Dừng chân bên Cung An Định, check-in những tấm ảnh đẹp
Du lịch online - Ngày đăng : 08:33, 29/06/2024
Đến Huế du lịch, nhiều du khách yêu thích tìm về những giá trị xưa cũ, hòa mình vào di tích cổ kính rêu phong, tìm hiểu về lịch sử và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc độc đáo...
Ngoài Đại Nội Huế cùng các lăng vua Nguyễn..., Cung An Định luôn được nhiều du khách, nhất là giới trẻ tìm đến.
Họ thích thú và ấn tượng ngay với Cung An Định bởi vẻ đẹp cổ kính của công trình nổi tiếng này.
Tọa lạc bên dòng sông An Cựu, Cung An Định nằm trên con đường Phan Đình Phùng, TP Huế.
Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc lộng lẫy, có giá trị nghệ thuật cao cũng như lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ bên trong cung.
Cung An Định là tác phẩm kiến trúc kết hợp, hòa trộn Á - Âu và là công trình tiêu biểu cho quá trình phát triển của mỹ thuật triều Nguyễn trong những năm đầu của thế kỷ 20 đến năm 1945.
Cung An Định là một trong số ít địa chỉ lịch sử gắn liền với cuộc đời của các vị hoàng đế triều Nguyễn cùng một số thành viên khác trong gia đình Hoàng tộc, như bà Từ Cung, Nam Phương Hoàng hậu...
Theo tài liệu, Cung An Định nguyên trước đây là phủ Phụng Hóa Công (là tước vị của vua Khải Định khi còn là hoàng tử) được xây dựng vào năm 1902, dùng làm nơi ăn chốn ở dành riêng cho hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo (con trai đầu của vua Đồng Khánh khi vừa “xuất phủ” năm lên 18 tuổi).
Vào năm 1917, vua Khải Định dùng tiền riêng để cải tạo phủ lại thành cung theo lối kiến trúc hiện đại. Đầu năm 1919, công việc xây dựng hoàn tất.
Từ năm 1922, cung An Định trở thành tiềm để của Đông Cung Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại về sau). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, gia đình cựu hoàng Bảo Đại từ Hoàng Cung chuyển qua sinh sống ở Cung An Định.
Cung An Định có địa thế bằng phẳng, mặt quay về hướng Nam, phía trước là dòng sông An Cựu làm yếu tố “minh đường”.
Công trình có kiến trúc đẹp, bề thế, mang dáng dấp kiến trúc thời Pháp thuộc, pha lẫn với lối kiến trúc cung đình Huế.
Khi còn nguyên vẹn, cung có khoảng 10 công trình như bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, hai dãy nhà ngang Tả, Hữu, hồ nước...
Trải qua thời gian, đến nay Cung An Định chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn gồm cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.
Lầu Khải Tường là công trình kiến trúc chính của Cung An Định. Chữ Khải Tường (nghĩa là nơi khởi phát điềm lành), tên lầu là do vua Khải Định đặt. Lầu được trang trí công phu, đặc biệt là phần nội thất tầng 1 với các bức tranh tường có giá trị nghệ thuật cao.
Cùng với các công trình kiến trúc khác dưới thời vua Khải Định như lăng Khải Định, lầu Kiến Trung..., cung An Định được xem là đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn Tân Cổ điển.
Là một trong những công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Cung An Định ngày nay đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách gần xa.