Rốt ráo kiểm tra, xác minh sầu riêng nhiễm Cadimi
Kinh doanh - Ngày đăng : 18:35, 28/06/2024
Khẩn trương xác minh
Chiều 28/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thường kỳ quý 2. Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc xác minh nguyên nhân sầu riêng nhiễm cadimi, ông Nguyễn Qúy Dương - Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) - cho biết vẫn đang khẩn trương phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị chức năng tiếp tục làm rõ.
Theo ông Dương, sau khi Trung Quốc phát cảnh báo hơn 30 lô sầu riêng nhiễm Cadimi, cục đã lập đoàn công tác kiểm tra, lấy các mẫu (gồm đất, nước, phân bón…) tại nhà máy, vùng trồng có trong danh sách cảnh báo. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra này cục vẫn chưa tìm được nguyên nhân.
Ông Nguyễn Qúy Dương - Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật - cho biết đang lập đoàn công tác lần thứ 2 để xác minh nguyên nhân sầu riêng nhiễm Cadimi. |
"Hiện, cục tiếp tục lập tổ công tác kiểm tra lần thứ hai. Cục đang trao đổi với các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, vùng trồng trong đó tập trung vào tỉnh Tiền Giang. Các đơn vị làm việc rốt ráo, tích cực. Dự kiến trong tháng 7 sẽ có kết quả. Khi đó, cục sẽ công bố thông tin và làm việc với phía Trung Quốc để tìm cách xử lý vấn đề này”, ông Dương cho hay.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nửa năm đạt hơn 29 tỷ USD
Tại cuộc họp báo, thông tin về tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp vào kết quả tăng trưởng, nhóm nông sản chính đạt 15,7 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính gần 8 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%. Trong đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt trên 1 tỷ USD gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có khả năng đạt 54 tỷ USD trong năm nay. |
Theo Thứ trưởng Tiến, đáng chú ý, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường chủ lực đều tăng mạnh, như Mỹ tăng 20,8%, Trung Quốc tăng 9,5% và Nhật Bản tăng 5%.
Đánh giá về nhu cầu xuất khẩu trong nửa cuối năm, Thứ trưởng Tiến cho hay, sẽ tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường trọng điểm, đồng thời mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi... Theo Thứ trưởng Tiến, hiện nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng như gạo, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam rất lớn, một số mặt hàng như cà phê, tiêu có giá bán tăng vọt.
“Với tình hình này, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm nay có thể đạt được 54 tỷ USD - như mục tiêu Thủ tướng đã giao cho ngành nông nghiệp”, ông Tiến cho hay.
Chưa xác định được nguyên nhân lúa nhiễm mặn
Liên quan đến thông tin lúa nhiễm mặn nghi do sử dụng cát biển làm cao tốc, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt - cho biết, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hậu Giang, vụ Đông Xuân 2023-2024, diện tích lúa bị nhiễm mặn đạt trên 2,2 ha. Khu vực này gần với với đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đi qua địa bàn xã Vị Thắng, huyện Vị Thanh.
Tiếp đó, vụ hè thu, cũng đã xảy ra tình trạng nhiễm mặn cũng chính khu vực này. Cơ quan chức năng đang đánh giá thiệt hại.
Theo ông Cường, việc xác định nguyên nhân là vấn đề khó cần đánh giá một cách hệ thống, toàn diện.
“Nếu ngành giao thông sử dụng cát biển để làm cao tốc thì tất cả các khu vực đều rơi vào tương tự, nhưng hiện Bộ Giao thông vận tải cho biết chưa sử dụng cát biển. Điều này cần sự vào cuộc của nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu. Cục ghi nhận có hiện tượng mặn nhưng kết luận cuối cùng chờ cơ quan chuyên môn phối hợp”, ông Cường nói.