Quân sự thế giới hôm nay (3-7): Nga mổ xẻ tên lửa ATACMS, Hà Lan sẽ sớm gửi F-16 cho Ukraine
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:40, 03/07/2024
* Nga nghiên cứu “bộ não” tên lửa ATACMS
RIA Novosti đưa tin, việc Nga có thể thu thập, nghiên cứu về công nghệ dẫn đường của tên lửa tầm xa ATACMS có thể giúp đưa ra được biện pháp đối phó phù hợp trong thời gian tới.
Đoạn video đăng tải trên mạng cho thấy một chuyên gia vũ khí giấu mặt mô tả việc nghiên cứu hệ thống dẫn đường còn nguyên vẹn, được ví như “bộ não”, của tên lửa ATACMS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine bị lực lượng Nga bắn hạ. Đây là lần đầu tiên Nga thực hiện việc này.
Chuyên gia vũ khí Nga cùng những thành phần được cho là của hệ thống dẫn đường từ tên lửa ATACMS. Ảnh: RIA Novosti |
Các nhãn mác đằng sau hệ thống dẫn đường này cho thấy nguồn gốc từ kho vũ khí của quân đội Mỹ tại bang Alabama. Nó có 3 con quay hồi chuyển laser dạng vòng, cho phép tên lửa đi theo quỹ đạo đạn đạo đã định sẵn. Ngoài ra, còn có một ăng-ten GPS giúp điều chỉnh đường bay tên lửa ở giai đoạn đầu và các giai đoạn cuối của quỹ đạo bay.
Theo đánh giá, khi công tác nghiên cứu hoàn tất sẽ cho phép các chuyên gia nắm được hoạt động của tên lửa trong suốt chuyến bay, cũng như khả năng điều chỉnh hành trình của nó. Từ đây, Moscow sẽ tìm ra điểm yếu trong hệ thống này và sử dụng thông tin thu thập được để cải thiện khả năng bắn hạ tên lửa ATACMS.
Video về việc chuyên gia đang nghiên cứu hệ thống dẫn đường từ tên lửa ATACMS. Nguồn: RIA Novosti |
Hiện chưa rõ Nga thu được bộ phận dẫn đường trong tên lửa trên bằng cách nào. Mỹ và Ukraine chưa bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, đây sẽ là một tin không tích cực khi ATACMS hiện được xem là một trong những vũ khí hàng đầu ở Ukraine và Ukraine được cho đã nhiều lần tấn công các mục tiêu Nga bằng ATACMS trong thời gian qua.
Mỹ đã bắt đầu cung cấp ATACMS cho Ukraine từ nhiều tháng trước, sau hai năm từ chối yêu cầu cung cấp tên lửa tầm xa này từ Kiev. Với trọng lượng hơn 1,6 tấn, dài 4m và đường kính 610mm, tên lửa có thể bay ở tốc độ lên tới 1km/giây ở trần bay khoảng 50km. Ban đầu Washington chỉ cung cấp phiên bản có tầm bắn tối đa 165km, nhưng đợt giao hàng mới nhất đã có biến thể nâng cấp với tầm bắn gần gấp đôi.
* Hà Lan có thể sớm gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine
Kyiv Independent dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết nước này đã hoàn tất giấy phép xuất khẩu 24 máy bay chiến đấu F-16 cùng 7 động cơ máy bay F-16 cho Ukraine.
Tiêm kích F-16 đậu tại căn cứ Leeuwarden, Hà Lan. Ảnh: Getty Images |
Mặc dù Bộ trưởng Ollongren không tiết lộ ngày chính xác hoặc các chi tiết cụ thể về việc giao những máy bay đầu tiên do lo ngại về an ninh, song thông tin này đã mang lại hy vọng mới cho Ukraine.
Việc cung cấp tiêm kích F-16 đánh dấu một năm sau khi Đan Mạch và Hà Lan đồng sáng lập “liên minh máy bay chiến đấu” cho Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius vào tháng 7-2023.
Ngoài Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ và Na Uy cũng đã cam kết cung cấp thêm F-16 cho Ukraine.
* Azerbaijan nhận “ngựa thồ” C-27J đầu tiên
Theo Army Recognition, Không quân Azerbaijan đã nhận bàn giao máy bay vận tải chiến thuật C-27J Spartan đầu tiên từ nhà thầu Leonardo (Italy) dưới sự chứng kiến của Tổng thống nước này Ilham Aliyev.
Giữa năm ngoái, chính phủ Azerbaijan đặt bút ký hợp đồng với công ty Leonardo để mua hai máy bay C-27J, nhằm mục đích tăng cường năng lực vận tải cho không quân nước này, vốn đang khai thác đội máy bay Ilyushin Il-76 từ thời Liên Xô và CASA CN-235 do Tây Ban Nha và Indonesia hợp tác phát triển.
Các đại biểu tại lễ tiếp nhận máy bay C-27J đầu tiên cho Không quân Azerbaijan. Ảnh: Army Recognition |
Trong một tuyên bố, không quân Azerbaijan nhấn mạnh, máy bay C-27J sẽ được sử dụng chủ yếu cho các nhiệm vụ vận tải, thả hàng hóa và lính dù, sơ tán y tế, hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai và chữa cháy.
Có thiết kế dựa trên khung máy bay G-222, máy bay C-27J có chiều dài 22,07m, sải cánh rộng 28,07m, và chiều cao 9,64m. Máy bay có tải trọng 11,3 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa 31,8 tấn. Khoang hàng của C-27J có thể chở xe bọc thép như M113 hay AML-90, 60 lính bộ binh, hoặc 46 lính dù được trang bị đầy đủ. Sử dụng 2 động cơ Rolls-Royce AE2100-D2A công suất 4.640 mã lực, C-27J có thể đạt vận tốc tối đa hơn 600km/giờ, trần bay trên 9.100m.
Điểm nổi bật của máy bay này là buồng lái được tích hợp kính nhìn đêm (NVG) với năm màn hình màu đa chức năng. Ngoài ra, nó còn được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động AESA, hệ thống quang điện/hồng ngoại và các cảm biến khác nhau tùy vào từng nhiệm vụ.
MINH ANH (tổng hợp)