Lắm cơ hội, nhiều thách thức khi ứng dụng thực tiễn công nghệ AI tại Việt Nam
Cuộc sống số - Ngày đăng : 13:19, 28/06/2024
Theo báo cáo McKinsey & Company năm 2024 khảo sát 1.363 doanh nghiệp trên thế giới về áp dụng công nghệ AI, kết quả có 72% doanh nghiệp ứng dụng, cho thấy tỷ lệ cao về những tiện ích mà nó mang lại.
Khảo sát tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp chưa sẵn sàng hoặc lúng túng khi áp dụng công nghệ AI, đặc biệt là với doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, điều đó khiến họ khó tăng trưởng và cạnh tranh trên thương trường.
Với ước tính của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Mỹ Goldman Sachs, việc áp dụng công nghệ AI có thể giúp tăng năng suất lao động và tăng 7% GDP toàn cầu mỗi năm trong 10 năm tới. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế phát triển tất yếu này.
Chia sẻ tại hội thảo “Trí tuệ nhân tạo - Cơ hội, thách thức việc làm cho lao động nữ và nữ lãnh đạo trong các doanh nghiệp tư nhân”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI mong muốn cùng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động cập nhật kiến thức, làm chủ công nghệ để "tất cả vì tương lai phát triển doanh nghiệp bền vững mà ở đó giá trị bình đẳng giới là cốt lõi" cho nhận định rằng công nghệ AI có thể gây ảnh hưởng tới công việc của những nữ lao động.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trí tuệ Nhân tạo tại FPT Software cho biết, tỷ lệ nữ ở công ty hiện đang 30%, trong đó tỷ lệ tham gia vào lĩnh vực AI cũng rất cao nên "đẩy mạnh ứng dụng sức mạnh công nghệ AI để có công việc hiệu quả hơn là luôn cần thiết".
Để thích ứng tình hình mới, các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cần nhìn nhận rõ vai trò của công nghệ AI, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo hoặc có lực lượng lao động nữ lớn khi điều này đòi hỏi một sự hiểu biết toàn diện và sâu sắc nhằm tận dụng tối đa cơ hội và đối phó với những thách thức mà AI mang lại.
Không chỉ là nữ giới, theo nhiều ghi nhận, cả lao động trẻ cũng cần có những kiến thức về công nghệ AI để thấy nó đang hiện hữu và hỗ trợ họ trong công việc. Sự thay đổi về công việc và yêu cầu kỹ năng sử dụng công cụ AI cho nhiều ngành nghề là không thể tránh khỏi.
Và để sẵn sàng thích ứng với một thị trường lao động kiểu mới, lao động trẻ cũng cần phải trang bị kiến thức và bắt đầu thực hành các kỹ năng mới trên công nghệ AI nhằm mang đến những lợi ích cho mình trên môi trường số.
Theo ông Hồ Phạm Minh Nhật - Giáo sư bậc 1 của Đại học Texas-Austin, Mỹ, thậm chí với những người trẻ là lao động phổ thông công việc tay chân, việc trang bị kỹ năng công nghệ AI cũng cần thiết vì không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc, mà còn ải thiện an toàn, mở rộng nhiều cơ hội nghề nghiệp.
Đơn cử như trong ngành xây dựng, người lao động trẻ có thể sử dụng drone (máy bay không người lái) có tích hợp công nghệ AI để giám sát tiến độ và kiểm tra tính an toàn của công trình thông qua hình ảnh được ghi lại.
Hay trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, người trẻ có thể làm quen với cách sử dụng, bảo trì robot, các hệ thống tích hợp công nghệ AI để giảm thiểu lỗi trong quá trình sản xuất. Trong nông nghiệp, các nông dân trẻ có thể học cách sử dụng các thiết bị có tích hợp AI để giám sát chất lượng nước, đất đai, hiệu quả của cây trồng.
Trên thực tế, tại Việt Nam cũng đã có những robot, hệ thống điều khiển từ xa, máy bay nông nghiệp, trạm giám sát... ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ vài năm nay trong việc ứng dụng công nghệ AI vào cuộc sống.
Do đó, việc trang kiến thức về công nghệ AI luôn cần thiết không chỉ cá nhân, mà còn cả doanh nghiệp trong quá trình phát triển bền vững lâu dài. Điều này vừa góp phần tăng sự cạnh tranh, vừa sáng tạo, chủ động để tối ưu hóa vận hành, từng bước thấy được lợi ích từ công nghệ AI mang lại.