Làm thế nào để hạn chế bị chuột rút khi mang bầu?
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 19:57, 28/06/2024
Theo bác sĩ Đỗ Tiến Dũng (Khoa sản, Bệnh viện Bưu điện), tình trạng chuột rút cả ở chân, tay và bụng có thể làm phiền bà bầu từ tháng thứ ba của thai kỳ. Hiện tượng này thường xảy ra vào ban đêm, trong những tháng cuối thì bất kể ngày đêm, thai phụ có thể phải đối mặt với rắc rối này liên tục.
Bác sĩ Dũng cho biết: mẹ bầu có thể bị chuột rút cả ở chân, tay và bụng bắt đầu từ tháng thứ 3 của thai kỳ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột rút khi mang thai như trọng lượng cơ thể của mẹ ngày càng tăng, gây áp lực nhiều hơn tới các cơ bắp ở chân. Tử cung ngày càng to làm tăng áp lực lên các mạch máu chính đưa máu từ chân lên tim, đồng thời các dây thần kinh từ tủy sống đến chân các tĩnh mạch cung cấp máu cho tử cung cũng bị chèn ép. Thiếu canxi, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ, nhu cầu canxi của cơ thể tăng cao để có thể đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Mất nước khiến cơ thể bị rối loạn điện giải gây ra tình trạng chuột rút.
Mặc dù gây ra những khó chịu cho mẹ bầu nhưng bác sĩ Dũng cho biết, chuột rút thường không nguy hiểm, tuy nhiên, nếu nó biến tướng như sau, các bà bầu nên cảnh giác: Trong một giờ có hơn 6 cơn co thắt; các cơn đau không giảm dần; tình trạng chuột rút xuất hiện đồng thời với cơn chóng mặt, choáng váng hoặc chảy máu và cơn co thắt đi kèm với đau bụng dữ dội, buồn nôn hoặc sốt.
Để hạn chế các cơn chuột rút, bác sĩ Dũng khuyến cáo: các mẹ bầu nên tránh đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế. Những người làm việc tại văn phòng nên tranh thủ thời gian co duỗi bắp chân và cứ 1 tiếng thì đứng lên vận động nhẹ nhàng khoảng 5 phút. Tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, tập gì cũng được: yoga, đi bơi, đi bộ… miễn là nhẹ nhàng, không quá sức. Vận động sẽ giúp lượng máu và quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn. Xoa bóp, massage nhẹ nhàng từ vùng đùi đến bắp chân, bàn chân và các ngón chân để làm tăng quá trình lưu thông máu. Gác chân lên gối khi nằm ngủ. Nên nằm nghiêng bên trái để máu lưu thông khắp cơ thể, đặc biệt là vùng bắp chân. Tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể theo từng giai đoạn của thai kỳ. Uống nhiều nước, tốt nhất nên bổ sung mỗi ngày từ 2 – 2,5 lít nước để hạn chế tình trạng mất nước.
Để tránh chuột rút, mẹ bầu nên tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, tập gì cũng được: yoga, đi bơi, đi bộ… miễn là nhẹ nhàng, không quá sức.
Bác sĩ Dũng cũng nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng chuột rút, cách tốt nhất và an toàn nhất là bổ sung thực phẩm giàu kali, magiê, canxi trong thực đơn hàng ngày. Những nhóm thực phẩm giàu các chất này gồm có: thịt các loại; cá, đặc biệt là cá biển là một nguồn canxi lẫn omega dồi dào. Tuy nhiên, các mẹ bầu chỉ nên ăn 300gr cá biển mỗi tuần và chia làm hai hoặc ba lần để tránh ngộ độc thủy ngân; trứng; rau - củ - quả, đặc biệt là chuối, nho khô, lê...
Nên dành thời gian để nghỉ ngơi. Luôn để tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng. Stress thai kỳ là một điều tối kỵ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lành mạnh của thai nhi. Tốt nhất các mẹ bầu nên thu xếp để có thời gian thư giãn, giải trí, đọc sách, xem phim, tán gẫu với bạn bè. Tinh thần thoải mái thì giấc ngủ của bà bầu sẽ ổn định, do đó hạn chế được tình trạng chuột rút.
Tắm bằng nước ấm. Ngâm chân trong nước nóng được pha với ít muối và gừng để tránh bị chuột rút vào ban đêm.
Bà bầu nên bổ sung nhóm thực phẩm giàu canxi để khắc phục tình trạng bị chuột rút.
Khi nhận thấy bất cứ nghi ngại gì về dấu hiệu chuột rút trong lúc mang thai với cơn đau tiếp diễn kèm theo đau và sưng chân, chạm vào có cảm giác nóng xung quanh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được sự trợ giúp kịp thời của các bác sĩ, có thể đó là nguy cơ bị đông máu thay vì chuột rút. Riêng trong trường hợp chuột rút ở bụng cần chú ý vì có khả năng sẩy thai.
Hiện nay có nhiều tài liệu yoga hoặc các trung tâm hỗ trợ sinh sản hướng dẫn bà bầu có thể tự xoa bóp vào chỗ bị chuột rút để giảm căng cơ. Trong trường hợp không có người hỗ trợ, thai phụ có thể tự xử lý cơn chuột rút bằng cách xoa bóp hay vuốt vùng cơ bị chuột rút, làm vùng da ấm lên. Chú ý xoa bóp nhẹ nhàng từ vùng cơ xung quanh vùng đau. Có thể sử dụng một con lăn massage hoặc bóng tennis.
Thư giãn bằng những bài tập vừa sức sẽ khiến mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh.
Làm ấm cũng là cách hiệu quả để loại bỏ sự căng cơ và đau. Sử dụng một miếng đệm nóng hoặc chai nước nóng áp vào chỗ bị chuột rút. Nhiệt giúp cải thiện lưu lượng máu sẽ làm giảm cơn đau do chuột rút gây ra.
Theo Tiền Phong