Nghi lễ đầy tính nhân văn của người dân xứ Huế
Dòng chảy - Ngày đăng : 16:59, 28/06/2024
Hằng năm, cứ đến ngày 23/5 Âm lịch, người dân ở mảnh đất Cố đô Huế đều tổ chức cúng âm hồn tại đàn Âm hồn và các miếu âm hồn nằm trong khu vực thành nội Huế. Đây là nghi lễ cầu cho các vong hồn được siêu thoát.
Lễ tế Âm hồn năm 2024 tại đàn Âm hồn.
Ở Huế, tập tục cúng âm hồn bắt đầu từ những năm sau biến cố thất thủ kinh đô ngày 5/7/1885 (tức ngày 23/5 năm Ất Dậu) và kéo dài cho đến ngày nay.
Bởi vậy, từ ngày 23/5 Âm lịch, du khách có dịp đặt chân đến Huế sẽ không khỏi ngạc nhiên trước không khí trang nghiêm. Hình ảnh lễ cúng, hương khói, tiếng nhạc cúng lễ có thể bắt gặp ở mọi nơi từ sân nhà, đầu ngõ, trong chợ, bến sông... và trang trọng nhất là lễ tế được tổ chức tại Đàn Âm Hồn.
Nhằm tưởng nhớ đồng bào, chiến sỹ vong mạng trong biến cố thất thủ Kinh đô năm 1885, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức Lễ tế Âm hồn năm 2024 tại đàn Âm hồn (số 73 đường Ông Ích Khiêm, TP Huế).
Lễ tế Âm hồn được phục dựng theo nghi thức của triều đình, được ghi lại trên Châu bản dưới thời vua Thành Thái. Lễ tế Âm hồn là nghi lễ truyền thống tốt đẹp của người dân Huế, đồng thời đề cao giá trị nhân văn.
Lễ tế Âm hồn gồm các nghi lễ như Lễ Quán tẩy; lễ Thướng hương; lễ Sơ hiến tửu (dâng rượu lần đầu); lễ Đọc chúc; lễ Hành Á hiến (dâng rượu lần thứ hai); lễ Chung hiến (dâng rượu lần thứ ba); lễ Dâng trà; phần hóa và lễ Tất.
Lễ tế Âm hồn là nghi lễ truyền thống tốt đẹp của người dân Huế, đồng thời đề cao giá trị nhân văn.
Theo tìm hiểu, Đàn Âm hồn được vua Thành Thái cho xây dựng vào năm 1894. Đây là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các quan viên, binh lính, nam phụ lão ấu tử nạn trong biến cố thất thủ Kinh đô Huế ngày 5/7/1885 (tức ngày 23/5 năm Ất Dậu).
Vào năm 2013, di tích này đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đều tổ chức tái hiện Lễ tế Âm hồn vào dịp 23/5 Âm lịch để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong sự kiện Kinh đô thất thủ.
Bếp lửa được đốt trong nghi lễ.
Thông thường, việc tổ chức lễ cúng âm hồn được tổ chức vào ngày chính lễ 23/5 Âm lịch và có thể kéo dài cho đến hết tháng 5 tùy vào mỗi gia đình.
Đặc biệt, trong nghi lễ luôn có bình nước lớn và bếp lửa được đốt ngay bên cạnh bàn thờ cúng. Nhiều người tin rằng, những vong linh bị chết oan uổng vì đói khát, chết lạnh lẽo dưới ao hồ... không ai thờ tự có thể đến uống nước, sưởi ấm vào ngày này...
Trong bối cảnh hiện tại, Lễ tế âm hồn với ý nghĩa đề cao nghĩa cử cao đẹp trong nhận thức, hành động cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Truyền thống quý báu đó là cội nguồn, sức mạnh đoàn kết tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung, nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng. Việc làm này thể hiện tình đồng bào, tấm lòng nhân đạo và tính nhân văn sâu sắc của người dân cố đô.
Lễ tế âm hồn thể hiện tình đồng bào, tấm lòng nhân đạo và tính nhân văn sâu sắc của người dân Cố đô Huế.
Lễ tế diễn ra trang trọng.
Trong tâm thức của người Huế luôn nhớ về sự kiện thất thủ kinh đô.
Nghi lễ cầu cho các vong hồn được siêu thoát.
Tưởng nhớ đồng bào, chiến sỹ vong mạng trong biến cố thất thủ Kinh đô năm 1885.
Lễ tế Âm hồn gồm có các nghi lễ trang nghiêm.
Tái hiện Lễ tế Âm hồn vào dịp 23/5 Âm lịch để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong sự kiện Kinh đô thất thủ.