9 Bệnh về da ở chó: Nhận biết sớm & điều trị hiệu quả‏

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 14:45, 02/07/2024

Da không chỉ là lớp bảo vệ bên ngoài mà còn là một chỉ báo quan trọng về sức khỏe tổng thể của chó. Tuy nhiên, các bệnh về da ở chó rất đa dạng, từ các triệu chứng nhẹ như ngứa ngáy, mẩn đỏ cho đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn như ghẻ, nấm và viêm da nặng.‏

‏Theo ‏‏Bác sĩ thú y Lê Hồng Trường‏‏ - Trưởng khoa Nội tại ‏‏Bệnh viện Thú y Funpet‏‏ TP.HCM, "Nhiều bệnh về da ở chó có triệu chứng ban đầu khá giống nhau, như ngứa, rụng lông, nổi mẩn đỏ. Điều này khiến việc chẩn đoán và điều trị trở nên khó khăn nếu không có kiến thức chuyên môn. Do đó, khi thấy chó có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trên da, chủ nuôi cần đưa chó đến cơ sở thú y uy tín để được thăm khám và điều trị một cách tốt nhất".‏

‏Dưới đây là 9 bệnh về da thường gặp ở chó, cùng những kiến thức tổng quan về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, giúp bạn hiểu rõ hơn về sức khỏe làn da của thú cưng và chăm sóc chúng tốt hơn.‏

1. ‏Bệnh hắc lào (nấm đồng xu) ở Chó‏

‏Hay còn gọi là lác đồng tiền, là bệnh nhiễm nấm thường gặp ở chó, đặc biệt là chó con, chó già, và chó lông dài. Bệnh không đe dọa tính mạng nhưng gây ngứa ngáy khó chịu và dễ lây lan sang người và các vật nuôi khác.‏

‏Triệu chứng: các mảng lông rụng hình tròn, đóng vảy, thường xuất hiện ở chân, đầu, tai, và có thể lan ra toàn thân. Chó bị bệnh thường gãi, liếm vùng da tổn thương, gây viêm nhiễm.‏

2.‏ Chó bị Dị ứng‏

‏Dị ứng thực phẩm‏‏: Chó bị ngứa dữ dội ở mặt, chân, tai, hậu môn, nôn mửa, tiêu chảy, và rụng lông. Gây dị ứng phổ biến là thịt bò, sữa, đậu nành, lúa mì. Để chẩn đoán, bác sĩ thú y sẽ áp dụng chế độ ăn loại trừ, giúp xác định và loại bỏ các thành phần gây dị ứng.‏

‏Dị ứng môi trường‏‏: Còn gọi là viêm da dị ứng, do cỏ, mạt bụi, phấn hoa gây ra. Chó bị ngứa dữ dội, mẩn đỏ, viêm da. Điều trị bằng dầu gội, thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ thú y.‏

3.‏ Da xỉn màu khi chó nhiễm ký sinh trùng‏

‏Bọ chét và ve ghẻ gây ngứa ngáy, kích ứng, thậm chí truyền nhiễm bệnh.‏

‏Giun đũa, giun móc, giun roi, sán dây không gây triệu chứng rõ ràng nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của chó, biểu hiện qua da và lông xỉn màu.‏

‏Cần sử dụng thuốc trị ký sinh trùng theo chỉ định của bác sĩ thú y và tẩy giun định kỳ.‏

4.‏ Chó bị Ghẻ ‏

‏Chó bị ghẻ do hai loại ký sinh trùng Demodex và Sarcoptes gây ra, là bệnh da liễu phổ biến ở loài chó. ‏

‏Ghẻ Demodex gây rụng lông từng mảng, đóng vảy, mẩn đỏ, chủ yếu ở mặt và chân trước. Nếu không điều trị, có thể lan rộng toàn thân, gây ngứa dữ dội và nhiễm trùng thứ phát.‏

‏Ghẻ Sarcoptes có khả năng lây nhiễm cao, gây ngứa dữ dội, ban đỏ, vảy vàng, rụng lông, và dày da ở giai đoạn muộn. Vùng da thường bị ảnh hưởng là tai, ngực, khuỷu tay, háng và bụng.‏

‏Để điều trị ghẻ chó, bác sĩ thú y sẽ chỉ định thuốc diệt ve phù hợp. Đồng thời, vệ sinh môi trường sống, cách ly chó bệnh, và chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ.‏

5.‏ Chó bị nhiễm trùng nấm men‏

‏Hay còn gọi là nhiễm nấm Candida, xảy ra khi nấm men thường trú trên da và trong đường tiêu hóa của chó phát triển quá mức gây ngứa ngáy, kích ứng, và thường kèm theo mùi hôi khó chịu. ‏

‏Triệu chứng: Lông giữa các ngón chân chuyển màu đỏ sẫm, nhiễm trùng tai, lắc đầu liên tục, mụn nhỏ dưới bụng và tiêu chảy.‏

‏Nhiễm nấm men thường gặp ở những con chó bị dị ứng, sống trong môi trường nóng ẩm.‏

‏Lưu ý: chiết xuất nấm men trong một số loại thức ăn cho chó không phải là nguyên nhân gây nhiễm nấm men. ‏

6.‏ Da chó bị vảy gàu‏

‏Xuất hiện vảy trắng trên lông, ở lưng và gần đuôi. Nguyên nhân do mất cân bằng dầu trên da (viêm da tiết bã nhờn); mắc rối loạn nội tiết (bệnh Cushing) hoặc yếu tố môi trường (không khí khô).‏

‏Dùng dầu gội đặc trị và bổ sung thực phẩm giàu axit béo omega-3 (cá hồi, cá cơm, viên dầu cá) vào khẩu phần ăn giúp cải thiện sức khỏe da và giảm gàu.‏

7. ‏Bệnh Chốc lở ở Chó‏

‏Là bệnh da mủ, bệnh nhiễm khuẩn da thường gặp ở chó do vi khuẩn Staphylococcus hoặc Streptococcus xâm nhập vào da qua các vết thương, trầy xước, gây ra các mụn mủ, bọng nước và vết trợt đóng vảy tiết dịch vàng.‏

‏Điều trị: sử dụng kháng sinh uống, bôi ngoài da theo chỉ định của bác sĩ thú y; vệ sinh vùng da tổn thương sạch sẽ và cách ly chó bệnh để ngăn ngừa lây lan.‏

8.‏ Chó bị Nhiễm khuẩn‏

‏Do vi khuẩn gây ra, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, từ phổi, thận đến da và tai gây ngứa da, da đỏ, phát ban, đóng vảy và xuất hiện các nốt mủ.‏

‏Chó con và chó già, với hệ miễn dịch yếu hơn, chế độ ăn uống kém, ít vận động, căng thẳng, hoặc mắc các bệnh khác làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.‏

‏Điều trị nhiễm khuẩn ở chó thường bao gồm kháng sinh và thuốc chống viêm.‏

9.‏ Rụng lông bất thường ở chó‏

‏Nếu xuất hiện các mảng hói, kèm theo các triệu chứng như lông khô, xơ xác, da viêm, ngứa ngáy, đóng vảy, hoặc da sẫm màu, bạn nên đưa chó đến bác sĩ thú y ngay.‏

‏Rụng lông có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe, từ nhiễm trùng da do nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng đến các bệnh lý khác. ‏

‏Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường trên da chó như ngứa ngáy, mẩn đỏ, rụng lông bất thường là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của chúng. Liên hệ ngay với bác sĩ thú y để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. ‏

‏Bệnh viện thú y Funpet với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong việc chăm sóc sức khỏe cho thú cưng.‏

Nguồn tham khảo:‏

https://www.animalfriendsdermatology.com‏

https://vcahospitals.com‏

T/H