Tăng tốc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới

Kinh doanh - Ngày đăng : 16:12, 27/06/2024

Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới của Việt Nam đang tăng tốc và rất cần định hướng chính sách, phác thảo các đề xuất và giải pháp để mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới.
amazon_800-2.jpg

Ngày 27/6, Amazon Global Selling phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khai mạc “Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024”.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam 2022” của AccessPartnership, giá trị xuất khẩu TMĐT B2C của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Ngoài ra, dữ liệu của Amazon cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng đáng kinh ngạc 300% trong 5 năm qua.

Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết “TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam đang cho thấy tiềm năng to lớn và chúng tôi rất vinh dự được là một phần trong hành trình chuyển đổi của nền kinh tế xuất khẩu và các doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua các sự kiện như Diễn đàn TMĐT xuyên biên giới 2024 này, chúng tôi nỗ lực thúc đẩy một môi trường nuôi dưỡng sự đổi mới, trao quyền cho các doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao vị thế toàn cầu cho hàng hóa, thương hiệu và ngoại thương Việt Nam trên trường quốc tế”.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó chủ tịch, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết: “Tập trung phát triển TMĐT xuyên biên giới là một trong những trụ cột quan trọng được Chính phủ quan tâm trên hành trình thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, việc tạo môi trường xây dựng các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nắm bắt quy trình vận hành trên nền tảng số, và hiện đại hóa hoạt động thương mại góp phần không nhỏ đến cơ hội mở rộng thị trường của các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô”.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS) Nguyễn Thị Minh Huyền (Bộ Công Thương) cho biết: “Với lợi thế hạ tầng công nghệ thông tin có tính sẵn sàng cao, nguồn nhân lực về TMĐT chất lượng, hệ thống hạ tầng logistics phát triển, các doanh nghiệp của chúng ta hoàn toàn có thể phát huy để đa dạng hóa các mặt hàng đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới đặc biệt là các sản phẩm gỗ nội thất, ngành hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm công nghệ và các sản phẩm đặc sản địa phương”.

Mới đây cũng đã ra mắt Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến Việt Nam (VESA) do VECOM thành lập, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ công nghiệp, các công ty hậu cần và đối tác công nghệ nhằm kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số và khai thác các cơ hội xuất khẩu trực tuyến.

Cơ hội nhưng cũng đầy thách thức cho doanh nghiệp Việt

Nhiều thương hiệu từ các quốc gia khác cũng tham gia bán hàng toàn cầu, xuất khẩu qua TMĐT trên Amazon, vì vậy thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam là không nhỏ. Ông Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết: “Cơ hội lớn đi kèm với thách thức lớn, và không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mới phải đối diện với các thách thức này mà các doanh nghiệp, các nhà bán hàng toàn cầu từ các quốc gia khác cũng thế. Tuy nhiên, thị trường lớn và mở rộng với rất nhiều cơ hội xứng đáng để các nhà bán hàng và thương hiệu dấn thân. Theo quan sát của chúng tôi, trong thời gian qua, các doanh nghiệp và nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon gồm 2 nhóm chính. Hai nhóm này đối diện những thách thức khác nhau;

amazon-elevates-e-commerce-embracing-next-gen-generative-ai-applications-scaled-e1692158757788.jpg

Đầu tiên là online sellers - tức cộng đồng các nhà bán hàng từng kinh doanh online, có kỹ năng số, bán hàng trên môi trường số. Nhóm này thường bắt xu hướng rất nhanh, họ gần như ngay lập tức bắt nhịp các xu hướng mới nhất của bán hàng qua TMĐT. Tuy nhiên, họ cần có tầm nhìn dài hạn, cần phải xây dựng kế hoạch kinh doanh TMĐT xuyên biên giới lâu dài, nghiêm túc cùng với nỗ lực xây dựng thương hiệu. Trước đây, họ chỉ bán sản phẩm, tính lợi nhuận trên từng sản phẩm bán ra, chứ không xây dựng lộ trình hay kế hoạch kinh doanh dài hạn, gia tăng sức mạnh thương hiệu để tăng giá trị cho sản phẩm. Cộng đồng các online seller cũng còn thiếu khả năng sáng tạo sản phẩm;

Nhóm thứ hai là các nhà sản xuất truyền thống hoặc chủ thương hiệu. Nhóm này có năng lực sản xuất, song chưa biết cách làm thương hiệu trên môi trường online. Họ thường có kinh nghiệm xây dựng thương hiệu ở môi trường trong nước nhiều hơn, thông qua các cách thức truyền thống. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường online, thâm nhập các thị trường quốc tế như Mỹ, châu Âu, cách làm thương hiệu phải khác. Thêm vào đó, dù biết cần có câu chuyện thương hiệu, song các doanh nghiệp thuộc nhóm này chưa biết cách tận dụng các công cụ, giải pháp từ Amazon để bảo vệ thương hiệu, xây dựng các chương trình khuyến mãi, lên kế hoạch tìm hiểu nhu cầu thị trường bài bản, dài hạn.

“Một số câu hỏi đặt ra và cũng chính là lời khuyên cho các doanh nghiệp thuộc hai nhóm này: Thứ nhất, liệu doanh nghiệp đã tận dụng công cụ, số liệu, dữ liệu mà Amazon và các môi trường online khác cung cấp để đọc vị thị trường, thấu hiểu nhu cầu người dùng quốc tế, từ đó sáng tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu – thay vì lấy sản phẩm đã bán tại Việt Nam mang ra quốc tế; Thứ hai, liệu các doanh nghiệp đã đủ nhanh nhạy chưa?, Khi nhận được dữ liệu thị trường, các đánh giá của khách hàng về sản phẩm, liệu các doanh nghiệp có đủ nhanh nhạy để thay đổi, cải tiến sản phẩm & dịch vụ theo nhu cầu của thị trường không; Thứ ba, các doanh nghiệp đã nghiêm túc đầu tư xây dựng thương hiệu, sử dụng công cụ, công nghệ để bảo vệ, xây dựng thương hiệu nhằm tăng giá trị sản phẩm trên quốc tế?”, Ông Gijae Seong cho biết thêm.

Hơn 2000 doanh nghiệp được đào tạo về TMĐT xuyên biên giới

Ngày 8/6/ 2022, Cục TMĐT và KTS cùng Amazon Global Selling Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc triển khai sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”.

2023-08-24-13-45-z4597747479635-fde23c1758a589c6b8a660f914c74cba.jpg

Chương trình “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực về TMĐT xuyên biên giới cho khoảng 10.000 doanh nghiệp trong 5 năm (từ năm 2022 đến 2026), từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp thông qua TMĐT xuyên biên giới.

Tính từ tháng 6 năm 2022 đến tháng 12 năm 2023, Chương trình “Thương mại điện tử xuyên biên giới – Kỷ nguyên bứt phá” đã đạt được một số kết quả khả quan. Theo đó, năm 2022, tổ chức được 9 khóa học tại 6 tỉnh thành, gồm: Hà Nội (3 khóa), thành phố Hồ Chí Minh (2 khóa), Đà Nẵng, Ninh Bình, Hải Phòng và Đồng Nai, với 1200 doanh nghiệp tham gia. Năm 2023, tổ chức được 5 khóa học tại 4 tỉnh thành, gồm: thành phố Hồ Chí Minh (08 tháng 03); Đà Nẵng (30 tháng 6); Hà Nội (10 tháng 8), Bến Tre (24 tháng 8) và thành phố Hồ Chí Minh (21 tháng 12) với sự tham gia của 628 doanh nghiệp.

Theo ghi nhận, doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo năm 2023 đã có hiểu biết, sự sẵn sàng cao hơn và được trang bị các kiến thức nền tảng về thương mại điện tử xuyên biên giới và mô hình bán hàng toàn cầu của Amazon, phù hợp hơn với các tiêu chí của thương mại điện tử xuyên biên giới với Amazon.

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và hỗ trợ thành công các doanh nghiệp tham gia TMĐT xuyên biên giới với Amazon, Cục TMĐT và KTS và Amazon Global Selling xây dựng Chương trình hợp tác giai đoạn 2 từ 2024 – 2026, trong đó tăng cường sự tham gia của các hiệp hội ngành nghề, lựa chọn các doanh nghiệp trong top ngành hàng tiềm năng, hỗ trợ chuyên sâu giúp các doanh nghiệp này thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, đưa hàng Việt tới thị trường toàn cầu thông qua Amazon.

Cùng với đó, tiếp tục duy trì các hoạt động đào tạo của Sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” với nội dung được cải tiến, phù hợp với đối tượng doanh nghiệp; Tổ chức các khóa Đào tạo trực tuyến, tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp đã tham gia các chương trình đào tạo cơ bản, giúp tăng tính sẵn sàng của doanh nghiệp tham gia TMĐT xuyên biên giới...

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)