Điểm tin công nghệ 26/6: Apple đối mặt vi phạm luật cạnh tranh của EU

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 26/06/2024

Galaxy S25 sẽ dùng chip Snapdragon trên toàn thế giới; Viettel đạt chứng chỉ ISO cao nhất về nhận diện khuôn mặt
anh15.jpg

- Apple đối mặt vi phạm luật cạnh tranh của EU

Theo thông tin từ các nhà quản lý, các chính sách của cửa hàng ứng dụng App Store thuộc Apple đang bị coi là bất hợp pháp, dựa vào Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU), được thông qua năm 2022.

Apple là công ty đầu tiên bị buộc tội vi phạm Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) được thực thi bởi các nhà quản lý châu Âu, với nhiệm vụ yêu cầu và ép buộc các ông lớn công nghệ trực tuyến vận hành theo hướng không gây bất lợi cho người dùng.

Các cáo buộc vi phạm này cho thấy nỗ lực của Liên minh Châu Âu, vốn được biết đến là cơ quan quản lý chặt chẽ ngành công nghệ, trong tăng cường các biện pháp trừng phạt. Các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Google và Meta cũng đang phải đối mặt với các cuộc điều tra theo các quy định cạnh tranh mới. Đồng thời TikTok và X bị điều tra về công tác kiểm duyệt và quản trị nội dung trên nền tảng của họ.

Các quy định của EU phần nào ảnh hưởng đến thị trường công nghệ toàn cầu vì các công ty có xu hướng trì hoãn phát hành một số sản phẩm và dịch vụ nhất định.

- Viettel đạt chứng chỉ ISO cao nhất về nhận diện khuôn mặt

Vừa qua, hệ thống nhận diện khuôn mặt - Viettel eKYC của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) nhận chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 về nhận diện khuôn mặt (FaceID) cấp độ 2.

Hệ thống sinh trắc học Viettel eKYC (xác thực khách hàng điện tử) do Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI) phát triển được kiểm nghiệm và cấp chứng chỉ bởi Tayllorcox. Theo đánh giá, Viettel eKYC được đánh giá đạt độ chính xác tuyệt đối trước các hình thức giả mạo 2D và 3D, hoàn toàn không nhầm lẫn giữa khuôn mặt người dùng và các hình thức giả mạo, đảm bảo an toàn chống giả mạo sinh trắc khuôn mặt.

Ở cấp độ 1, các hệ thống sinh trắc học có thể phát hiện các trường hợp giả mạo dạng cơ bản 2D như chụp khuôn mặt gián tiếp qua màn hình, khuôn mặt in trên giấy, khuôn mặt in trên thẻ… Trong khi đó, các hệ thống sinh trắc học đạt cấp độ 2 như Viettel eKYC có khả năng phát hiện các trường hợp gian lận tinh vi hơn ở dạng 3D như mặt nạ silicon, khuôn mặt tái tạo bằng máy scan chuyên dụng, video deepfake (giả mạo),… và sẵn sàng đối phó với những trường hợp gian lận sinh trắc học có độ phức tạp cao.

Viettel eKYC đã vượt qua khoảng 3.000 lần kiểm thử bằng cách “làm giả” bởi một trong các hình thức tái tạo khuôn mặt 2D hoặc 3D có quyền truy cập hệ thống. Theo kết quả đo kiểm của Tayllorcox, tỷ lệ sai số của Viettel eKYC là 0%, tốt hơn so với sai số 1% mà tiêu chuẩn cho phép, đồng thời cũng không gặp phải trường hợp từ chối người dùng thật.

- Galaxy S25 sẽ dùng chip Snapdragon trên toàn thế giới

Theo một số nguồn tin thì Samsung được cho là sẽ trang bị chip Snapdragon 8 Gen 4 cho Galaxy S25 trên toàn thế giới.

Thời gian qua nhiều báo cáo tiết lộ việc Samsung đang phát triển các điện thoại Galaxy S25 thế hệ mới.

Theo nhà phân tích Ming-Chi Kuo: Qualcomm có khả năng sẽ là nhà cung cấp SoC duy nhất cho Samsung Galaxy S25 do chip Exynos có sản lượng thấp hơn mong đợi.

Hiện Galaxy S24 sử dụng 40% chipset từ Qualcomm còn lại 60% là do Samsung Exynos đảm nhận. Chỉ phiên bản cao cấp nhất là Galaxy S24 Utra mới sử dụng chip Snapdragon 8 Gen 3 ở tất cả các thị trường. Trong khi đó, vi xử lý Exynos 2400 được trang bị cho Galaxy S24 và Galaxy S24+ ở mọi nơi trên thế giới trừ Mỹ, Canada, Trung Quốc và Nhật Bản.

thue-bao-vinaphone-xem-uefa-euro-2024-tron-ven-tren-mytv-khong-mat-data-4g.jpg

- AMD bị tin tặc tấn công và đánh cắp nhiều dữ liệu quan trọng

Hãng sản xuất chip AMD vừa bị nhóm tin tặc IntelBroker tấn công và đánh cắp đi nhiều dữ liệu quan trọng.

Trong một tuyên bố mới đây, IntelBroker đã chia sẻ hàng loạt hình ảnh chụp màn hình về thông tin nội bộ của AMD. Theo đó, nhóm tin tặc này tiết lộ đã tấn công vào cơ sở dữ liệu của AMD vào tháng 6.

Danh sách những dữ liệu của AMD bị đánh cắp được cho là bao gồm ROM, firmware, tệp tài sản, mã nguồn, cơ sở dữ liệu nhân viên và khách hàng, thông tin tài chính, kế hoạch sản phẩm trong tương lai cùng bảng thông số kỹ thuật. Thông tin nhân viên bị lộ bao gồm ID người dùng, địa chỉ email, chức năng công việc, tình trạng việc làm, họ tên và số điện thoại doanh nghiệp.

Nhóm tin tặc IntelBroker đã trở nên nổi tiếng sau khi xâm nhập vào DC Health Link, nơi quản lý những kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho các thành viên Hạ viện Mỹ, nhân viên và cả gia đình của họ.

Gần đây hơn, IntelBroker cũng bị cáo buộc đứng sau vụ vi phạm Europol Platform for Experts (EPE). Đây là một cổng web được sử dụng để chia sẻ thông tin giữa những cơ quan thực thi pháp luật quốc tế.

Đại diện AMD đã phản hồi về sự việc này rằng: "Chúng tôi nhận được thông tin về một tổ chức tội phạm mạng tuyên bố đánh cắp những dữ liệu từ AMD. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với những cơ quan chức năng và đối tác để điều tra".

- Chính phủ Indonesia khẳng định không trả tiền chuộc 8 triệu USD cho tin tặc

Bộ trưởng Truyền thông và Tin học Indonesia khẳng định Chính phủ sẽ không trả tiền cho tin tặc, đồng thời cho biết nhà chức trách đang cố gắng khôi phục hoạt động của các mạng lưới bị ảnh hưởng.

Chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ không trả khoản tiền chuộc 8 triệu USD cho nhóm tin tặc xâm nhập trung tâm dữ liệu quốc gia.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Truyền thông và Tin học Indonesia Budi Arie Setiadi khẳng định Chính phủ sẽ không trả tiền chuộc mà nhóm tin tặc đòi, đồng thời cho biết nhà chức trách đang cố gắng khôi phục hoạt động của các mạng lưới bị ảnh hưởng.

Qua điều tra, Cơ quan An ninh mạng và Tiền Điện tử Quốc gia Indonesia đã phát hiện tin tặc sử dụng mã độc tống tiền (ransomware) Lockbit 3.0 trong vụ tấn công.

Giám đốc Mạng và Giải pháp Công nghệ Thông tin của PT Telkom, Herlan Wijanarko, cho biết công ty đang phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để điều tra và tìm cách bẻ khóa mã hóa dữ liệu đang bị tin tặc chiếm quyền kiểm soát.

Theo ông Samuel Abrijani Pangerapan, quan chức phụ trách mảng ứng dụng tin học của Bộ Truyền thông và Tin học Indonesia, vụ tấn công mạng đã làm gián đoạn dịch vụ của hơn 200 cơ quan chính phủ ở cả cấp quốc gia và khu vực kể từ ngày 20/6.

Việt Báo (Tổng hợp)