Shopee và Shopee Express vi phạm quy định chống độc quyền tại Indonesia

Cuộc sống số - Ngày đăng : 17:32, 26/06/2024

Shopee và dịch vụ giao hàng Shopee Express đồng ý điều chỉnh hành vi sau khi thừa nhận vi phạm quy định chống độc quyền tại Indonesia.

Hôm 26/6, Ủy ban cạnh tranh Indonesia Komisi Pengawas Persaingan Usaha (KPPU) cho biết Shopee và Shopee Express thừa nhận vi phạm Luật số 5 năm 1999, liên quan đến dịch vụ giao hàng trên nền tảng Shopee và đồng ý thay đổi các hành vi khác nhau do Hội đồng KPPU xác định trong phiên điều trần trước đó một ngày.

4m70r6ib.png
Shopee vi phạm Luật số 5 năm 1999 của Indonesia liên quan đến dịch vụ giao hàng trên nền tảng. Ảnh: Kompas

Theo KPPU, Shopee đề xuất điều chỉnh đối với các hành vi hiện tại vào ngày 20/6 và đã được chấp thuận. Trả lời CNBC qua email, Radynal Nataprawira – Giám đốc các vấn đề công chúng tại Shopee Indonesia – cho biết Shopee Indonesia đã tham gia cuộc họp với KPPU vào ngày 25/6 để thảo luận về các điểm của hiệp ước liêm chính được KPPU chia sẻ tuần trước. Shopee đề xuất thay đổi đối với giao diện người dùng để cải thiện dịch vụ và thể hiện sự tuân thủ của hãng.

“Shopee luôn cam kết tuân thủ tất cả các quy định và luật pháp hiện hành tại nước Cộng hòa Indonesia khi thực hiện các hoạt động kinh doanh", Nataprawira nói.

Hồi tháng 5/2024, KPPU tiết lộ kết quả điều tra sơ bộ cho thấy Shopee ưu tiên Shopee Express trong mọi đơn hàng gửi đến người dùng. Nhà chức trách cáo buộc Shopee phân biệt đối xử khi tự động kích hoạt hàng loạt hai dịch vụ Shopee Express và J&T Express trên bảng điều khiển của người bán, trong khi các công ty khác dù có dịch vụ tốt lại không được chọn tự động.

Các điều tra viên của KPPU còn nêu tên một nhân viên giữ các chức vụ giám đốc trong cả Shopee Indonesia và Shopee Express, cho rằng “chức danh kép” có thể gây ảnh hưởng đến cạnh tranh và kiểm soát hành vi của hai công ty.

KPPU cũng đang điều tra Lazada – công ty thương mại điện tử thuộc Alibaba – vì phát hiện các dấu hiệu vi phạm tương tự. Nếu được chứng minh có vi phạm, Lazada có thể bị phạt tối đa 50% lợi nhuận ròng hoặc 10% tổng doanh thu kiếm được từ thị trường liên quan trong suốt thời gian vi phạm, KPPU cho biết trong một thông báo tháng trước.

(Theo CNBC)