bởi vì một thế giới mà Nga, Trung Quốc và Triều Tiên có vũ khí hạt nhân còn NATO thì không là một thế giới nguy hiểm hơn".
Tuy nhiên, theo Asia Times, ông Stoltenberg hay bất cứ lãnh đạo mới nào của NATO sẽ không thể tác động đủ lớn tới khả năng răn đe hạt nhân của khối nếu không có sự phối hợp sâu sắc với Mỹ. Do đó, việc NATO triển khai thêm năng lực răn đe hạt nhân sẽ có thể gắn với chiến lược của Mỹ, nước sở hữu hàng nghìn vũ khí loại này.
Khả năng răn đe hạt nhân của NATO
Khả năng răn đe hạt nhân của NATO dựa trên các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân, cụ thể hơn là phần lớn dựa vào vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở châu Âu cũng như khả năng và cơ sở hạ tầng do các đồng minh liên quan cung cấp. Một số quốc gia NATO đóng góp máy bay có thể mang vũ khí hạt nhân, sẵn sàng đảm nhận vai trò ở nhiều cấp độ khác nhau.
Mỹ duy trì quyền kiểm soát và giám sát tuyệt đối đối với vũ khí hạt nhân được Washington triển khai ở châu Âu. Ngoài Mỹ, 2 thành viên NATO khác là Anh và Pháp cũng có vũ khí hạt nhân, nhưng số lượng khá nhỏ nếu so với Mỹ. Vũ khí hạt nhân của Mỹ được đặt ở châu Âu là bom trọng lực hạt nhân có thể được phóng bởi máy bay NATO.
Về mặt kỹ thuật, bom trọng lực hạt nhân được xếp vào loại vũ khí hạt nhân chiến thuật. Mỹ, Anh và Pháp cũng triển khai vũ khí hạt nhân trong và xung quanh châu Âu. Anh có khoảng 225 đầu đạn hạt nhân (hơn một nửa đang được cất giữ) cho chương trình tàu ngầm hạt nhân Trident. Năng lực hạt nhân của Anh cần có sự phối hợp của Mỹ.
Pháp là quốc gia NATO duy nhất có kho vũ khí hạt nhân hoàn toàn độc lập với các thành viên trong khối. Pháp có tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và một số ít tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.
Trong thời gian qua, Pháp đã nêu ra ý tưởng về việc sẽ chia sẻ năng lực răn đe hạt nhân với châu Âu và đã có các cuộc thảo luận với Đức về điều này. Theo giới quan sát, đây có thể được xem là một nỗ lực để châu Âu giảm bớt phụ thuộc an ninh vào Mỹ.
Vì vậy, theo Asia Times, theo một góc độ nào đó, thông báo của ông Stoltenberg về việc nâng cấp khả năng răn đe hạt nhân của NATO có thể bao gồm khả năng Pháp sẽ tham gia vào việc này ở cấp độ liên minh quân sự.
Việc Mỹ đặt vũ khí hạt nhân ở châu Âu có tác dụng chính là răn đe để giảm nguy cơ nổ ra một cuộc chiến "ăn miếng, trả miếng" bằng vũ khí nguyên tử với Nga. Moscow có kho vũ khí hạt nhân "một 9, một 10" với Mỹ và có những tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa siêu vượt âm mang đầu đạn hạt nhân "không thể cản phá".
Các nỗ lực răn đe lẫn nhau cho tới nay chủ yếu diễn ra giữa Mỹ và Nga. Nga tổ chức tập trận hạt nhân, đặt vũ khí nguyên tử ở lãnh thổ của đồng minh Belarus. Tương tự, Mỹ điều động máy bay ném bom chiến lược tới gần biên giới Nga hay đặt vũ khí hạt nhân ở châu Âu, động thái được xem để phát đi thông điệp cảnh báo.
Về mặt lý thuyết, NATO coi bom trọng lực của Mỹ đặt trên lãnh thổ châu Âu là khả năng răn đe của khối. Theo Asia Times, các nguồn tin nói rằng, Mỹ dường như đặt 150 quả bom hạt nhân ở 6 căn cứ: Kleine Brogel ở Bỉ, Büchel ở Đức, Aviano và Ghedi ở Italy, Volkel ở Hà Lan và Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, hồi tháng 1, Mỹ còn công bố rằng họ đang nâng cấp căn cứ không quân tại Lakenheath, Suffolk, Anh. Ở đó, Mỹ sẽ có một phi đội đặc biệt, Lực lượng An ninh số 48, gồm những chiếc F-35 sẽ có khả năng mang bom hạt nhân B-61. Mỹ đang xây dựng đường dốc tải thủy lực đặc biệt, nâng cấp cơ sở lưu trữ và lắp đặt "lá chắn" để bảo vệ nhân sự tại căn cứ.
Những chiếc F-35 này sẽ chỉ được các phi công Mỹ vận hành và nằm ngoài thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO. Điều đó có nghĩa là nhiệm vụ của chúng có thể liên quan đến an ninh và răn đe của NATO nhưng có thể được Mỹ sử dụng bên ngoài bất kỳ thỏa thuận chung nào của liên minh. Đây có thể xem là năng lực răn đe riêng của Mỹ ở châu Âu.
Hồi tháng 1, Telegraph ngày 26/1 dẫn nguồn thạo tin nói rằng, Mỹ có thể sẽ đưa bom hạt nhân B61-12 tới căn cứ Lakenheath lần đầu tiên sau 15 năm sau khi Washington quyết định rút vũ khí hạt nhân của nước này khỏi Anh vào năm 2008.
Mối lo ngại của NATO và Nga
Trả lời phỏng vấn Telegraph, ông Stoltenberg nói rằng các quốc gia thành viên NATO đã bắt đầu tham vấn về sự cần thiết của việc phải đặt vũ khí hạt nhân trong tình trạng báo động.
Ông Stoltenberg đặc biệt quan ngại về Trung Quốc, quốc gia đang đầu tư mạnh vào vũ khí tiên tiến và được dự đoán sẽ tăng số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.000 vào năm 2030.
"Và điều đó có nghĩa là trong một tương lai không xa, NATO có thể phải đối mặt với điều mà khối này chưa từng gặp trước đây. Đó là 2 đối thủ tiềm tàng đều có lượng lớn vũ khí hạt nhân: Trung Quốc và Nga. Tất nhiên, điều này sẽ gây ra hậu quả", người đứng đầu NATO cảnh báo.
Nga sau đó chỉ trích ý tưởng của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về việc đặt vũ khí hạt nhân của liên minh này trong tình trạng báo động cao, nhấn mạnh đây tiếp tục là động thái làm leo thang căng thẳng giữa các bên.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã cáo buộc NATO "tống tiền hạt nhân".
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian phát biểu sau ý tưởng của ông Stoltenberg: "Chúng tôi yêu cầu NATO ngừng lan truyền những thông tin sai lệch, ngừng tống tiền và ép buộc hạt nhân, đồng thời kiềm chế nhằm tránh đi sâu hơn vào con đường sai lầm".
Ông Wu cho rằng, NATO đang thổi phồng cái gọi là "mối đe dọa hạt nhân của Trung Quốc". Ông chỉ trích NATO trong những năm gần đây đã liên tục nâng cao vai trò của vũ khí hạt nhân trong chính sách an ninh chung; tăng cường thỏa thuận chia sẻ hạt nhân; đồng thời nâng cấp và hiện đại hóa vũ khí hạt nhân do Mỹ triển khai tới các nước NATO khác. Trung Quốc cho rằng, điều này đã "làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột và chạy đua vũ trang hạt nhân".
Theo Asia Times, phát biểu của Tổng thư ký NATO phản ánh mối lo ngại của liên minh về việc Nga, Trung Quốc đang ngày càng gia tăng năng lực hạt nhân và kịch bản Moscow, Bắc Kinh xích lại gần nhau.
Bên cạnh đó, tại Đông Á, Triều Tiên cũng là một quốc gia hạt nhân và họ đang hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Nga và Trung Quốc. Điều này dường như khiến NATO trở nên lo ngại hơn nữa.
Một tuần trước phát biểu của Tổng thư ký NATO, Nhà Trắng đã cảnh báo về sự cần thiết phải phản ứng trước kịch bản Trung Quốc, Nga và Triều Tiên có thể gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân.
Pranay Vaddi, quan chức hàng đầu về kiểm soát vũ khí của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ngày 7/6 cho biết, Washington có thể sẽ phải triển khai thêm vũ khí hạt nhân chiến lược trong những năm tới để ngăn chặn các mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga, Trung Quốc và các đối thủ khác.
Ông cho rằng Nga, Trung Quốc và Triều Tiên "đều đang mở rộng và đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của họ với tốc độ chóng mặt, cho thấy họ rất ít hoặc không quan tâm đến việc kiểm soát vũ khí".
Ông cáo buộc cả ba nước trên và Iran "đang ngày càng hợp tác và phối hợp với nhau theo những cách đi ngược lại hòa bình và ổn định, đe dọa Mỹ, các đồng minh và đối tác của chúng tôi và làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực".
Về phía Nga, các quan chức của Moscow hồi tháng 6 tuyên bố họ bắt đầu cập nhật học thuyết hạt nhân của nước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết học thuyết hạt nhân của Moscow rất linh hoạt và có thể được điều chỉnh nếu cần thiết.
"Chúng tôi đang cẩn trọng theo dõi từng biến động của thế giới, những gì đang diễn ra xung quanh chúng tôi và không loại trừ khả năng đưa ra một số thay đổi đối với học thuyết này", ông Putin nói.
Theo học thuyết hiện tại, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công thông thường gây ra mối đe dọa cho sự sống còn của nước Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng thừa nhận tình hình quốc tế ngày càng trở nên "phức tạp". Ông nhấn mạnh, Nga có thể thay đổi học thuyết hạt nhân nếu các hành động leo thang của Mỹ và đồng minh buộc Moscow phải làm như vậy.
Việc phương Tây "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào Nga làm dấy lên lo ngại phương Tây sắp vượt qua "ranh giới đỏ" mà Moscow đã đưa ra. Moscow coi việc Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga là "lằn ranh đỏ" sẽ buộc họ đáp trả bằng mọi phương tiện có thể, trong đó có vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, việc Nga đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus có thể được xem là đòn "ăn miếng, trả miếng" với việc Mỹ lưu trữ bom nguyên tử trên lãnh thổ các đồng minh ở châu Âu, điều mà Moscow coi là mang lại rủi ro an ninh cho chính nước này khi NATO liên tục mở rộng trong những năm qua và càng ngày càng sát vào Nga.
"Vòng xoáy" răn đe
Các nước sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới nhiều lần khẳng định rằng họ dùng chúng là công cụ để răn đe đối phương. Vì vậy, lý luận của họ rằng việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân là nhằm ngăn chặn đối phương có những tính toán sai lầm, có thể đẩy xung đột bùng nổ.
Điều này về mặt nguyên tắc là hợp lý nhưng trên thực tế, căng thẳng càng leo thang, các bên càng có nhu cầu phải nâng cao khả năng răn đe hạt nhân, dẫn tới mâu thuẫn lại bùng phát mạnh hơn. Nó tạo ra một "vòng xoáy" không có hồi kết, và gây ra rủi ro ngày càng lớn hơn cho thế giới.
NATO gia tăng động thái răn đe vì viện dẫn việc Nga tập trận hạt nhân, đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus, chế tạo thêm khí tài mang vũ khí hạt nhân, thậm chí những giả thuyết như Moscow có thể dùng loại vũ khí này ở Ukraine.
Tương tự, Nga cũng có lý do để tăng cường răn đe, ví dụ như cáo buộc phương Tây đang tham gia vào cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine; phương Tây cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga; NATO mở rộng về phía đông đe dọa tới an ninh của Moscow.
Các bên đều đưa ra lý lẽ rõ ràng cho động thái của mình và cho rằng đây là điều thuyết phục để họ phải hành động nhằm cảnh báo đối thủ không tính toán sai lầm. Việc các bên thiếu sự trao đổi, cam kết rõ ràng tạo ra một vòng xoáy không có điểm dừng. Các bên đều tiến ngày càng gần về "lằn ranh đỏ" do họ đặt ra, đẩy mâu thuẫn càng lên cao.
Mối lo ngại nói trên được chứng minh bằng số liệu cụ thể. Báo cáo "Sự gia tăng: Chi tiêu vũ khí hạt nhân toàn cầu năm 2023" của Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), công bố hồi tháng 6, cho thấy chi tiêu cho vũ khí hạt nhân đã tăng 34% trong 5 năm qua, từ 68,2 tỷ USD lên 91,4 tỷ USD hàng năm.
Sau đó, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố đánh giá hàng năm về tình trạng vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế. SIPRI cảnh báo rằng các quốc gia có vũ khí hạt nhân "tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ và một số hệ thống vũ khí có vũ khí hạt nhân hoặc có khả năng hạt nhân mới được triển khai vào năm 2023".
SIPRI cũng cảnh báo rằng đã có sự suy giảm đáng lo ngại về "tính minh bạch liên quan đến lực lượng hạt nhân" giữa Mỹ và Nga kể từ năm 2022, và các cuộc thảo luận xung quanh các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân đã ngày càng trở nên hiếm hoi.
Nga và Mỹ đang sở hữu gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân của thế giới và việc các bên leo thang căng thẳng có thể khiến "vòng luẩn quẩn" trở nên mở rộng, đẩy rủi ro leo thang lên cao.
Chính vì điều này, Tổng thư ký tổ chức Chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân (CND) Kate Hudson đã chỉ trích phát ngôn của ông Stoltenberg "là một bước tiến xa hơn tới nguy cơ cuộc chiến hạt nhân".
Sebastian Brixey-Williams, giám đốc điều hành của tổ chức an ninh Basic, cho rằng phát biểu của ông Stoltenberg có thể nhằm mục đích phát thông điệp kiềm chế Nga và Trung Quốc không tăng số lượng vũ khí hạt nhân bằng việc nêu ra một hậu quả nếu 2 nước làm vậy.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo rằng, nó có thể phát đi thông điệp khiến Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng cường năng lực răn đe và kịch bản chạy đua vũ trang có nguy cơ xảy ra nếu căng thẳng không hạ nhiệt.
Theo Asia Times, Telegraph, Guardian